Bao la tình Bác

12/05/2010 - 12:00 AM
Trong tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ta nhận được lòng ưu ái của Người đặc biệt quan tâm tới người lao động, người nghèo.

Ngay từ lúc còn thanh niên đi tìm đường cứu nước, ở trên đất Pháp, Bác Hồ đã cùng các bạn sáng lập và ra tờ báo Người cùng khổ (Le Paria) làm vũ khí đấu tranh chung. Khi về nước, lãnh đạo cách mạng giành chính quyền thành công tháng tám 1945, Bác của chúng ta luôn nghĩ tới dân nghèo.

Trong đêm giao thừa độc lập đầu tiên, chiếc xe hơi đã đưa Bác vào sâu trong ngõ Hàng Đũa (nay là phố Ngô Sĩ Liên), ngày ấy còn là khu lao động với những túp nhà tranh xiêu vẹo dột nát. Ngõ không có điện. Bác đẩy tấm cửa liếp không cài then vào một gian gọi không ai thưa. Dưới ánh đén dầu leo lắt, Bác nhận ra trên chiếc chõng tre có một người đàn ông nằm co quắp vì lạnh. Anh ta chỉ mặc manh áo vá nhiều miếng với chiếc quần cộc, vắt ngang bụng chiếc bao tải. Cái nón lá cũ mèm úp lên mặt. Chung quanh trống chơ chẳng có chút gì gọi là Tết.

Bác lặng lẽ quay ra, đi thăm tiếp mấy nhà nhân sĩ, dân phố thì nhà nào cũng đèn nến sáng choang, hoa đào đỏ rực, ban thờ gia tiên ngan ngát khói hương, bánh trái, cỗ bàn thịnh soạn bày đủ thứ.

Hôm sau, Bác gặp mặt chúc Tết các cán bộ thành phố đã đề cập ngay đến vấn đề này nhắc nhở trong các dịp lễ tết phải chú ý đến việc trợ cấp, tặng quà cho những gia đình nghèo khó để họ không tủi phận và kêu gọi mọi người vì nghĩa đồng bào hãy lá lành đùm lá rách, đừng chỉ nghĩ đến riêng mình.

Sau ngày Thủ đô giải phóng, vào dịp Tết cổ truyền Nhâm Dần (1962) Bác đi chúc Tết đêm giao thừa ở các địa chỉ do Thành phố bố trí đã xong, Bác bảo riêng đồng chí cảnh vệ đưa Bác thăm một gia đình công nhân thật nghèo.

Xe của Bác dừng lại đầu một cái ngõ hẹp ở phố Lý Thái Tổ. Cả ngõ chỉ có một bóng điện ở gần giữa cho Bác thấy có một xóm lao độång nằm ngay sau mặt phố. Hai dãy nhà cấp bốn lúp xúp. Một người đàn bà quẩy đôi thùng sắt tây tất tả đi ra. Anh cảnh vệ nhẹ nhàng hỏi: - Chị Chín đấy phải không?

Chị ta dừng lại: - Bác cần gánh nước ăn Tết phải không? Nhưng mà sắp giao thừa mất rồi…

Vừa lúc Bác Hồ bước tới. Dưới ánh đèn nhập nhoạng, người đàn bà đau khổ đã kịp nhận ra vị lãnh tụ của đất nước. Chị buông tay, hai chiếc thùng tuột đòn gánh rơi xuống ngõ. Chị ôm lấy hai tay Bác, khuôn mặt đầy nước mắt, sung sướng reo lên:  - Ôi Bác, Bác Hồ ơi!

Bác theo chị vào nhà. Một gian lợp lá. Cái giường cũ kê giữa nhà. Năm đứa trẻ đang lục tìm trong mớ quần áo xem có chiếc nào lành nhất để diện Tết. Trên ban thờ duy nhất có một nải chuối xanh và vài tăm hương đang toả khói. Bác lặng đi, cặp mắt thương cảm, xót xa. Bác bế cháu bé nhất, cài cho cháu cái khuy áo ngực và hỏi chuyện gia đình. Được biết chồng chị là công nhân máy đèn đã mất để lại cho chị nuôi 5 đứa con thơ, chị phải đi làm phụ khuân vác ở bến Phà Đen và gánh nước thuê để kiếm sống. Mai đã Tết rồi , nhà chỉ còn vài lon gạo, nên đến giờ này vẫn còn cố đi gánh nước thuê thêm dăm gánh nước cho các nhà ngoài phố, kiếm chút tiền cho con no mấy bữa đầu năm.

Bác cho quà các cháu, dặn chị phải cố gắng cho các cháu đi học. Chị Chín xúc động: -Thưa Bác, cháu không ngờ… Bác…

Bác hiền hậu: - Bác không đến thăm các gia đình như cô thì thăm ai… Bác đứng lên ra về. Bà con trong ngõ nghe tin đã xúm đông trước cửa. Một cụ già khăn đóng, áo dài tiến lên trước:  - Chúng cháu kính chúc Bác sang năm mới mạnh khoẻ!

Bác nói với mọi người vì thời gian Bác không đi thăm tất cả mọi nhà được, cho Bác gửi lời chúc Tết. Rồi Bác hỏi: - Tại sao bà con ăn Tết vui vẻ, nhiều nhà có bánh trưng, mứt tết, lại không nghĩ tới những gia đình lân bang quá nghèo và khó khăn như nhà chị Chín?

Cụ già kính cẩn thưa: - Thưa Bác, chúng cháu thật có lỗi. Xin hứa với Bác sẽ bảo nhau sửa ngay ạ!

Bác rất vui: - Vậy thì tốt.

Đêm ấy, Bộ chính trị đến mừng tuổi Bác, câu chuyện này được kể lại và Bác kết luận: - Ta đã có chính quyền trong tay, nhưng lãnh đạo một số nơi còn nặng về hình thức, chưa đi sâu sát dân, phục vụ nhân dân chưa tốt. Cần phải rút kinh nghiệm. Không được để một người dân nào không có Tết.

Từ bài học này, chính quyền thành phố về sau năm nào đến gần Tết cùng làm cuộc tổng điều tra từ các cơ sở, nắm được số các gia đình chính sách, các hộ nghèo, những cá nhân cơ nhỡ, để lập kế hoạch tặng quà tết, trợ cấp khó khăn, làm cho mọi người đều có chiếc bánh chưng, hộp mứt tết trong lúc bước vào năm mới.

Thấm nhuần tư tưởng vì người nghèo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phát động cuộc vận động "Vì người nghèo", kêu gọi lòng hảo tâm của các doanh nhân, tình nghĩa đồng bào của toàn dân ủng hộ vào quỹ "Vì người nghèo", hàng năm tổ chức ngày cao điểm "Ngày vì người nghèo" nhằm giúp đỡ bà con nghèo vượt khó, đi tới xoá các hộ nghèo ở cơ sở, để ai cũng có mái ấm, có cơm ăn, áo mặc trong xã hội dân chủ của chúng ta do Bác Hồ thành lập.

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020