MTTQ thị xã Sơn Tây phản biện dự thảo Đề án “Hỗ trợ phát triển làng nghề bánh tẻ Phú Nhi gắn với du lịch thị xã Sơn Tây giai đoạn 2019 - 2021, định hướng đến năm 2025”

28/06/2019 - 04:57 PM
Sáng ngày 21/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội thị xã Sơn Tây phối hợp tổ chức hội nghị phản biện dự thảo Đề án “Hỗ trợ phát triển làng nghề bánh tẻ Phú Nhi gắn với du lịch thị xã Sơn Tây giai đoạn 2019 - 2021, định hướng đến năm 2025” của UBND thị xã trình kỳ họp thứ 9 - HĐND thị xã khóa XIX. Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Đại Thăng – UVTV,  Phó Chủ tịch UBND thị xã; Hà Việt Phong - UVTV, Trưởng Ban Dân vận Thị ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã; lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội; thành viên Ban tư vấn kinh tế - xã hội, dân chủ - pháp luật; lãnh đạo Đảng ủy - HĐND – UBND – MTTQ phường Phú Thịnh; Bí thư chi bộ, tổ trường tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận và một số hộ làm bánh tẻ của tổ dân phố Phú Nhi 1, Phú Nhi 3, phường Phú Thịnh.
Làng nghề Bánh tẻ Phú Nhi thuộc phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây được UBND tỉnh Hà Tây công nhận là làng nghề truyền thống với sản phẩm bánh tẻ Phú Nhi. Sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể để phát huy giá trị sản phẩm và giá trị làng nghề. Hiện nay trên địa bàn thị xã còn khoảng 35 hộ sản xuất bánh tẻ thường xuyên với quy mô nhỏ và vừa, thu lãi mỗi tháng từ  20-25 triệu đồng, trong đó có 30 hộ được sử dụng nhãn hiệu tập thể. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc phát triển thương hiệu bánh tẻ Phú Nhi còn gặp nhiều khó khăn như: Bánh có thời gian sử dụng ngắn (chỉ 1-2 ngày), khó bảo quản, dễ bắt chước, nhái thương hiệu, chưa có quy chuẩn sản phẩm theo phân loại giá trị; làng nghề chưa có các điểm giới thiệu sản phẩm chính thống, chưa có tem nhãn cụ thể cho từng sản phẩm, từng hộ sản xuất, chưa kết hợp với công tác phát triển du lịch lành nghề… Chính vì vậy, việc xây dựng Đề án “Phát triển làng nghề bánh tẻ Phú Nhi gắn với du lịch thị xã Sơn Tây” giai đoạn 2019-2021, định hướng đến năm 2025 là rất cần thiết. Mục tiêu của đề án là duy trì và củng cố nâng cấp quy mô, cơ sở sản xuất đối với các hộ hiện đang sản xuất bánh tẻ tại làng nghề, tạo dựng được thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập cho các hộ dân tại làng nghề; thu hút xã hội hóa hình thành các gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm bánh tẻ tại các khu du lịch trên địa bàn như Đền Và, Làng cổ Đường Lâm…
Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn và xây dựng, đã có 9 ý kiến phát biểu, phản biện dựa trên cơ sở đánh giá sự cần thiết, tính cấp thiết của văn bản dự thảo; sự phù hợp của văn bản dự thảo với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực tiễn của đơn vị, địa phương; tính đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính khả thi của văn bản dự thảo; dự báo tác động, hiệu quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của văn bản dự thảo; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân, tổ chức. Thay mặt lãnh đạo thị xã, đồng chí Lê Đại Thăng - UVTV, Phó Chủ tịch UBND trao đổi  một số nội dung mà đại biểu đã nêu tại hội nghị, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổng hợp, bổ sung trình HĐND trong kỳ họp tới.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Hà Việt Phong ghi nhận, cảm ơn các ý kiến và giao văn phòng Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã tổng hợp nội dung góp ý kiến phản biện của các đại biểu, gửi đến cơ quan soạn thảo theo quy định./
                                              Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Sơn Tây

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020