“Không ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19

03/04/2020 - 05:19 PM

Vừa phòng chống dịch, vừa quan tâm hỗ trợ hộ nghèo, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm “không ai bị bỏ lại phía sau” - tinh thần đó đã được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm túc trong những ngày tháng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn.

100% hộ nghèo được hỗ trợ khẩu trang, nước rửa tay

Ngay khi thành phố Hà Nội có người đầu tiên dương tính với Covid-19, đã có rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tổ chức phát khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn... miễn phí, thể hiện tinh thần, trách nhiệm và tấm lòng của người dân Thủ đô vì cộng đồng.

Với vai trò xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội đã trích Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ mỗi hộ nghèo của thành phố ít nhất 1 hộp khẩu trang, đồng thời vận động doanh nghiệp hỗ trợ mỗi hộ nghèo 1 lọ nước rửa tay sát khuẩn, đảm bảo 100% hộ nghèo trên địa bàn thành phố được hỗ trợ khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn để phòng dịch.

MTTQ thành phố cũng đã tổ chức cấp phát khẩu trang miễn phí cho người dân tại 5 điểm: Trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội (29 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm), ngã tư Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm); bến xe buýt gần chợ Long Biên (quận Ba Đình); đối diện cổng Bệnh viện Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng); xóm chạy thận, ngõ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng).

Song song với hoạt động hỗ trợ, MTTQ thành phố đã tăng cường phổ biến, nâng cao ý thức tự dự phòng của người dân trong bảo vệ, nâng cao sức khỏe và biện pháp, giải pháp phòng chống dịch bệnh.

Cùng chung tay vào hoạt động ấy, Quận đoàn Long Biên đã phối hợp với Ủy ban MTTQ quận thăm, tặng quà khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn cho các hộ nghèo, cận nghèo tại các phường Thạch Bàn, Sài Đồng, Ngọc Lâm. 4.000 khẩu trang vải sát khuẩn, 400 chai nước rửa tay khô loại 500ml đã được trao tận tay các hộ nghèo. Mỗi hộ được nhận 10 chiếc khẩu trang và 1 chai nước rửa tay.

Gia đình ông Trần Văn Dũng, thuộc diện hộ nghèo ở tổ dân phố số 3, phường Ngọc Lâm (quận Long Biên) xúc động cho biết: “Đây là nguồn động viên kịp thời, sự đồng hành sát sao của chính quyền với người dân, nhất là hộ nghèo như chúng tôi. Gia đình tôi càng ý thức hơn trong việc phòng, chống dịch để cùng với các cấp, các ngành sớm đẩy lùi dịch Covid-19”.

Ấm lòng người dân xóm chạy thận Bạch Mai

Trong hơn 3 tháng chống dịch Covid-19, cùng với việc đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch, căn cứ vào từng tình hình cụ thể, thành phố Hà Nội và các cấp chính quyền luôn quan tâm, hỗ trợ kịp thời các đối tượng là người nghèo, người yếu thế.

Sau sự cố tại Bệnh viện Bạch Mai, xóm trọ số 121 Lê Thanh Nghị (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) trở thành điểm cách cách ly tại chỗ của 87 bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai.

Suốt những ngày qua, người dân nơi đây luôn sống trong cảm giác ấm áp, bởi mỗi ngày đều nhận được sự động viên, quan tâm kịp thời và tình cảm sẻ chia yêu thương của các cấp chính quyền thành phố cũng như cả cộng đồng.

Bà Nguyễn Minh Tâm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Đồng Tâm cho biết: Hằng ngày, bệnh nhân chạy thận được cán bộ y tế của phường đón tận nơi, đưa ra xe của lực lượng quân đội do quận Hai Bà Trưng bố trí bên ngoài để sang viện.

Sang đến nơi, các nhân viên khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai đón mọi người và đưa vào bằng lối riêng. Các bệnh nhân chạy thận mỗi tuần 3 lần, xen kẽ nhau, đều được “đặc cách” đưa đón để bảo đảm an toàn do sức đề kháng của mỗi người đều kém.

Bệnh nhân xóm chạy thận Bệnh viện Bạch Mai được đưa đón đi điều trị mỗi ngày
Bệnh nhân xóm chạy thận Bệnh viện Bạch Mai được đưa đón đi điều trị mỗi ngày

Ngay từ ngày đầu tiên thực hiện cách ly, bà con trong xóm chạy thận đã được cung cấp đầy đủ về nhu yếu phẩm. Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, quận Hai Bà Trưng và phường Đồng Tâm đã hỗ trợ các gia đình 1 tấn gạo và mỗi bệnh nhân 1,2 triệu đồng. Sau đó, liên tiếp các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm khác cũng đã thông qua chính quyền phường hoặc trực tiếp hỗ trợ thêm cho bà con, từ hộp khẩu trang cho đến gói muối gia vị, chai dầu ăn, nước mắm, đường sữa… để không ai phải thiếu thốn.

Dưới sự chung tay của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cũng đã trao 2.000kg gạo, 60kg thịt bò, 500 thức uống dinh dưỡng, 105 suất bánh và 1.000 quả trứng gà tới những người dân trong xóm.

Thành phố Hà Nội cũng đã trao 552 triệu đồng hỗ trợ cho 552 bệnh nhân đang chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai.

Hỗ trợ những cán bộ, y, bác sĩ tuyến đầu

Thiết thực, trách nhiệm, đồng lòng cùng nhân dân Thủ đô tiếp sức các cán bộ, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch Covid-19, trong những ngày qua, với sự chung tay của người dân và doanh nghiệp, MTTQ thành phố cũng đã trao tặng trang thiết bị y tế, các nhu yếu phẩm đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.

Đặc biệt, MTTQ thành phố đã trao 5 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng tới các y, bác sĩ có hoàn cảnh khó khăn đang công tác tại Khoa A9 của Bệnh viện Bạch Mai.

Tại khách sạn Hòa Bình (số 27 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm), nơi đang thực hiện nhiệm vụ cách ly cho 37 người nước ngoài và nhân viên ngoại giao các nước đến Việt Nam làm việc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã trao tặng 11 suất quà cho 11 nhân viên có hoàn cảnh khó khăn đang trực tiếp làm nhiệm vụ chăm sóc người cách ly, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng.

Trong những chỉ đạo gần đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ luôn nhấn mạnh, bên cạnh việc sẵn sàng các nguồn lực cho việc phòng, chống dịch bệnh, thành phố khuyến khích kêu gọi các tập thể, doanh nghiệp, cá nhân phát huy tinh thần “tương thân tương ái”; chăm lo tốt cho người nghèo, gia đình chính sách và lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn HĐND và Ủy ban MTTQ, Ban Dân vận Thành ủy, Liên đoàn Lao động thành phố rà soát những trường hợp người lao động khó khăn, mất việc làm, chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (bao gồm cả người lao động tại các doanh nghiệp tư nhân, các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, cơ sở giáo dục ngoài công lập). Từ đó, các đơn vị đề xuất chính sách hỗ trợ đặc thù (ngoài các quy định của Chính phủ) đối với các trường hợp trên, chỉ đạo triển khai bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội...

Những hành động kịp thời, thấm đượm tinh thần nhân đạo của các cấp chính quyền thành phố đã đem đến niềm tin, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô.

Sự đồng thuận, đồng lòng ấy không chỉ là sức mạnh để thành phố đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất mà còn là sức mạnh để Thủ đô vực dậy sau khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng...

Theo TTTĐ

 

Các tin tức khác

Tự hào chiến sĩ Điện Biên

16/04/2024 - 36 lượt xem
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020