Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân

19/11/2020 - 02:25 PM
Sáng nay, 19/11, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 3 và đại biểu HĐND TP đơn vị bầu cử số 7 đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV và trước kỳ họp thứ 18, HĐND TP khóa XV.
 Dự hội nghị có các đồng chí: Đàm Văn Huân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; cùng đại diện lãnh đạo Hà Nội và các sở, ban, ngành TP; Nguyễn Xuân Lưu - UVTV, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận; Nguyễn Minh Tiến- Phó Bí thư Thường trực Quận ủy; Khổng Minh Thảo – UVTV Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận; cùng các đồng chí Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND quận, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, các tổ chức đoàn thể Nhân dân và đông đảo cử tri quận.
 Hội nghị tiếp xúc cử tri tại UBND quận Thanh Xuân
Tại hội nghị, các cử tri quận bày tỏ phấn khởi trước kết quả của đất nước và TP Hà Nội đạt được trong năm nay, phấn khởi trước thành công của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV và đồng tình với kế hoạch, giải pháp phát triển của TP Hà Nội trong thời gian tới song cũng nêu ý kiến kiến nghị về một số vấn đề đang được quan tâm. Đồng thời mong muốn, các đại biểu tiếp tục phản ảnh cụ thể hơn nữa những vấn đề người dân quan tâm trong quá trình thảo luận tại nghị trường Quốc hội.
Bên cạnh đó, cử tri Lê Quốc Huy (phường Nhân Chính) băn khoăn, trong việc HĐND ra nghị quyết và giám sát việc thực hiện có một nghị quyết quan trọng là về quyết toán ngân sách năm- thường diễn ra vào kỳ họp cuối năm để quyết toán ngân sách của năm trước, rồi năm sau HĐND mới ra nghị quyết để giám sát thực hiện. Song, năm 2021, bắt đầu triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, sẽ không còn HĐND phường, trong tình huống nếu thu không đủ chi thì trách nhiệm giám sát của năm trước thuộc về ai; khi không còn HĐND cấp phường thì việc quyết toán ngân sách xử lý theo cơ chế nào.
Cùng đó, cử tri phản ánh, trục đường Lê Văn Lương cắt đôi phường Nhân Chính, hai bên đường rất đông dân, nhất là chiều tối khi bà con đi sang Công viên Thanh Xuân tập thể dục, nhưng không có đường bộ hành trên cao để tránh tai nạn giao thông. ĐB HĐND quận đã có lần trả lời cử tri rằng đang xin ý kiến TP.
Cử tri phường Khương Đình, Chủ tịch Hội người cao tuổi phường Nguyễn Quốc Hoan phản ánh những băn khoăn về vấn đề phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở cơ sở, khi khối lượng công việc hiện tăng lên, trách nhiệm lớn hơn nhưng phụ cấp lại bị giảm. Cử tri đề nghị HĐND TP và các cơ quan chức năng quan tâm có ý kiến để hỗ trợ hơn cho các đối tượng này
Tiếp thu các ý kiến của cử tri, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Xuân Lưu thay mặt lãnh đạo quận đã trả lời một số vấn đề thuộc thẩm quyền, đồng thời chia sẻ năm nay quận đã đạt kết quả phát triển kinh tế - xã hội rất khả quan trong bối cảnh nhiều khó khăn. Thu ngân sách của quận đến thời điểm này đạt 89%, quyết tâm sẽ đạt và vượt chỉ tiêu được giao năm nay; tỷ lệ giải ngân hiện đã đạt 75% và quyết tâm đạt 90-100% chỉ tiêu của năm để thúc đẩy các dự án đầu tư công về đường, trường học, cấp thoát nước, các dự án văn hóa xã hội khác. Từ nay đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, quận cố gắng đảm bảo không khí đón Tết cho người dân thật vui tươi, an toàn.
Riêng với ý kiến về quyết toán ngân sách phường khi tháng 7/2021 TP thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị không còn HĐND cấp phường, Bí thư Quận ủy cho hay: Dù chưa có chủ trương triển khai các quy định của TW và TP, quận đã chủ động nghiên cứu và đang tập trung quyết liệt thực hiện các công việc liên quan theo mô hình này, yêu cầu mọi dự án đang giao UBND các phường làm chủ đầu tư kết thúc chậm nhất trong tháng 6/2021 và quyết toán dứt điểm.
