Tăng cường hoạt động đối ngoại nhân dân, để Việt kiều hướng về quê hương, xây dựng đất nước.

25/09/2018 - 05:08 PM
Thực hiện kế hoạch công tác đối ngoại nhân dân năm 2018, được sự đồng ý của Thường trực Thành uỷ, từ ngày 11/9 đến 22/09/2018, đoàn cán bộ Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội gồm 10 thành viên do đồng chí Vũ Hồng Khanh – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội làm Trưởng đoàn sang thăm và trao đổi với Đại sứ, gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Thuỵ Điển, Đan Mạch và Áo để nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời trao đổi kinh nghiệm hoạt động của tổ chức Hội người Việt Nam và việc vận động người Việt Nam ở nước ngoài ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hướng về quê hương, xây dựng đất nước. Tại các nơi đoàn đến đã được sự giúp đỡ nhiệt tình của Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại và sự đón tiếp chân tình, thiện cảm của Hội người Việt Nam ở nước ngoài.

 
Các quốc gia đoàn đến thăm có đặc điểm chung là các nước phát triển được đánh giá là một trong 5 quốc gia có chỉ số hạnh phúc nhất thế giới với mức sống cao, phúc lợi xã hội tiên tiến; diện tích rộng, mật độ dân cư thấp, Thuỵ Điển rộng nhất trong số các nước Bắc Âu với dân số gần 10 triệu người, Áo là nước Trung Âu diện tích 87 triệu km vuông khoảng gần 8 triệu người, Đan Mạch khoảng 6,5 triệu người.

Người Việt Nam sang làm việc, học tập, công tác tại 3 quốc gia này cũng chưa lâu, khoảng những năm 70 thế kỷ XX, số người Việt định cư tại nước sở tại không nhiều. Việc thành lập Hội người Việt Nam tại các quốc gia cũng gặp nhiều khó khăn, với những người tham gia cần có điều kiện về kinh tế, thời gian để tham gia các hoạt động hội, khi hội được thành lập phải có tiêu chí hoạt động rõ ràng và được Chính phủ nơi sở tại cho phép hoạt động. Hiện mới thành lập Hội người Việt Nam ở từng vùng miền tại Thuỵ Điển, Hội doanh nghiệp người Việt tại Đan Mạch, Hội gôn người Việt tại các nước Bắc Âu, Hội Phụ nữ người Việt tại Áo
Trong quá trình đoàn đi thăm tại các nước đã được Đại sứ Việt Nam tại các quốc gia đón tiếp trân trọng, tình cảm, được thông tin về tình hình kinh tế xã hội các nước, hoạt động của cộng đồng người Việt Nam, đoàn được gặp mặt bà con cộng đồng người Việt tại Đại sứ quán và đến thăm một số gia đình.
Tại Thuỵ Điển, bà Đoàn Thị Phương Dung- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCNVN cho biết, cộng đồng người Việt tại Thuỵ Điển hiện có khoảng 16.500 người sống tập trung ở các thành phố lớn, nhất là những thành phố ở miền nam Thuỵ Điển, khoảng 5.000 bà con đã nhập quốc tịch Thuỵ Điển, số khá đông còn lại vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Về tổ chức hội người Việt, hiện có 3 tổ chức hội người Việt có đăng ký hoạt động với nước sở tại gồm Hội người Việt Nam tại Stockholm và vùng phụ cận, Hội văn hoá Việt Nam tại Thuỵ Điển ở phía nam (các thành phố Malmo, Lund, Helsingborg và phụ cận) và Hội Hữu nghị Việt Nam vùng Ostergotland tại Linkoping. Với chế độ phúc lợi và chính sách an sinh xã hội rất tốt của Thuỵ Điển, cộng đồng người Việt được hưởng các quyền lợi như người dân sở tại về y tế, giáo dục và các chế độ phúc lợi khác. Phần lớn bà con có công ăn việc làm ổn định, trong cơ quan nhà nước, các công ty Thuỵ Điển, hoặc mở nhà hàng, kinh doanh buôn bán và có những thành công nhất định trong công việc của mình. Các thế hệ thứ 2, thứ 3 được thụ hưởng nền giáo dục tiến tiến của Thuỵ Điển và tham gia nhiều hơn các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, y tế, giáo dục ... Chính quyền các cấp tại Thuỵ Điển đều cho rằng cộng đồng người Việt khá ổn định, chấp hành tốt pháp luật, hoà nhập và có đóng góp cho đất nước Thuỵ Điển nói chung và địa phương nơi bà con sinh sống nói riêng.

