Hội thảo “Thực trạng và giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông nhằm chống biến đổi khí hậu và bảo vệ sức khỏe cộng đồng”

28/10/2021 - 02:20 PM
Sáng 28/10, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố phối hợp với Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng (IRECO) – Hội Nữ trí thức Hà Nội tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông nhằm chống biến đổi khí hậu và bảo vệ sức khỏe cộng đồng”. Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam và PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng chủ trì hội thảo. Đến dự Hội thảo, có đồng chí Nguyễn Sỹ Trường – Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, một số thành viên các Hội đồng tư vấn của Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố và một số các nhà khoa học thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường.
Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh biến đổi khí hậu hiện đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại và hệ sinh thái trên Trái đất trong thế kỷ 21. Hiện, áp lực ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị chủ yếu do các phương tiện giao thông, hoạt động của các xí nghiệp nội đô, sinh hoạt của cư dân,…trong đó, các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thải ra lượng phát thải gây ô nhiễm không khí nhiều nhất. Đồng chí mong muốn các ý kiến trao đổi tại hội thảo là cơ sở tham gia ý kiến tư vấn cho các cơ quan chức năng trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ngắn hạn và dài hạn, trong đó, có giao thông. Đồng thời, góp ý tư vấn cho đoàn Việt Nam khi tham gia hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) vào tháng 11/2021.
Tại Hội thảo đã được nghe các đại biểu trình bày 04 báo cáo: Báo cáo Biến đổi khí hậu toàn cầu và tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam; Những nỗ lực của Quốc tế trong việc chống biến đổi khí hậu và trách nhiệm của Việt Nam (Tiến sỹ Nguyễn Văn Liêm, Viện IRECO); Mạng lưới toàn cầu về biến đổi khí hậu và sức khỏe; khuyến cáo đổi mới ngành giao thông bảo vệ khí hậu và sức khỏe (Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển Cộng đồng-RTCCD); Thực trạng phát thải khí nhà kính (KNK) trong hoạt động giao thông vận tải ở Việt Nam đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và tác động của nó đến biến đổi khí hậu và sức khỏe cộng đồng (ThS.Nguyễn Thị Phương Hiền, Viện Chiến lược Bộ GTVT); Các giải pháp giảm phát thải KNK trong giao thông đường bộ nhằm chống biến đổi khí hậu và bảo vệ sức khỏe cộng đồng (ThS.Mai Văn Hiến, Vụ Môi trường, Bộ GTVT).
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải Nguyễn Thị Phương Hiền cho biết: Giao thông là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất. Năm 2019, Bộ Giao thông vận tải đã dự báo lượng KNK cho tới năm 2030, cho thấy đường bộ vẫn là tiểu ngành phát thải KNK lớn nhất, chiếm 80,47%, tiếp đó là đường thủy nội địa và ven biển, chiếm 9,2% và thấp nhất là đường sắt, chiếm 0,34%.
Theo thống kê năm 2014, Giao thông vận tải đã phát thải ra hơn 30 triệu tấn CO2, trong đó, lĩnh vực đường bộ đóng góp hơn 27 triệu tấn. Dự kiến, đến năm 2030, ngành GTVT sẽ phát thải hơn 89 triệu tấn CO2, trong đó, đường bộ phát thải hơn 71 triệu tấn.
Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng 3 kịch bản giảm phát thải KNK với các biện pháp giảm nhẹ áp dụng theo từng giai đoạn: Kịch bản giảm nhẹ với nguồn lực trong nước, Kịch bản giảm nhẹ với sự hỗ trợ quốc tế và Kịch bản giảm nhẹ với sự hỗ trợ mạnh mẽ của quốc tế. Với 3 kịch bản này, ngành GTVT tính toán mức giảm phát thải KNK tới năm 2030 tương ứng là 9%, 15,2% và 20%.
Tiến Sỹ Phan Tâm, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam bày tỏ đồng thuận với 3 kịch bản về giảm phát KNK nhưng cho rằng cần cân nhắc đến các biện pháp thực hiện cho phù hợp với điều kiện Việt Nam. Ví dụ như việc sử dụng xe buýt BRT, xe máy điện là giải pháp hữu hiệu ở nhiều nước nhưng ở Việt Nam lại chưa thể hiện tính ưu việt, phù hợp và tiềm ẩn nguy cơ về ô nhiễm chì từ pin xe thải ra. Hay như ý kiến lập trạm thu phí ô tô vào nội đô cũng chưa phù hợp với điều kiện hiện nay, do đó, vấn đề phải lựa chọn ưu tiên giải pháp đó là cải tạo, đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông; đầu tư hệ thống giao thông công cộng để giảm phương tiện cá nhân.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hai Bà Trưng cho rằng đề tài rất thiết thực và bổ ích với công tác bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu và đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền tại cơ sở để công tác này đi vào thực tế.
Phó Giáo sư –Tiến sỹ Bùi Thị An cho biết, Hội thảo đã có 04 báo cáo khoa học và 04 ý kiến phát biểu nhấn mạnh thực trạng, trách nhiệm của các ban, ngành và nêu các giải pháp về công nghệ, loại phương tiện, xã hội, trong đó, nhấn mạnh tới yếu tố con người thì mới có thể tạo chuyển biến trong giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Hội thảo đã tập trung vào các biện pháp giảm thiểu khí thải nhà kính trong lĩnh vực giao thông, sau hội thảo này, sẽ có thêm các hội thảo ở các lĩnh vực khác. Hội thảo thống nhất, nhằm chung tay giảm khí nhà kính cần vận động người dân tham gia các phương tiện giao thông công cộng khi tham gia giao thông, đồng thời, đề nghị Thành phố và Nhà nước có chính sách tăng phương tiện xanh trong TP; vận động Nhân dân thay đổi thói quen giao thông, hạn chế phương tiện cá nhân khi di chuyển trong cự li gần. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chính sách đầu tư vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường; có chính sách ưu đãi đối với các nhà vận tải hàng hóa chuyển từ hình thức vận chuyển đường bộ sang đường thủy, đường sắt; Ủng hộ chính sách của Nhà nước và TP trong việc giảm dần và không sử dụng xe máy trong nội thành đến năm 2030, trước mắt, quản lý và kiểm tra chất lượng xe máy để các loại xe không đảm bảo chất lượng an toàn và vệ sinh môi trường; Khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với người dùng xe máy và ô tô điện. Ngoài ra, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường, thuế bảo vệ dự phòng sức khỏe, đánh thuế các phương tiện giao thông cá nhân có động cơ gây ô nhiễm môi trường; Tăng cường trồng cây xanh, tăng % thảm cỏ, vườn hoa tạo không gian xanh, sạch, đẹp để khuyến khích người đi bộ và tạo nguồn hấp thụ khí phát thải Carbon.
Hà Nội hiện có 23.273km đường bộ; có 2 tuyến đường sắt đô thị đang được xây dựng, chưa đưa vào vận hành. Năm 2020, Thành phố có 709 nghìn xe ô tô các loại, trong đó, có 489 nghìn ô tô con, khoảng 6,2 triệu xe máy và 168 nghìn xe máy điện. Toàn Thành phố có 136 tuyến xe buýt với tổng chiều dài mạng lưới khoảng 4.873,37km. Sản lượng VTHKCC đạt 746 triệu lượt, đáp ứng khoảng 14,75% nhu cầu đi lại của người dân.
Hà Phương

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020