Hà Nội: Phản biện xã hội về giá các loại đất trên địa bàn thành phố

07/11/2019 - 06:52 PM
Ngày 7/11, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội vào dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố “Về giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội” áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024. Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, UVTV Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị.
 
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu tại Hội nghị.
Theo tờ trình về việc ban hành giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội được áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12//2024, việc đề xuất tăng bình quân 15% cho giá các loại đất.
Theo đó, căn cứ tại Mục a, khoản 3, điều 11, Nghị định 44/2014/NĐ – CP của Chính phủ quy định, đối với đất ở đô thị; đất thương mại, dịch vụ tại đô thị; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị có khả năng sinh lời cao, có lợi thế trong việc sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ thì căn cứ vào thực tế của từng địa phương. UBND cấp tỉnh được quy định mức giá đất cao hơn nhưng không quá 30% so với mức giá tối đa của từng loại đất trong khung giá đất; trường hợp quy định mức giá đất cao hơn 30% thì phải báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định. Hiện nay, Nghị định quy định khung giá đất mới chưa ban hành nên việc đề xuất tỷ lệ tăng 30% là phù hợp.
Ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ tịch HĐTV Dân chủ, Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng, quá trình xây dựng bảng giá đất mới được đảm bảo nghiêm túc, đúng nguyên tắc, đầy đủ cơ sở pháp lý, đúng quy định, đúng thẩm quyền. Việc chuẩn bị xây dựng giá đất cũng được nghiên cứu cụ thể, điều tra xã hội học đến đông đảo người dân và cán bộ địa phương. Việc này thể hiện sự công tâm, phát huy dân chủ, trách nhiệm cao với người dân Thủ đô.
Tuy nhiên, thành phố Hà Nội cần kiến nghị với Chính phủ để được xây dựng cơ chế đặc thù vì giá đất của Hà Nội cao hơn giá đất của tất cả các thành phố lớn trên cả nước. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá đất của thành phố giai đoạn 2020 – 2024, nhất là khu vực nông nghiệp có những khu vực thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Vì vậy giá đất cần phải được điều chỉnh cho thỏa đáng để người dân không bị thiệt thòi.
Theo GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ở góc độ dự thảo, chúng ta không nên bàn đến việc bảng giá này ảnh hưởng đến đầu tư, ảnh hưởng đến thu hồi đất như thế nào. Thực tế, bảng giá này chỉ ảnh hưởng đến thuế và phí mà thôi. Bảng giá đất đã đến lúc phải được quy định bằng giá trung bình trên thị trường.
Hiện nay, theo khảo sát, bảng giá đất tại khu vực phố cổ Hàng Ngang, Hàng Đào hơn 800 triệu đồng/m2 nhưng trong dự thảo chỉ đưa ra giá cao nhất là hơn 200 triệu/m2; trong khi dự thảo giá đất Chính phủ đưa ra đối với khu vực đắt nhất là hơn 300 triệu đồng/m2. Nếu áp dụng bảng giá như thế này sẽ làm thất thu thuế Nhà nước. Nếu làm tốt việc này Hà Nội sẽ có mấy điểm được. Hà Nội muốn cải tạo phố cổ chỉ có thể thu thuế cao ở phố cổ chứ không có cách nào khác.
Hiện nay, dân số Hà Nội lên đến hơn 10 triệu nhưng khoảng dăm năm nữa sẽ lên đến 20 triệu dân, chúng ta sẽ tính đến chuyện di cư là cần thiết, nhưng Hà Nội cần nhân sự giỏi từ các nơi đổ về nhưng không phải ai cũng về Hà Nội để kiếm chỗ ở. Nếu phí và thuế Hà Nội không nâng lên thì chúng ta sẽ có những con đường đắt nhất hành tinh. Tất cả các thành phố lớn trên thế giới đều phát triển cơ sở hạ tầng từ nguồn thu từ thuế và phí tại chỗ. Nếu không hoàn chỉnh thuế đất thì việc xây dựng các đô thị Việt Nam sẽ thất bại.
PGS.TS Bà Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội lại cho rằng, đất đai là vấn đề phức tạp nhất trong những vấn đề phưc tạp của xã hội cho nên trong quá trình xây dựng đề nghị phải đánh giá tác động xã hội. MTTQ là tiếng nói của lòng dân; để người dân hiểu pháp luật, tôn trọng pháp luật cho cần phải đánh giá tác động của bộ 3 đó là: Nhà nước, người dân và chủ đầu tư.
“Trong dự thảo Nghị quyết phải có từ nào đó thể hiện sự minh bạch, công khai trong thực hiện giá đất bởi vì thực tế vừa qua việc thực hiện chưa minh bạch, công khai gây bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân. Đối với từng trường hợp cụ thể cần phải có từng giá đất cụ thể chứ không nên áp dụng khung giá chung”, bà An khẳng định.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, việc xây dựng bảng giá các loại đất đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giảm bớt sự chênh lệch giữa bảng giá và mặt bằng thị trường là cần thiết để  bảng giá tiếp cận gần hơn với giá phổ biến trên thị trường, góp phần thiết lập cơ chế đồng bộ trong quản lý đất đai, làm cơ sở thực hiện chính sách tài chính về đất; gắn mối quan hệ giá đất với việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố; kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và người có nhu cầu sử dụng thực hiện dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Những ý kiến tâm huyết này sẽ được MTTQ thành phố tổng hợp để trình HĐND thành phố trước khi kỳ họp diễn ra.
 

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020