Chị Hường Mimi- Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Stockholm và vùng phụ cận là người sinh ra lớn lên ở Hà Nội trước đây cho biết tại địa bàn chị phụ trách có hơn 2.000 người Việt ở Stockholm và vùng phụ cận bao gồm những người định cư, Sinh viên, Nghiên cứu sinh, người làm việc và bà con sang lao động. Hội được thành lập năm 2010 có trên 200 thành viên tham gia, Hội đã được nhà nước Thuỵ Điển công nhận. Hội được xây dựng trên tiêu chí văn hoá; Nguyên tắc hoạt động dân chủ, công khai. Mục tiêu giữ gìn bản sắc văn hoá, ngôn ngữ và hoạt động nhân đạo. Các hoạt động thường niên được tổ chức vào dịp Tết nguyên đán, Tết trung thu, tổ chức các lớp dạy tiếng Việt cho thế hệ thứ 2, thứ 3. Gắn kết để người nước ngoài tham gia chương trình nhận con nuôi người Việt. Phát động phong trào quyên góp ủng hộ bà con quê hương, xây giếng nước, ủng hộ các đợt phát động Vì biển đảo Việt Nam ... Ban chấp hành Hội đã vinh dự được nhận Bằng khen của Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Chị Lưu Sally - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam vùng Ostergotland tại Linkoping bày tỏ vui mừng được gặp gỡ đoàn, đây là Hội mới thành lập được 1 năm. Tiêu chí hoạt động là: Đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau; kết hợp trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau đi lên. Nhất là những người nói tiếng không được như người Thuỵ Điển thì sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống. Vốn và kinh nghiệm cần phải kết hợp với nhau.
Chị Ngọc- nguyên Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Stockholm và anh Lưu Minh- Giám đốc Cty Luu Travel, đại lý vé máy bay xúc động cảm ơn Đại sứ đã tạo điều kiện cho bà con trong cuộc sống tại Thuỵ Điển và hôm nay cho được gặp đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố.
Tại Đan Mạch, đoàn đến thăm và chào xã giao Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Đan Mạch, đại sứ Nguyễn Trường Thanh
 tiếp đoàn và cho biết, dân số nước Đan Mạch khoảng 5,6 triệu người. Là chính quyền 2 cấp chia thành 98 Komune cỡ tương đương như Huyện ở Việt Nam, Komune làm tất cả các việc, trên là Chính phủ, dưới Komune không có cấp xã. Cộng đồng người Việt Nam tại Đan Mạch khoảng 5.000 người, đa số từ Quảng Ninh, Hải Phòng sang vào những năm 70, 80 thế kỷ trước. Cộng động người Việt ở rải rác, sinh hoạt từng cụm, theo vùng miền, theo thời gian sang, tập trung chủ yếu ở Sjealand, Hovedstaden và Copenhagen. Tại đây, Đại sứ quán cho biết đã tư vấn và tạo điều kiện thành lập Hội doanh nhân Việt Nam tại Đan Mạch và Hội gôn Bắc âu gồm 4 nước, ở các nước có nhóm để giao lưu với nhau. Cộng đồng người Việt tại Đan Mạch có một số doanh nhân thành đạt, một số không đi làm hưởng trợ cấp xã hội. Thế hệ thứ nhất cũng gần 80 tuổi, thế hệ thứ hai có học, được đào tạo cơ bản và đang công tác, làm việc. Vào những năm 70 Thuỵ Điển đã sớm tài trợ giúp Việt Nam xây dựng Nhà máy giấy Bãi Bằng.

