Huyện Mê Linh tổ chức Hội nghị Phản biện vào dự thảo Đề án ủy thác nguồn vốn từ ngân sách huyện sang Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm giai đoạn 2021 - 2025.

01/12/2020 - 03:54 PM
Sáng ngày 01/12/2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mê Linh tổ chức hội nghị phản biện vào dự thảo Đề án ủy thác nguồn vốn từ ngân sách huyện sang Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm giai đoạn 2021 - 2025 của UBND huyện Mê Linh. Dự hội nghị có các đồng chí: Hoàng Văn Tân – Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; Lê Văn Khương – Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND huyện; Quang Mạnh Hà – Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; đại diện lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND huyện, các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện; các đồng chí chuyên gia trên các lĩnh vực; các đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn.  
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Vũ Văn Duẩn – Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện trình bày nội dung cơ bản dự thảo Đề án ủy thác nguồn vốn từ ngân sách huyện sang Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm giai đoạn 2021 - 2025, trong đó nhấn mạnh: Sự cần thiết xây dựng đề án: Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2015/NQ-HĐND ngày 18/12/2015 của Hội đồng nhân dân huyện. Ngân sách huyện đã chuyển sang Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) để cho vay với số tiền 5 tỷ đồng, nguồn vốn từ Ngân sách huyện đã được NHCSXH huyện thực hiện tốt công tác cho vay, bình xét cho vay đúng đối tượng, công khai, minh bạch và khách quan từ xóm, thôn, xã; nguồn vốn đã đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân để đầu tư vào trồng hoa, trồng bưởi, chăn nuôi, giải quyết việc làm tại chỗ, đảm bảo an sinh xã hội; vốn đã phát huy hiệu quả, được bảo tồn, không để tình trạng nợ đọng quá hạn; không có tình trạng đơn thư, khiếu nại tố cáo sau khi xét duyệt cho vay. Kết quả sau 05 năm, đã giải quyết được 394 lao động có việc làm ổn định tại 18/18 xã, thị trấn. Thực trạng lao động, việc làm: Trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội của huyện Mê Linh đã có những bước chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp (Tỷ trọng cơ cấu các ngành đến năm 2020 là: công nghiệp, xây dựng đạt 88,9%, nông nghiệp 6,6% và dịch vụ 4,5%). Từ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nên cơ cấu lao động đã có sự thay đổi theo xu hướng chuyển sang ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp cũng từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả bền vững và có giá trị kinh tế cao, công tác dồn điền, đổi thửa, xây dựng các vùng chuyên canh được triển khai hiệu quả như vùng lúa chất lượng cao, vùng hoa, vùng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tập trung. Từ đó, đòi hỏi lao động có kiến thức, kỹ năng, tay nghề và ở trong độ tuổi nhất định. Là huyện đang trong quá trình đô thị hóa, có nhiều hộ gia đình phải nhường đất cho xây dựng đô thị, đường giao thông,... phải chuyển đổi nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Qua khảo sát, hàng năm số lao động dôi dư thiếu việc làm trên địa bàn huyện từ 4.000 đến 5.000 người. Mục tiêu chung: Để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu cụ thể: Trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến đề án thu hút, tạo việc làm cho 1.000 lao động (bình quân cho vay 200 lao động/năm), nâng mức cho vay bình quân từ 40 triệu đồng lên 50 triệu đồng/lao động. Phạm vi và đối tượng thụ hưởng: Đối tượng vay là người lao động thuộc hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác quy định tại Điều 2, Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, có hộ khẩu trên địa bàn huyện Mê Linh, có sức khoẻ lao động, có nhu cầu vay vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, thu hút lao động, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Lộ trình thực hiện: Giai đoạn 2021 đến 2025 mỗi năm ngân sách cấp tối thiểu 3 tỷ đồng để ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay. Điều kiện để vay vốn: Người lao động phải có hộ khẩu tại huyện Mê Linh, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án. Phương án sản xuất kinh doanh phải có tính khả thi và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của huyện giai đoạn 2021-2025.
Hội nghị đã có 14 ý kiến phát biểu thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu dự hội nghị phản biện, các ý kiến đều đồng tình với việc xây dựng Đề án và tham gia đóng góp vào một số vấn đề về bố cục của đề án, tính cần thiết của đề án, thực trạng lao động và việc làm trên địa bàn huyện, nội dung của đề án. Đề án có tính nhân văn cao, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện, đồng thời kiến nghị Đề án cần bổ sung  giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo; Đề án sớm được thông qua tại kỳ họp HĐND huyện tháng 12/2020.
Đồng chí Hoàng Văn Tân – UVTV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Huyện Mê Linh phát biểu kết luận Hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Hoàng Văn Tân  – Ủy viên Ban Thường vụ  Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện thay mặt Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mê Linh  tiếp thu toàn bộ ý kiến phản biện của các đại biểu dự hội nghị, đồng thời tổng hợp gửi UBND huyện Mê Linh để nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện dự thảo Đề án ủy thác nguồn vốn từ ngân sách huyện sang Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mê Linh để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm giai đoạn 2021 – 2025.   
                                                                                      Lê Đình Khoát

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020