Chất vấn nhiều vấn đề nóng tại HĐND TP Hà Nội

06/12/2018 - 04:47 PM
Chiều 6/12, ngày làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 7, HĐND TP khóa XV, các đại biểu chất vấn, tái chất vấn các thành viên UBND TP nhiều vấn đề nóng, được cử tri quan tâm.

Theo Chương trình làm việc, chiều 6/12, tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP khóa XV, HĐND TP tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. 

Mở đầu buổi chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, HĐND thành phố sẽ tập trung vào hai nội dung đã được HĐND giám sát và Thường trực HĐND thành phố tổ chức giải trình trong năm 2018, đó là: Tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai; Kết quả giải quyết kiến nghị cử tri, việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn thành phố.

Còn sự đưa đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan

ĐB Nguyễn Minh Tuân (quận Tây Hồ) đặt câu hỏi: Sau kiến nghị giám sát của HĐND TP về các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, UBND thành phố đã triển khai nhiều công việc. ĐB đề nghị UBND báo cáo các kết quả chủ yếu đã thực hiện để khắc phục các hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện?
Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn, ĐB Hoàng Thị Tú Anh (huyện Đan Phượng) đề cập đến 21 vụ việc phức tạp cần giải quyết trên địa bàn quận Hoàng Mai. Theo quận Hoàng Mai, hiện đã giải quyết được 10 vụ việc và đề xuất đưa ra khỏi danh sách các vụ việc tồn đọng phức tạp 15 vụ việc. Tuy nhiên, theo Thanh tra mới chỉ giải quyết được 9 vụ việc, còn tồn đọng 12 vụ việc.
Vì vậy, ĐB Tú Anh đề nghị Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai những khó khăn vướng mắc, tiến độ thời gian giải quyết đối với những dự án còn đang vướng mắc, điển hình như: dự án Đồng Mo (phường Trần Phú); dự án trong và ngoài hàng rào kỹ thuật phục vụ công tác GPMB công viên Tuổi trẻ; vụ bà Trần Thanh Hương. Đồng thời, báo cáo rõ kết quả triển khai dự án GPMB đường 2,5 Đầm Hồng đến Quốc lộ 1A; …
ĐB Tú Anh đề nghị Thanh tra TP làm rõ quan điểm đối với 5 vụ việc mà quận Hoàng Maiđề xuất đưa ra khỏi danh sách các vụ việc phức tạp.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung (Gia Lâm) chất vấn, qua báo cáo và tiếp xúc cử tri ở huyện Gia Lâm cho thấy, dù huyện triển khai thực hiện rất quyết liệt nhưng còn một số vụ việc tồn tại. Về tố cáo, vẫn tồn tại 3 kết luận chưa được tổ chức thực hiện dứt điểm. Quá trình tổ chức thực hiện việc giao đất, cấp GCN quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn vướng mắc, UBND huyện đã có nhiều văn bản báo cáo xin ý kiến hướng dẫn, UBND TP cũng đã có văn bản tháng 4 giao Thanh tra TP chủ trì xử lý dứt điểm, nhưng đến nay chưa được hướng dẫn. Cũng đề nghị Thanh tra TP giải trình trách nhiệm trong việc tham mưu UBND TP trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo; sự phối hợp của các sở ngành như thế nào trong việc giải quyết này?

Cũng liên quan đến vấn đề giải quyết tố cáo, khiếu nại, đại biểu Hồ Vân Nga đặt câu hỏi về trách nhiệm của Thanh tra Thành phố. Theo đó, qua giám sát, HĐND TP nhận thấy có nhiều vụ việc liên quan đến khiếu nại tố cáo tồn đọng mà chưa rõ trách nhiệm thuộc về cấp nào, còn sự đưa đẩy về trách nhiệm giữa các cơ quan.

