Nhà tu hành giàu lòng nhân ái

12/05/2010 - 12:00 AM

Ngôi chùa toạ lạc trong lòng Thủ đô, xây dựng từ thế kỷ 15. Trước đây là nơi đón tiếp sứ thần nước ngoài tụng kinh niệm Phật trước khi họ được bái kiến triều đình nước ta tại Kinh thành Thăng Long.

Chúng tôi từng biết tiếng vị Hoà thượng cao niên này một lòng vì đạo pháp, vì lợi ích tối thượng của dân tộc, nhưng ai "có duyên" được tiếp kiến, mới cảm  nhận hết một tấm lòng nhân, một tinh thần hỷ xả.

Thuở thiếu thời, cậu Văn Long (tên khai sinh của hoà thượng) hay theo cha đến chùa Nho Lâm, huyện Kim Động, tỉnh Hưng yên, quê nhà. Rồi một hôm sư bà Đàm An, thấy cậu Văn Long khôi ngô tuấn tú, liền âu yếm hỏi: Cháu có duyên đến với chốn tu hành. Văn Long được học Việt văn, Hán văn, Pháp văn, nhanh chóng thông làu kinh kệ, pháp giới.

Cửa thiền bị quân sài lang xâm phạm, nhà sư Thích Thanh Tứ theo lời kêu gọi của non sông, tham gia hàng ngũ cách mạng.

Ngày 25/3/1945, nhà sư trẻ tuổi cầm cờ đỏ sao vàng dẫn đầu đoàn người đi phá kho thóc của quân Nhật chiếm, chia cho dân nghèo, rồi cởi áo tu hành gia nhập Vệ quốc  quân, chiến đấu trong Đội vũ trang tuyên truyền tỉnh Hưng Yên. Chiều ngày 29/10/1951, Văn Long bị địch bắt cùng Tiểu đội trưởng và hai cán bộ xã. Kẻ địch không lay chuyển nổi ý chí những công dân yêu nước và có lý tưởng cao cả.

Chính trị viên Văn Long bị giặc giam giữ tại đồn La Tiến (thị xã Hưng Yên), rồi đồn Lực Điền (Kẻ Sặt) và nhà giam Hải Dương. Chúng đưa Văn Long bị cùm cả hai chân, chịu đựng những đòn thủ man rợ, mà vẫn giữ lòng trung với Tổ Quốc. Bọn cướp nước và tay sai đành trả tự do cho Văn Long vào tháng 5 năm 1953, sau thời gian bị giam giữ ở Trại an trí Thịnh Liệt (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ra tù, tìm gặp tổ chức, Văn Long tiếp tục cầm súng chiến đấu ở huyện Kim Động (tỉnh Hưng Yên). Quân Pháp thất bại ở chiến trường Điện Biên Phủ, đại quân ta về giải phóng thủ đô. Hoà bình lập lại trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, anh bộ đội cụ Hồ trao súng cho đồng đội, tiếp tục cuộc đời tu hành.

Vị chân tu luôn khẳng định cần tâm niệm lời Phật dạy: "Phải làm điều lành, tránh điều ác và phải có tấm lòng bác ái. Tệ nạn cũng là điều ác. Làm điều lành thì gia đình vui vẻ, xã hội yên bình". Hoà thượng nói tiếp: "Yêu đạo, yêu đời, cho nên tôi đi tu. Yêu đời là phải quan tâm đến nỗi khổ đau của người  nghèo khó. Yêu đạo không chỉ gõ mõ tụng kinh, mà còn phải yêu đời"

Trò chuyện, chân tình và cởi mở, Hoà thượng vui vẻ: Tôi nhớ lời lãnh tụ Hồ Chí Minh viết trong tập Ngục Trung Nhật ký "Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại", cho nên tôi có làm một bài thơ:

Thấy đời đau khổ phải đi tu
Vì nước, vì dân nên bị tù
Thân tuy đau khổ,lòng không nản
Yêu đạo, yêu đờiquyết lại tu.

Những vần thơ hào sảng gắn bó người đọc với những người nghe. Thật thích thú vì lần đầu, chúng tôi được nghe những vần thơ yêu đời, yêu đạo của vị Hoà thượng đã trải 80 mùa xuân. Cuộc trò chuyện phải tạm ngừng vì có đoàn Phật tử miền Nam xin được thỉnh kiến Hoà thượng.

Phòng khách lan toả mùi hoa thơm quả lạ. Quả phật thủ và mấy trái  bòng trên ban thờ ngan ngát hương quê. Bác Nguyễn Văn Thịnh, thay mặt Hội người cao tuổi phường Trần Hưng Đạo trân trọng cảm ơn chùa Quán Sứ và Hoà thượng đã quan tâm giúp đỡ người nghèo địa phương trong nhiều năm nay.

Bác Nguyễn Tiến Long, Chi hội trưởng Người cao tuổi kính báo với Hoà thượng: cháu Trần Thị Thanh Huyền, đang học lớp 10A6 trường THPT Việt -Đức, được Hoà thượng và chùa Quán Sứ cấp học phí mỗi tháng 100.000đ từ mấy năm nay. Cháu Huyền vẫn là con ngoan trò giỏi. Bố cháu là thương binh, gia đình còn khó khăn về kinh tế, rất cảm ơn lòng tốt của nhà chùa và Hoà thượng.

Hoà thượng cười đôn hậu, và nói: Ngoài các khoản trợ cấp đột xuất, Tết nào Phật tử chùa chúng tôi cũng có mấy trăm suất quà tặng đồng bào nghèo, những người cơ nhỡ, để ai ai cũng có tết như chủ trương của thành phố đề ra. Riêng Tết Bính tuất (2006), chúng tôi đã trao tặng 400 suất, mỗi suất gồm: bánh mứt kẹo, bột ngọt, đường hoặc một yến gạo tám thơm, bà con nghèo tỉnh Hoà Bình 100 suất và 100 suất tặng bà con ở Thanh Hoá, nơi vừa bị cơn bão số 7 tàn phá. Chùa vẫn đỡ đầu hai cháu tàn tật ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Bản thân Hoà thượng, rút tiền tiết kiệm, góp 40 triệu đồng vào các hoạt động nhân đạo nói trên.

Chúng tôi xin cáo biệt vị Hoà thượng được Phật tử và nhân dân cả nước mến mộ, kính chúc Hoà thượng dồi dào sức khoẻ, tiếp tục hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quang vinh được giao phó. Đó là: Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Phật giáo Việt Nam, đại biểu Quốc hội khoá XII, Uỷ viên Uỷ ban TW MTTQ Việt Nam, Uỷ viên Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam, Hội khuyến học Việt Nam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Hội bảo trợ những người tàn tật và trẻ mồ côi, uỷ viên Đoàn chủ tịch uỷ ban hoà bình Việt Nam, phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt -Nhật...

Tiếng mõ đều đều, tiếng cầu kinh trầm lắng từ đại bái đường vang vọng. Tất cả cầu cho quốc thái, dân an.

Ngô Thi
Hội NCT P. Trần Hưng Đạo
Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020