Huyện Mê Linh tổ chức Lễ kỷ niệm 1979 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc Lễ hội Đền Hai Bà Trưng Xuân Kỷ Hợi 2019.

14/02/2019 - 04:41 PM
Sáng ngày 10/02/2019 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng, Huyện ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mê Linh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1979 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc Lễ hội Đền Hai Bà Trưng Xuân Kỷ Hợi 2019.
Đ/c Đặng Thị Ngọc Thịnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cùng các đại biểu làm lễ dâng hương tại Đền Hai Bà Trưng
Dự buổi Lễ có các đồng chí: Đặng Thị Ngọc Thịnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nguyễn Thị Doan - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo TP Hà Nội; lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc; lãnh đạo các quận, huyện bạn, cùng đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.
Phát biểu tại Lễ, đồng chí Đoàn Văn Trọng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đã ôn lại tinh thần đấu tranh bất khuất của Hai Bà Trưng trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc. Không cam chịu ách cai trị của quân Đông Hán, năm 40 (sau Công nguyên), Hai Bà Trưng đã giương cao ngọn cờ tụ nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương, Nhân dân cả nước đứng lên khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán, giành lại nền độc lập, tự chủ dân tộc, rồi xưng Vương (năm 40 - 43 sau Công nguyên). Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng tuy chỉ đưa lại nền độc lập cho đất nước trong gần 3 năm, nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn, là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ách thống trị của ngoại bang của Nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc.
Sau khi Hai Bà Trưng mất, để tưởng nhớ, biết ơn công đức Hai vị nữ anh hùng dân tộc, Nhân dân Mê Linh đã lập đền thờ Hai Bà Trưng. Ngày 09/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định công nhận Đền Hai Bà Trưng là di tích Quốc gia đặc biệt. Ngày 09/02/2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký ban hành quyết định công nhận, công bố Lễ hội Đền Hai Bà Trưng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thay mặt các đồng chí lãnh đạo huyện, đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đã bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo thành phố Hà Nội; lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và các quận, huyện bạn; các quý vị đại biểu, du khách thập phương và toàn thể Nhân dân đã dành cho huyện Mê Linh tình cảm đặc biệt, sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình, quý báu.
Đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Phát huy tinh thần quật khởi của Hai Bà Trưng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Mê Linh quyết tâm phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng; thực hiện tốt chính sách đối với người có công; chăm lo công tác an sinh, phúc lợi xã hội; đẩy mạnh các phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực; tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chủ đề năm 2019 của thành phố Hà Nội “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị”.
Đ/c Đặng Thị Ngọc Thịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước đánh trống khai hội Đền Hai Bà Trưng Xuân Kỷ Hợi 2019
Tại buổi Lễ, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đánh trống khai hội Đền Hai Bà Trưng. Các đại biểu và Nhân dân đã được thưởng thức Chương trình văn nghệ đặc sắc do Nhà hát chèo Việt Nam biểu diễn; thưởng thức màn trống hội truyền thống do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện trình diễn.
Ngay sau Lễ kỷ niệm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu đã làm lễ dâng hương tại Đền Hai Bà Trưng. Thăm quan triển lãm “Dấu ấn vàng son” trưng bày những tài liệu lưu trữ quý, hiếm (là những sắc phong được các đời vua ghi những công trạng, đóng góp của Hai Bà Trưng, thành hoàng làng Cốt Tung, thần Đặng Công và nhân dân làng Hạ Lôi trong việc thờ phụng, ghi nhớ công lao của Hai Bà Trưng) và một số cổ vật... Tham quan triển lãm “Hoa đất Việt” là các bức ảnh được treo trên bức tường dẫn vào Đền Hai Bà Trưng, giới thiệu thông tin về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; thân thế, sự nghiệp của bà Trưng Trắc, bà Trưng Nhị cùng các nghi lễ liên quan; các danh tướng nữ của Hai Bà Trưng và một số nhật vật nữ để lại dấu ấn trong chiều dài lịch sử Việt Nam.
Lễ hội Đền Hai Bà Trưng kéo dài từ ngày 6 đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng năm Kỷ Hợi. Tại lễ hội sẽ diễn ra nhiều chương trình biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ Nhân dân vui hội như tổ chức thi đấu bóng chuyền hơi, cờ tướng, múa rối nước, hát quan họ, vật dân tộc, kéo co, bịt mắt đập niêu, đi cầu khỉ…. Ngoài ra, lễ hội còn có khu trưng bày, các gian hàng giới thiệu các sản vật của địa phương do Hội Nông dân huyện thực hiện.
                                                                    Lê Đình Khoát

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020