Đồng chí Nguyễn Xuân Lưu cũng khẳng định, về nguyên tắc đầu tư các cầu vượt qua đường thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP, đã giao Sở GTVT đầu tư, trong đó tại quận có một số cầu đã được đầu tư. Với cầu vượt từ bên này đường Lê Văn Lương sang khu vực Công viên Thanh Xuân, quận đã đề xuất, nhưng vừa qua đã triển khai dự án hầm chui Lê Văn Lương trong đó cầu này bắc qua tại điểm lên của hầm chui, nên TP thống nhất không đầu tư cầu vượt nữa. Cùng đó, TP dự kiến đầu tư cầu vượt tại vị trí Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam thuộc đường Hoàng Minh Giám, đã đồng ý cho quận đầu tư bằng ngân sách quận với tổng giá trị 14 tỷ đồng nhưng chuyển cầu này đến vị trí cổng Công viên Thanh Xuân. Dự án đã được khởi công, sẽ hoàn thành trước hoặc sau Tết Nguyên đán. Sau khi khánh thành hầm chui Lê Văn Lương, tùy điều kiện, quận sẽ đề xuất cầu tiếp theo đi qua đường Lê Văn Lương.
Tiếp thu đầy đủ ý kiến, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: Buổi tiếp xúc cử tri đã đạt hiệu quả cao, trong đó cử tri bày tỏ nhất trí về giải đáp của Quốc hội và HĐND TP trước kiến nghị tại buổi tiếp xúc trước, chứng tỏ các ĐB đã hoàn thành trách nhiệm. Việc cần làm của cử tri là tiếp tục giám sát xem từ việc trả lời đó đến việc thực hiện sẽ diễn ra thế nào, về trách nhiệm thực hiện của các ngành trước kiến nghị của cử tri.
Theo Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP, qua 10 kỳ họp Quốc hội trong nhiệm kỳ này cho thấy đã đổi mới liên tục và chất lượng ngày càng được nâng cao, thể hiện ngay từ khâu tổ chức, sự thẳng thắn dân chủ và những vấn đề cuộc sống cử tri phản ánh luôn được chuyển tải đến nghị trường. Với một sự kiện rất quan trọng là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND khóa mới sẽ diễn ra vào ngày 23/5/2021, để đây thực sự trở thành ngày hội toàn dân, đồng chí đề nghị ngay từ các tổ trưởng dân phố, hội viên các hội… nắm bắt, tham gia ngay từ đầu để lựa chọn được những người xứng đáng vào cơ quan Quốc hội và cơ quan HĐND các cấp.
Đặc biệt, trước các kiến nghị của cử tri quận Thanh Xuân, Chủ tịch HĐND TP khẳng định: Trong mọi chính sách Trung ương ban hành, chưa bao giờ Hà Nội dừng ở mức tối thiểu, mà luôn vận dụng ở mức cao nhất, đặc biệt với các cán bộ cơ sở. Tuy nhiên trước đây, theo các nghị định hướng dẫn, việc phụ cấp này theo nhu cầu của từng đơn vị, kinh phí có đến đâu thì đưa ra phụ cấp đến đó; song giờ để thống nhất trong cả hệ thống, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chung, và Hà Nội không thể nằm ngoài mức chung này. “Dù vậy, chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến cán bộ cơ sở để phản ánh với Bộ Nội vụ, kiến nghị Quốc hội xem xét tổng thể” - đồng chí nêu rõ.
Trước băn khoăn của cử tri trong thực hiện Nghị quyết 97 của Quốc hội về thực hiện mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP cho hay: Để thực hiện nghị quyết này, Quốc hội đã giao Chính phủ có Nghị định hướng dẫn chi tiết khi bộ máy mới ra đời, việc xét tuyển công chức viên chức hay bố trí bộ máy, ngân sách ra sao… Song, Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 nhưng thực hiện bộ máy mới từ 1/7/2021, nên quá trình chuyển tiếp này cần được đưa vào Nghị định nhằm thực hiện nốt những việc còn lại của chính quyền theo mô hình hiện nay trước khi sang mô hình mới. “Chiều mai (20/11), đại diện các bộ sẽ về họp với TP Hà Nội để thông qua Nghị định này. Các ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri hôm nay về vấn đề này rất kịp thời để TP kiến nghị đưa vào nghị định cũng như quá trình chuyển tiếp nhằm xử lý các vấn đề liên quan. Lãnh đạo quận Thanh Xuân với nhiều kinh nghiệm điều hành ở cơ sở cần tiếp tục xem xét khi không còn HĐND cấp phường thì có những gì phát sinh cần đưa vào nghị định này, để bước sang mô hình mới đạt hiệu quả, tránh khi đó vẫn chưa có nghị định đi kèm gây khó thực hiện. Trong quá trình chuyển đổi còn nhiều khó khăn, các cán bộ từ tổ dân phố cần kịp thời phản ánh vướng mắc để các đại biểu kịp thời đưa tới Quốc hội” - đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc bày tỏ.
Ủy ban MTTQ quận Thanh Xuân

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020