Ví dụ vụ việc ông Hoàng Văn Hiểu ở phường Cổ Nhuế 2- quận Bắc Từ Liêm là vụ việc khiếu nại tồn tại kéo dài. Qua báo cáo thì quận Bắc Từ Liêm báo cáo đã xử lý xong. Tuy nhiên, Thanh tra TP vẫn nói thuộc thẩm quyền của quận. “Vậy trách nhiệm thuộc về cơ quan nào và có biện pháp nào để giải quyết rõ trách nhiệm giữa các ngành các cấp ngành của Thành phố?”- bà Nga đặt câu hỏi.

Đại biểu Lê Vĩnh Sơn (huyện Đông Anh) thông tin, tại phiên giải trình của Thường trực HĐND TP, UBND TP báo cáo đến hết quý III/2018, sẽ hoàn thành xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với 26 dự án được điều chỉnh quy hoạch nhưng chưa xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung. “Tuy nhiên, đến nay còn 7/26 dự án chưa xác định xong nghĩa vụ tài chính. Đề nghị Giám đốc Sở TN&MT cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và bao giờ xác định được nghĩa vụ tài chính bổ sung của các dự án này” – ông Sơn đặt câu hỏi. 

Đại biểu Phạm Đình Đoàn (quận Hoàng Mai) đề nghị UBND báo cáo rõ kết quả rà soát các Dự án chậm triển khai được nêu ra trong phóng sự của phiên giải trình HĐND hồi tháng 8/2018.

Về đề xuất, đại biểu Đoàn cho biết, qua tiếp xúc cử tri tại địa bàn quận Hoàng Mai cho thấy, nhiều vụ việc về đất đai kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết. Có những vụ việc có nguyên nhân do các quy định khác nhau qua từng thời kỳ nên rất khó xử lý. “Với các vụ việc như thế này, tôi đề xuất chúng ta phải có phương án linh hoạt. Có thể thành lập một Hội đồng nào đó có đầy đủ các thành phần giải quyết dứt điểm các vụ việc này.”- đại biểu Đoàn cho biết.    

Đại biểu Nguyễn Thế Vinh đề xuất xây dựng Quy trình hệ thống thông tin về các dự án ngoài ngân sách, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp. Cụ thể, theo đại biểu, nên xây dựng trang thông tin điện tử về tiến độ các dự án trên địa bàn TP để thu hút các nhà đầu tư (NĐT) tránh việc nhiều NĐT có đất nhưng thiếu năng lực và ngược lại.

Chưa rõ trách nhiệm

Trả lời chất vấn, đối với 21 vụ việc phức tạp tại quận Hoàng Mai, Chánh Thanh tra TP Nguyễn An Huy cho biết: Thanh tra TP xác định chỉ có 9 vụ việc đã xong. Tháng 10/2018, Thanh tra TP đã có tổ công tác  làm việc với quận Hoàng Mai và thống nhất có 9/21 vụ đã giải quyết. 

Trả lời câu hỏi của ĐB liên quan đến các vụ việc cụ thể tại huyện Gia Lâm, Chánh Thanh tra TP Nguyễn An Huy nhấn mạnh trách nhiệm giải quyết các vụ việc này là của huyện Gia Lâm. 

Cũng liên quan nội dung khiếu nại, Chủ tịch huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết, về việc hộ ông Vũ Văn Ly và Đinh Văn Chai đều ở thôn Chi Đông liên quan đến nội dung khiếu nại đều xuất phát từ tố cáo của người dân từ năm 2000 tại xã Lệ Chi. Sau khi huyện giải quyết, người dân không đồng tình và đã khiếu nại lên TP, rồi TP ra kết luận, và UBND TP thực hiện kết luận đã ra quyết định ra thu hồi đất của 2 gia đình này. Nhưng sau đó chính 2 người này lại có khiếu nại về quyết định thu hồi. Sau khi có ý kiến kết luận của TP thì lại hủy quyết định của UBND huyện. UBND huyện từ đó không biết trình tự tổ chức thực hiện thế nào, đã có 2 văn bản từ tháng 5/2017, 1/2018 đề nghị hướng dẫn UBND huyện xác định hành vi của 2 người này, trình tự thực hiện thế nào, để huyện thực hiện cho đúng. Huyện cũng đã phối hợp với Thanh tra Sở TN&MT thời gian tới sẽ có báo cáo, trả lời.

