Phản biện xã hội vào dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố Ban hành chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội

02/12/2018 - 01:42 PM
Sáng ngày 29/11/2018, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị góp ý kiến phản biện xã hội vào Tờ trình của UBND TP và dự thảo Nghị quyết của HĐND TP ban hành chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Bùi Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; Dương Cao Thanh – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; Tạ Văn Tường – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy, Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Văn phòng HĐND, UBND TP; đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội TP; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, có liên quan; Ban Chủ nhiệm các Hội đồng tư vấn Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp và đại diện lãnh đạo UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã.
Đ/c Bùi Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP trình bày và báo cáo về một số nội dung cơ bản trong dự thảo Nghị quyết nêu trên. Theo đó, trong những năm qua, TP đã triển khai xây dựng các vùng sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi, phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, chuỗi liên kết sản xuất cũng cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm… đã được hình thành và phát triển các vùng sản xuất chất lượng, tập trung. Duy trì và phát triển 97 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản trong đó có 46 chuỗi có nguồn gốc động vật và 51 chuỗi có nguồn gốc thực vật. Các chủ trương, chính sách đã được triển khai vào thực tế xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong bối cảng vấn đề an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, nên được các cấp, các ngành quan tâm và thu hút được dư luận nhân dân. Bên cạnh đó, nhận thức của các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản về sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm cũng dần được cải thiện. Việc xây dựng chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ đảm bảo quản lý triệt để được chất lượng sản phẩm là hướng phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, do vậy các hoạt động xây dựng chuỗi của ngành nông nghiệp được các hộ chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản bước đầu hưởng ứng. Việc xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn bước đầu đã hình thành các điểm bán hàng nông sản an toàn được kiểm soát theo chuỗi, được giám sát thường xuyên và nhận được phản hồi tốt từ người tiêu dùng, đã cơ bản hoàn thiện một số chuỗi đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc, tạo tiền đề cho chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, nâng cao hiệu quả kinh tế rõ rệt cho các tác nhân muốn tham gia. Từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực, đến nay đã có nhiều mô hình chuỗi mới được hình thành góp phần không nhỏ cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản thực phẩm cung cấp cho thị trường Thủ đô và thực hiện đúng định hướng chỉ đạo của Chính phủ cũng như UBND TP về công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Hà Nội. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các quy hoạch trong nông nghiệp còn thiếu tính đồng bộ quyết liệt, do vậy nông nghiệp vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún; việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản theo chuỗi cần nguồn vốn lớn, trong khi hệ thống hỗ trợ, phân phối sản phẩm nông sản chưa đủ mạnh, giá thành sản phẩm còn cao, đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn; chính sách hỗ trợ của Trung ương và Thành phố chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, cách thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn còn quy mô nhỏ, trong khi đó, sự liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã, thương lái còn lỏng lẻo chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau. Một số quy định trong lĩnh vực nông nghiệp đã thay đổi, điều chỉnh khiến việc kiểm soát nguồn gốc sản phẩm gặp khó khăn. Công tác dự báo thị trường còn chưa thực sự được quan tâm. Giá cả các sản phẩm nông sản không ổn định, việc liên kết sản xuất chưa theo quy luật thị trường, còn tình trạng sản xuất ồ ạt chưa đúng quy hoạch dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu” hay “được mùa mất giá”. Công tác quản lý về an toàn thực phẩm được phân cấp đến huyện và xã, đối tượng quản lý lớn nhưng lực lượng thực hiện lại mỏng và thường xuyên thay đổi, thiếu cán bộ chuyên trách, chuyên môn phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu đối với cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm, bên cạnh đó việc quản lý còn lỏng lẻo, chưa thật sự quyết liệt, ý thức người sản xuất, kinh doanh còn thấp nên chưa thúc đẩy cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn phát triển, thủ đoạn gian lận thương mại ngày càng tinh vi… Ngày 05/07/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đồng thời góp phần phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hiệu quả đến năm 2020 theo Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23/11/2016 của Quốc hội khóa 14. Thực hiện Nghị định số 98 nêu trên, UBND Thành phố trình HĐND Thành phố dự thảo nghị quyết về ban hành chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội và để nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội phản biện xã hội là cần thiết.
 
Hội nghị đã nghe đại diện đoàn khảo sát báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát, ý kiến của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đại biểu nhân dân nơi đoàn đến khảo sát đóng góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết và 11 ý kiến phát biểu thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu dự hội nghị phản biện.

Các đại biểu đều nhất trí cho rằng dự thảo nghị quyết về ban hành chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội là cần thiết, từ đó thúc đẩy được liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiêu thụ, góp phần tạo ra những sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, các đại biểu còn băn khoăn và đề nghị nâng mức hỗ trợ, đồng thời giảm mục hỗ trợ. Về quy mô hỗ trợ, dự thảo nghị quyết cần quy định mức hỗ trợ tối thiểu và tối đa nhằm đảm bảo chuỗi liên kết vận hành trơn chu và bền vững, làm rõ quy mô liên kết để các đơn vị liên kết nhận được các ưu đãi hỗ trợ ở mức tối thiểu hay mức tối đa từ Nhà nước, nghiên cứu hỗ trợ cho việc xúc tiến thương mại ở ngoài nước để giúp các doanh nghiệp và hợp tác xã thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu sản phẩm; hỗ trợ về truyền thông trong thực hiện chính sách quảng bá sản phẩm, quy định lộ trình yêu cầu các bếp ăn tập thể, (trường học, bệnh viện, nhà hàng …) phải chứng minh nguồn gốc nông sản thực phẩm (hồ sơ, hóa đơn mua hàng…), chứng nhận an toàn thực phẩm của đơn vị cung cấp và khuyến khích các bếp ăn tập thể mua nông sản từ các chuỗi đã được chứng nhận. Dự thảo nghị quyết cần có cơ chế, quy định cụ thể để kiểm tra an toàn thực phẩm, đảm bảo công bằng trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, có chế tài làm rõ sản phẩm từ chuỗi và các cơ sở tiêu thụ sản phẩm từ chuỗi bởi chất lượng và giá bán các sản phẩm từ chuỗi sẽ khác chất lượng và giá bán các sản phẩm không phải từ chuỗi, có quy định về kiểm tra, giám sát việc tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị, các bếp ăn tập thể tại các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tiếp thu toàn bộ ý kiến phản biện của các đại biểu dự hội nghị, đồng thời tổng hợp sớm gửi UBND TP tiếp thu, nghiên cứu hoàn thiện dự thảo trình HĐND tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP nhiệm kỳ 2016 - 2021./.
                                                                            Từ Ngọc Lâm

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020