Công tác giảm nghèo ở quận Hà Đông giai đoạn 2016 - 2020

03/08/2020 - 10:45 AM
​      Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ, mục tiêu ưu tiên trong quá trình phát triển, những năm qua, các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể quận Hà Đông đã ban hành chương trình, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020. Hiệu quả từ công tác giảm nghèo tại quận Hà Đông đã giúp 289 hộ thoát nghèo, toàn quận không còn hộ nghèo, hoàn thành vượt chỉ tiêu thành phố Hà Nội giao. 
      Theo kết quả rà soát cuối năm 2016, toàn quận có 289 hộ nghèo với 852 nhân khẩu, chiếm 0,36% tổng số hộ toàn quận. Trong đó, có 110 hộ nghèo theo chuẩn Trung ương, 90 hộ nghèo chính sách bảo trợ xã hội, 181 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, đặc biệt không có hộ nghèo chính sách người có công.
       Bám sát mục tiêu giảm nghèo bền vững, Ban chỉ đạo trợ giúp người nghèo quận tiến hành đánh giá thực trạng và nguyên nhân nghèo. Theo đó, nguyên nhân do thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, thiếu đất canh tác, phương tiện sản xuất có 56 hộ, chiếm 19,38%; không có người trong độ tuổi lao động, không còn khả năng lao động, cao tuổi ốm yếu, sống cô đơn là 85 hộ chiếm 29,41%; hộ gia đình nghèo có thành viên mắc bệnh hiểm nghèo 102 hộ, chiếm 35,3%; hộ nghèo có thành viên là người khuyết tật, mắc tệ nạn xã hội, lười lao động và nguyên nhân khác 46 hộ, chiếm 15,91%. Ngoài ra quận còn có 469 hộ cận nghèo, chiếm 0,59 % tổng số hộ dân. Trên cơ sở đó, quận đã tập trung vào các giải pháp cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, tập trung vào nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, hộ nghèo chính sách bảo trợ xã hội. Thực hiện đồng bộ có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo.

 
 
Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hà Đông hỗ trợ 6 hộ nghèo kinh phí xây dựng nhà Đại đoàn kết
          Xác định được mục đích ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020, Quận ủy, HĐND - UBND- Ủy ban MTTQ quận đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã đối với công tác này trên địa bàn quận. Quận đã chỉ đạo và phối hợp các cơ quan báo, đài tuyên truyền thực hiện kế hoạch của Thành phố thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Chương trình giảm nghèo của quận. Nội dung tuyên truyền các Nghị quyết,  kế hoạch,  đề án, chính sách về công tác giảm nghèo bền vững, thông tin, phản ánh, hướng dẫn về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Các nội dung tuyên truyền đã làm thay đổi nhận thức, ý thức về giảm nghèo trong hội viên, đoàn viên, người lao động, nhất là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo; khuyến khích tinh thần, ý chí tự vươn lên giảm nghèo, thoát nghèo của cá nhân, hộ gia đình. Đồng thời giới thiệu những mô hình sản xuất đạt hiệu quả, gương điển hình sản xuất giỏi, vật nuôi, cây trồng cho năng suất cao, cho thu nhập tốt, bền vững; phổ biến kinh nghiệm để nhiều người học tập, áp dụng mô hình, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nuôi trồng… Đài Truyền thanh quận và các phường thực hiện các chuyên đề liên quan đến công tác giảm nghèo bền vững, phản ánh các gương lao động sản xuất giỏi, vượt khó vươn lên thoát nghèo, kêu gọi đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động có tay nghề và lao động phổ thông. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của quận như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên đều tổ chức các chương trình hội thảo, tập huấn, hội nghị chuyên đề ... liên quan đến công tác giảm nghèo, nhằm nâng cao năng lực cho người dân, hội viên, hỗ trợ hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo...
     Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều chính sách giảm nghèo, luôn coi giảm nghèo là một trong những chính sách ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội, là mục tiêu hàng đầu,trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, quận Hà Đông luôn chú trọng xây dựng đề án, kế hoạch giảm nghèo, chính sách giảm nghèo phù hợp với đặc thù của địa phương, huy động nhiều nguồn lực để thực hiện. Đồng thời, xác định rõ việc ưu tiên nguồn lực đối với các phường khó khăn hơn về kinh tế và có tỷ lệ hộ nghèo cao. Các chính sách giảm nghèo được quận Hà Đông thực hiện nhằm hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận thuận lợi hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, tín dụng ưu đãi, đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt… trong đó ưu tiên cho phụ nữ nghèo có đời sống khó khăn, người nghèo cao tuổi cô đơn. Cùng với các cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững do Chính phủ quy định, chương trình giảm nghèo bền vững quận Hà Đông đã thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của doanh nghiệp, tổ chức và sự đồng tình của các tầng lớp nhân dân.
       Các chính sách quan trọng đã được triển khai trên địa bàn quận như: chính sách trợ giúp xã hội, Chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, phê duyệt tiền điện hộ nghèo, Chính sách tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội; chính sách hỗ trợ giáo dục - đào tạo,... Điển hình như thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, từ năm 2016- 2019, quận Hà Đông có tổng số 4.000 đối tượng được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, trong đó có nhiều nhóm đối tượng thuộc hộ nghèo như người cao tuổi cô đơn, phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ, người nhiễm HIV… Quận cũng bố trí hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho 891 lượt thành viên thuộc hộ nghèo và 1.496 thành viên hộ cận nghèo. Về cung cấp dịch vụ y tế, người nghèo có thể đăng ký khám chữa bệnh tại 17 trạm y tế phường, trung tâm y tế quận hoặc một số bệnh viện khác trên địa bàn quận. Trong 5 năm, quận đã phê duyệt và chuyển kinh phí về các phường hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội tổng số tiền trên 671 triệu đồng.
      Bên cạnh đó, chính sách tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với mục đích đầu tư sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Trong 5 năm đã có trên 1.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất với hạn mức vay bình quân 20 triệu đồng/lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hộ nghèo được hỗ trợ lãi suất trong vòng 24 tháng với hạn mức cho vay tối đa theo quy định. Thông qua việc vay vốn đã góp phần giải quyết việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, nâng cao thu nhập hướng tới mục tiêu giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.
        Thực hiện chính sách hỗ trợ giáo dục - đào tạo, 5 năm qua, toàn quận chi ngân sách Nhà nước trên 1,77 tỷ đồng hỗ trợ miễn giảm học phí, chi phí học tập cho con hộ nghèo, hộ chính sách, trợ cấp học bổng, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em 5 tuổi. Ngoài ra, quận còn hỗ trợ các khoản đóng góp xây dựng trường lớp cho con hộ nghèo, hỗ trợ mua sách giáo khoa, khuyến khích học sinh nghèo vượt khó bằng các giải thưởng và học bổng. Quan tâm tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục tại các phường có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia giúp đỡ học sinh nghèo.
       Đối với người cao tuổi ốm yếu, người mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng thoát nghèo, quận tổ chức trợ cấp hàng tháng 125 lượt hộ với tổng kinh phí trên 469 triệu đồng. Ngoài ra, tổ chức tặng quà người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo nhân tháng hành động vì người cao tuổi với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người, tổng kinh phí hỗ trợ gần 200 triệu đồng. Cùng với đó, công tác tặng quà hộ nghèo được triển khai kịp thời, ngoài nguồn kinh phí quà tặng của thành phố Hà Nội và các nguồn vận động khác, hàng năm ngân sách quận cũng chi hoạt động thăm hỏi, tặng quà hộ nghèo, luôn đảm bảo không để hộ nghèo không có tết, mức tặng quà huy động từ các nguồn hàng năm luôn đảm bảo tối thiểu 1,5 triệu đồng /hộ.Tổng kinh phí tặng quà tết từ nguồn ngân sách quận (2016-2019) là 180 triệu đồng. Ngoài nguồn kinh phí tặng quà từ ngân sách các cấp, quận cũng chỉ đạo các phường tập trung huy động các nguồn lực từ quỹ ngày vì người nghèo, quỹ hội chữ thập đỏ và các nguồn ủng hộ khác để hỗ trợ tặng quà tết hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
        Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo về xây sửa nhà cho hộ nghèo, quận Hà Đông có chính sách hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo bị xuống cấp, mức hỗ trợ từ nguồn Ngân sách quận 50 triệu/hộ. Trong 4 năm (2016-2020), quận đã hỗ trợ xây mới 43 hộ, vượt chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn đề ra là 20 hộ. Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách quận, còn có nhiều nguồn vận động trên địa bàn quận, địa phương và gia đình, dòng họ, trung bình tổng kinh phí từ các nguồn hỗ trợ khoảng 100 triệu đồng/hộ.
        Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, sau 5 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, quận Hà Đông đã đạt được thành tựu quan trọng, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 0,52% đầu năm 2016 xuống còn 0% cuối năm 2019, toàn quận không còn hộ nghèo, số hộ cận nghèo còn lại là 389 hộ, bằng 0,37% tổng số hộ trên địa bàn; quận có 1 phường (Phú La) không còn hộ cận nghèo, hoàn thành vượt chỉ tiêu Thành phố giao.
      Trong thời gian tới để đạt được kết quả trên, trong những năm qua, quận Hà Đông luôn coi giảm nghèo là một trong những chính sách ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện, luôn xác định rõ việc ưu tiên nguồn lực đối với các phường khó khăn hơn về kinh tế và có tỷ lệ hộ nghèo cao. Làm tốt công tác xã hội hóa các hoạt động trợ giúp người nghèo; phát huy vai trò tích cực, chủ động của các đoàn thể nhân dân và các mô hình trợ giúp người nghèo phong phú, đa dạng tại cơ sở. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn lực, ngân sách bảo đảm đúng mục tiêu, đúng đối tượng, không thất thoát. Thường xuyên sơ kết, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo, kịp thời khen thưởng để động viên nhân tố tích cực, khắc phục những yếu kém, tồn tại để tổ chức thực hiện chương trình tốt hơn cho những năm tiếp theo, góp phần hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau" do Chính phủ phát động./.
Ủy ban MTTQ quận Hà Đông

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020