Qua hai phần trả lời trên, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận xét: "Qua trả lời của các sở, huyện Gia Lâm cho thấy rõ ràng quy tình giải quyết vẫn vòng vèo, từ huyện lên ngành, từ ngành lại xuống huyện… thì còn kéo dài đến bao giờ?". 

Chủ tịch HĐND đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách lĩnh vực khiếu nại tố cáo nói rõ hướng khắc phục, mối quan hệ giữa các ngành trong giải quyết đơn thư thế nào để rõ việc. 

Liên quan đến giải quyết các vụ việc cụ thể theo Nghị quyết 15 của Thành ủy, ĐB Đào Việt Cường nêu vụ việc tranh chấp ngõ đi lại tại xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa.

Trong quá trình giải quyết, huyện Ứng Hòa đã nhiều lần tổ chức cưỡng chế nhưng người dân không đồng tình với quyết định cưỡng chế. UBND TP đã giao cho Sở TNMT rà soát, tham mưu UBND TP chỉ đạo giải quyết. Tuy nhiên đến nay, huyện vẫn chưa nhận được thông tin từ Sở TNMT. Vì vậy, ĐB đề nghị Sở TNMT làm rõ việc trên.

Đề nghị xác định trách nhiệm của từng đơn vị

Tiếp tục đặt câu hỏi chất vấn, ĐB Nguyễn Quang Thắng (quận Thanh Xuân) đề nghị làm rõ vụ việc phức tạp trên địa bàn quận Ba Đình. Hiện, Ba Đình có 15 vụ việc phức tạp, đã giải quyết xong 4 vụ, còn 11 vụ đang trong quá trình giải quyết. Một số vụ việc đang có nhiều vướng mắc, dẫn đến chậm được giải quyết như dự án hóa kênh mương Phan Kế Bính; Về di dời dân ra khỏi khu C8 Giảng Võ,…Đề nghị Chủ tịch UBND quận Ba Đình và Sở QHKT trong việc xác định trách nhiệm, đưa ra hướng xử lý, vì đây là những vụ việc đang được dư luận rất quan tâm.

ĐB Nguyễn Hoài Nam (huyện Thạch Thất) ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt của TP trong việc xử lý khiếu nại tố cao. Tuy nhiên còn rất nhiều vụ việc đã có kết luận và có hiệu lực nhưng vẫn tồn đọng kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết. ĐB nêu một số vụ việc kéo dài tới 10 năm ở quận Hai Bà Trưng, trong đó có trường hợp của gia đình nhà thương binh.

ĐB Nguyễn Hoài Nam Mong cho rằng cần có sự đeo bám của quận huyện, đồng thời có sự phối hợp của các sở ngành, có sự đôn đốc UBND TP để tháo gỡ vướng mắc. Đồng thời, ĐB đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP thành lập các tổ công tác có các sở ngành, xác định trách nhiệm của từng đơn vị, tạo chuyển biến trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo.

Đại biểu Ngọc Anh  (tổ Nam Từ Liêm) đặt câu hỏi liên quan đến 13 trường hợp được giao đất không đúng thẩm quyền tại huyện Phú Xuyên. “Thanh tra TP đã có kết luận về những tồn tại của vụ việc; TP cũng đã văn bản giao Sở TN&MT nghiên cứu phương án xử lý. Tuy nhiên, trong khi Sở TN&MT chưa đưa ra phương án xử lý, UBND huyện Phú xuyên lại tiếp tục xin cho 13 trường hợp này được sử dụng đất ổn định. Sở cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm trong việc chậm đưa ra phương án xử lý như chỉ đạo của UBND TP” - ông Ngọc Anh chất vấn.

