Nét đẹp của một dòng họ

26/10/2012 - 12:00 AM

Đó là nét đẹp về khuyến học của dòng họ Nguyễn Danh ở xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Nét đẹp ấy đã có từ lâu, nhưng thành nền nếp kể từ ngày dòng họ hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” do Mặt trận Tổ quốc phát động.
Phù Lưu Tế là vùng căn cứ cách mạng của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ở thế kỷ 20. Cán bộ, nhân dân Phù Lưu Tế nói chung, dòng họ Nguyễn Danh nói riêng lập nên những chiến công oanh liệt được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, vinh danh là “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Qua các thời kỳ lịch sử vẻ vang, dòng họ Nguyễn Danh nổi lên như một điển hình của lòng yêu nước, của tình yêu quê hương.

- Đồng chí Nguyễn Danh Thưởng là một trong hai đảng viên đầu tiên của đảng bộ xã Phù Lưu Tế.
- Liệt sỹ Nguyễn Danh Ất là chính trị viên đầu tiên của Đại đội 38 Mỹ Đức - Hà Đông.
- Đồng chí Nguyễn Danh Dương là chỉ huy Phó huyện đội Thanh Oai - Hà Đông thời chống Pháp. Trở lại quê hương đồng chí là Bí thư Đảng uỷ góp công xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp tiến bộ vượt bậc, quy hoạch đồng ruộng khoa học được đồng chí Nguyễn Chí Thanh, uỷ viên Bộ chính trị về thăm xã biểu dương phong trào của xã và cá nhân đồng chí Nguyễn Danh Dương.
Có lẽ bắt đầu từ nguồn cội cụ tổ Nguyễn Danh Đạt quê gốc từ Bắc Giang về trang Tuỵ Động (xưa) lập nghiệp từ thời Trần Hồ (1400). Cụ có người con thứ ba là Nguyễn Danh Trọng vốn thông minh, sinh thời cụ nổi danh là người “Văn võ kiêm toàn”. Cụ được học hành nhiều, sức hiểu biết uyên thâm. Nhưng cụ không đi thi - Cụ nói học để làm người đúng nghĩa cao quý của nó và học để làm việc có lợi cho nhân quần xã hội. Khi giặc Minh xâm lược nước ta. Hưởng ứng lời hiệu triệu của triều đình, cụ xin phép cha mẹ lên đường ra trận. Giặc tan, cụ được chuyển từ bộ binh sang bộ hộ (quân sự sang dân sự). Năm 70 tuổi cụ được nghỉ hưu, xin triều đình được về lại nơi bước lên đường năm xưa. Cụ có công gom dân lập ấp xây dựng nên Phù Lưu Tế mà xa xưa gọi là Nhuế thôn, rồi làng Giầu (thời Trịnh Nguyễn là Phù Lưu Tế).
Trải bao thế hệ, dòng họ Nguyễn Danh luôn giữ được nét đẹp chung là con cháu đều cần cù thông minh, hiếu học, trọng chữ nghĩa, quý tình người. Trong họ luôn có cụ ông thọ cao ở độ tuổi 80, 85, 90,95, có cụ bà thọ trên 105 tuổi. Các cụ sống vui tươi, khoẻ mạnh, minh mẫn.
Các thành viên con cháu dòng họ Nguyễn Danh truyền đời noi gương nhau vượt lên gian khó ham học, ham làm, sống có trách nhiệm với gia đình, với quê hương đất nước, sống có hậu được như ước nguyện của mọi người “Tử hiếu tôn hiền vạn đại xuân”. Nếu trước Cách mạng Tháng Tám 1945, trong họ về học thức chỉ có 2 cụ học chữ nho đến Chính văn kinh và Quốc ngữ cũng 2 cụ học hết tiểu học. Thế mà ngày nay, trong họ có 98 người tốt nghiệp Đại học, 6 người học trên Đại học, trong đó có 1 tiến sỹ, 5 thạc sỹ đang công tác ở nhiều lĩnh vực trên mọi miền đất nước. Có người là Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, là giảng viên của trường đại học, là Giám đốc công ty xây dựng… Những người con của họ Nguyễn Danh làm ăn ở nhiều nơi trong nước, ngoài nước, nhưng vẫn luôn hướng về cội nguồn, luôn nghĩ đến giữ thanh danh của quê hương, của dòng họ.
Quy ước của dòng họ định ra nhiều điều về học tập, về lao động sản xuất, về đạo đức lối sống, về trách nhiệm với gia đình với gia tộc với quê hương… rất thiết thực, gắn với mỗi người, mỗi nhà trong họ nên ai cũng dễ nhớ, dễ làm. Dòng họ có quỹ khuyến học, khuyến tài. Số dư quỹ mỗi năm một tăng, được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích.
Với thành tích khuyến học đạt được, dòng họ Nguyễn Danh đã hai lần nhận Giấy khen của UBND huyện Mỹ Đức và đặc biệt, năm 2012, thành tích khuyến học của họ Nguyễn Danh được Ban khoa giáo Thành uỷ Hà Nội tặng Bằng khen.

Nguyễn Ngọc Châu -Xã Phù Lưu Tế

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020