Trong chương trình, đoàn đến thăm gia đình bác Liên, là một trong những người sớm sang 
Đan Mạch, mặc dù lớn tuổi nhưng bác vẫn đam mê cống hiến, giảng dạy âm nhạc cho học sinh Đan Mạch. Với khả năng về thơ, nhạc, hoạ, bác Liên đã thường xuyên thông tin về Việt Nam trong quá trình đổi mới đến cộng động người Việt Nam tại Đan Mạch bằng nhiều hình thức dễ hiểu, dễ nhớ như bằng thơ, bằng bài hát do chính mình sáng tác ... 
Tại Áo, đoàn đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Áo, tiếp đoàn có Đại sứ Lê Dũng và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Áo, bà Bùi Thị Hải- Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Áo cho biết, Hội viên trước đây khoảng trên 200 người, hiện nay tham gia khoảng trên 100, nhưng tham dự các hoạt động thường kỳ khoảng 50-60 người. Vì thế hệ trước đã lớn tuổi, thế hệ sau thì bận công việc. Tổ chức các hoạt động thường kỳ được diễn ra trong các dịp nhân ngày 8/3, ngày 1/6, tết trung thu, ngày 20/10 ... nhưng khó khăn về địa điểm vì phải đi thuê và đặt trước, bà con phải đi làm lo việc gia đình nên thường được tiến hành vào Chủ nhật. Bà Hải cũng trăn trở về việc dạy tiếng Việt cho các cháu thế hệ thứ 2, thứ 3. Hiện nhiều cháu không nói được tiếng Việt, Hội có duy trì tổ chức dạy tiếng Việt nhưng khó khăn về tài liệu dạy tiếng Việt, nếu dạy theo chương trình như sách ở trong nước thì sẽ quá tải, các cháu không muốn học (nặng về ngữ pháp, quá nhiều nội dung, ít hình minh hoạ), do vậy rất cần biên soạn tài liệu dạy tiếng Việt phù hợp với các cháu ở nước ngoài (bên này các cháu học mà chơi, ít ngữ pháp và nội dung). Bà Phượng là lớp người Việt sang đã lâu năm, hoạt động trong Hội Phật tử tại Áo cho biết thêm bà con bên này tham gia Hội Phật tử chỉ đơn thuần lên chùa cúng Phật cầu an vào chủ nhật và ngày lễ.

Tại các buổi trao đổi với Đại sứ và gặp gỡ các hộ gia đình đại diện cộng đồng người Việt tại các nước, Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cũng thông tin về những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô những năm qua và 8 tháng đầu năm 2018. Đồng thời mong muốn được nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con mình ở nơi xa quê hương, nhất là những khó khăn, những kiến nghị, đề đạt với Nhà nước, với Thủ đô Hà Nội để tạo điều kiện tốt nhất cho bà con cộng đồng người Việt tại nước ngoài lao động, công tác, học tập, đồng thời tham gia phát triển kinh tế nước nhà cũng như tham gia các hoạt động xã hội ở Việt Nam.
Tại những nơi đoàn đến, gặp gỡ bà con tại Đại sứ và đến thăm các hộ gia đình người Việt Nam, Chủ tịch Vũ Hồng Khanh tặng logo Hà Nội và Bánh Trung thu sản phẩm quê hương nhân dịp Tết Trung thu, bà con rất xúc động và cảm ơn sự quan tâm, động viên cả về tinh thần và vật chất của đoàn. Bà con hứa sẽ chấp hành pháp luật nước sở tại, có những hoạt động chăm lo đến cộng đồng và quan tâm đến tình hình trong nước.
Trở về nước với nhiều niềm vui và phấn khởi, Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tăng cường hơn nữa đến công tác đối ngoại nhân dân, cùng các ban ngành Thành phố quan tâm nhiều hơn nữa đến việc tuyên truyền sự phát triển của đất nước và Thủ đô Hà Nội đến cộng đồng người Việc Nam ở nước ngoài để Việt kiều hướng về quê hương, xây dựng đất nước.
Thanh Hải
Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020