Xem xét từng vụ việc tiếp tục giải quyết theo quy định

Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông trả lời chất vấn cho rằng, Sở nhận trách nhiệm trong giải quyết chậm cũng như việc phối hợp với các ngành. Ông Đông cho rằng, việc giải quyết chậm cũng do nhiều nguyên nhân như nhiều vụ việc đã xảy ra trong thời gian tương đối lâu (có vụ từ hơn 10 năm), chính sách đất đai thay đổi qua các thời kỳ, hồ sơ lưu giữ ở một số địa phương chưa đầy đủ thậm chí không có; ở cơ sở nhiều vụ việc xảy ra ngay từ lúc phát sinh chưa được xử lý dứt điểm. Việc giải quyết vấn đề đất đai không chỉ đơn thuần về kỹ thuật mà còn liên quan nhiều vấn đề kinh tế xã hội và thực tế cuộc sống địa phương; việc giải quyết cũng cần rất thận trọng vì liên quan quyền lợi, nghĩa vụ của người dân và các cấp chính quyền, trong quá trình giải quyết lại có lúc phát sinh khiếu nại. Vì vậy, thời gian qua Sở TN&MT cùng các ngành TP đã phối hợp, tới đây các tổ công tác của Sở sẽ phối hợp với các ngành đến từng quận, huyện xem xét từng vụ việc tiếp tục giải quyết theo quy định.

Liên quan đến các dự án chậm triển khai, sau giám sát và giải trình của HĐND TP, sở đã phối hợp tích cực triển khai dưới chỉ đạo quyết liệt của UBND TP, hiện đã thanh tra được 280 dự án, có quyết định thu hồi đất 6 dự án với tổng diện tích 2.686.100m2, đã thu hồi ngoài thực địa 4 dự án với diện tích 24.679m2; đã có báo cáo kết quả kiểm tra kết luận thanh tra với 186 dự án; đang hoàn thiện báo cáo kết quả thanh tra kiểm tra với 186 dự án và đang tổ chức thanh tra với 80 dự án.

Tới đây sẽ tiếp tục thanh tra với 205 dự án để thực hiện kết luận cho từng dự án và sẽ báo cáo UBND TP và HĐND vào quý 2/2019. Với 26 đơn vị điều chỉnh quy hoạch cần xác định tài chính bổ sung, đến nay đã thực hiện 24 dự án, xác định tiền sử dụng đất bổ sung 446 tỷ đồng; còn 2 đơn vị nữa thì trong tháng 12 này Sở sẽ thực hiện, dự kiến thu được khoảng 120 tỷ đồng. 

Trả lời chất vấn về vấn đề giải quyết nhà tập thể, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, Sở đã có các giải pháp và tư vấn UBND Thành phố về việc giải quyết các Nhà tập thể, chung cư, nhà thuộc sở hữu Nhà nước xuống cấp, nguy hiểm từ công tác kiểm định, xây dựng đền bù, tạm cư…  Cụ thể, về thẩm quyền xác định các nhà nguy hiểm đặc biệt với nhà chung cư, tập thể, nhà thuộc sở hữu Nhà nước, Sở Xây dựng đã tiến hành phân loại thành 3 nhóm. Sở đã kiểm định đc 343 Nhà tập thể nằm trong nhóm 3 và tìm ra 70 nhà nguy hiểm. Sở cùng các cơ quan liên quan đã có các giải pháp di chuyển các hộ nằm trong nhóm D. 

Với nhà C8 Giảng Võ, Sở đã phối hợp với quận Ba Đình phối hợp xử lý. Hiện nay, trên địa bàn Ba Đình có 4 Dự án là G6 Thành Công A, Khu tập thể Ngọc Khánh, Tập thể Bộ Tư Pháp, C8 Thành Công phải cải tạo.

Sau khi báo cáo UBND Thành phố đồng ý giao choViện Khoa học Công nghệ của Bộ Xây dựng thực hiện. Sở cũng tham mưu UBND bố trí đủ 120 căn tái định cư, đảm bảo cho các hộ tái định cư tại Trung Hòa- Yên Hòa cho các cư dân nhà C8. 

Giải trình trước HĐND TP, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu cho biết, hiện quận có có 21 vụ việc khiếu kiện thì 18 vụ liên quan đến GPMB. “Trên địa bàn Quận có 86 dự án đang thực hiện GPMB, đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều chế độ, cơ chế, chính sách đối với người dân” - ông Hiếu chia sẻ. Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cũng khẳng định, Quận đã tập trung quyết liệt cho vấn đề này, hiện đã giải quyết 16 vụ, còn 5 vụ. Trong đó có những vụ việc khiếu kiện liên quan đến một số dự án tồn tại từ nhiều năm về trước. Trên thực tế, chính sách về GPMB hiện đã có nhiều thay đổi, dẫn đến việc giải quyết chế độ, chính sách cho người dân có sự khác biệt.

Những khó khăn về cơ chế, chính sách, Quận cũng đã báo cáo TP để có phương án giải quyết cho người dân. Tuy nhiên, nhiều vấn đề, vụ việc cũng cần quyết liệt hơn. Ông Hiếu lấy ví dụ như dự án đường Vành đai 2,5 Đầm Hồng - QL1, hiện chỉ còn 6 hộ dân vẫn kiên quyết không chấp nhận phương án GPMB vì cho rằng dự án sai quy hoạch. Hay như dự án đường Tam Trinh, về phía Yên Sở có mặt cắt 55m, nhưng nhiều người dân vẫn cho rằng mặt cắt chỉ có 40m, không chấp nhận di dời, GPMB. Quận vẫn nỗ lực đối thoại với người dân đến cùng, không có kết quả mới thực hiện cưỡng chế. Đồng thời ông Hiếu cũng nhấn mạnh: “Số vụ việc khiếu kiện liên quan đến đất đai, GPMB tại Hoàng Mai sẽ còn tiếp tục tăng chứ không giảm, do trên địa bàn còn rất nhiều dự án đang trong quá trình thực hiện”. 

Trả lời chất vấn các vấn đề đại biểu quan tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng cho rằng: việc giải quyết khiếu nại tố cáo cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chứ “không thể chung chung, chờ TP giải quyết rồi đùn đẩy nhau”.

“Các đơn vị tập trung giải quyết dứt điểm các khiếu nại của người dân theo thẩm quyền, đôn đốc giải quyết, và báo cáo TP. Vì chỉ cần 1 vụ việc không tập trung giải quyết thì sẽ tạo thành điểm nóng, gây bức xúc” – Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị.

Trên cơ sở đó, để nâng cao công tác giải quyết dứt điểm khiếu nại tố cáo và các vụ việc phức tạp, TP đưa ra giải pháp như sau:

-Lãnh đạo các sở ngành, quận huyện tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo, thông báo kết luận tố cáo chưa giải quyết dứt điểm. Chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, phân công, xác định rõ trách nhiệm đối với các quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo.

Thanh tra TP, sở TNMT, sở Xây dựng chủ động tham mưu cho TP giải quyết tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo. Đặc biệt là những nội dung liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chính sách GPMB, đầu tư xây dựng, quản lý trật tự xây dựng đô thị, tham gia phối hợp với các quận huyện để giải quyết; Tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, đông người nguy cơ tiềm ẩn an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Tăng cường công tác tiếp công dân; thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp công dân; bố trí cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực đảm nhiệm công tác tiếp dân. Đối với các vụ việc phức tạp, các đồng chí lãnh đạo phải trực tiếp giải quyết, đối thoại với công dân, không để tình trạng khiếu kiện và tái khiếu kiện kéo dài.

Theo KTĐT


Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020