Tìm giải pháp “gỡ khó” giao thông Thủ đô

27/06/2019 - 04:20 PM
Ngày 25 – 6, Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tham gia góp ý các ý kiến, kiến nghị phản biện xã hội đối với dự thảo: Tờ trình UBND thành phố Hà Nội và Nghị quyết của HĐND thành phố về “Ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ ô tô và các phương tiện cơ giới; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải” (Thay thế Nghị quyết số 03/2013 – HĐND ngày 12/7/2013 và Nghị quyết số 01/2019/NQ – HĐND ngày 09/4/2019 của HĐND thành phố Hà Nội) phục vụ kỳ họp lần thứ 9 HĐND thành phố khóa XV, nhiệm kỳ 2016 – 2021”

Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch  Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị


Dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Lan Hương – UVTV Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố;  Nguyễn Ngọc Tuấn – UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố  và các đồng chí lãnh đạo các Ban và Văn phòng của HĐND Thành phố, đại diện lãnh đạo Các tổ chức chính trị - xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên môi trường, Cục thuế Hà Nội và các đơn vị có liên quan được mời tham dự.
Từ nhiều năm nay, Thành phố Hà Nội liên tục đưa ra các giải pháp chống ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, mục tiêu tới năm 2030 Hà Nội trở thành thành phố văn minh, hiện đại, hết ùn tắc giao thông không dễ dàng. Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Sau năm năm thực hiện Nghị quyết số 03/2013/NQ – HĐND ngày 12/7/2013 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn cũng như khuyến khích người dân tham gia dịch vụ loại hình vận tải này. Việc xây dựng Nghị quyết thay thế các Nghị quyết cũ của HĐND thành phố là cần thiết nhằm kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất khi thực hiện.
“Đây là một trong những giải pháp nhằm tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2030 nhằm thu hút người dân tham gia dịch vụ vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.
Theo tờ trình, để thực hiện các cơ chế chính sách bổ sung, điều chỉnh trong Nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết cũ thì ngân sách Thành phố cần bố trí bổ sung khoảng 71,95 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ phương tiện nhiên liệu sạch khoảng 12,35 tỷ đồng/năm; hỗ trợ miễn phí giá vé khoảng 17,3 tỷ đồng/năm; ngân sách Thành phố duy trì hỗ trợ 100% chi phí cầu đường, bến bãi, phí sử dụng đường bộ, bảo hiểm hành khách thu hộ khoảng 12,3 tỷ đồng/năm; các chính sách hỗ trợ khác khoảng 30 tỷ đồng/năm.
Theo ông Phạm Ngọc Thảo, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, vấn đề vận tải hành khách bằng các phương tiện lớn ở Thủ đô còn nhiều bất cập về cơ chế, chính sách, về cơ sở hạ tầng, phương tiện trang thiết bị và quản lý điều hành. Tuy nhiên, dự thảo cần làm rõ sự thống nhất giữa quy hoạch giao thông vận tải hành khách với quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác. Trong đề án đặt ra nguyên tắc và yêu cầu kết nối của hệ thống vận tải hành khách công cộng số lượng lớn phải đảm bảo kết nối liên thông; kết nối với đô thị dân cư; kết nối với phương tiện khác của người dân... Ý tưởng này là đúng đắn tuy nhiên thực tế bộ mặt đô thị ở Hà Nội hiện nay vô cùng phức tạp như: Hệ thống giao thông, bến bãi không đồng bộ; quy hoạch xây dựng không đồng bộ, không tuân thủ quy chuẩn và có xu hướng phát triển khó kiểm soát, kể cả các khu đô thị, chung cư; phương tiện giao thông cá nhân phát triển quá nhanh, ngoài tầm kiểm soát và ngày càng phức tạp… để đảm bảo sự kết nối như mục tiêu đề ra rất khó.
Đồng tình với nội dung của tờ trình, ông Nguyễn Thành Vĩnh, thành viên HĐTV Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, dự thảo Nghị quyết đã quán triệt những quy định mới trong văn bản của Trung ương, khắc phục hạn chế của Nghị quyết trước đây; đáp ứng thực tiễn khách quan đối với giao thông và quản lý phương tiện giao thông Thủ đô trong tình hình mới. Qua chuyến khảo sát thực tế tại quận Hoàng Mai và công ty vận tải Hà Nội thì thấy rằng đây là lĩnh vực hết sức cần thiết nhưng còn nhiều khó khăn như vốn đầu tư rất lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên cần được quan tâm để phù hợp với mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc nêu trong tờ trình của UBND thành phố.
Ở góc độ khác, PGS.TS Trần Thị Kim Đăng, Giảng viên trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội lại cho rằng, đây là vấn đề rất khó và rất nhạy cảm. Tuy nhiên, nếu UBND Thành phố muốn làm thì hoàn toàn có thể làm được. Việc làm cần phải cụ thể, minh bạch để tránh các sai phạm hay tham nhũng trong quản lý đất đai, liên quan đến “chuyển đổi mục đích sử dụng” của “đất chưa chuyển đổi”, đặc biệt trong việc cho phép sử dụng một tỉ lệ phần trăm đất cho mục đích kinh doanh thương mại. Vấn đề này cần phải hết sức lưu ý vì các hệ lụy trong quản lý, sử dụng đất khi triển khai thực hiện Nghị quyết rất lớn.
11 ý kiến phát biểu của các nhà khoa học, thành viên các hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đều nhất trí về việc cần thiết phải ban hành Nghị quyết này. Nội dung của dự thảo Nghị quyết đã có sự rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các quy định cơ chế chính sách phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và thực tiễn. Các chính sách đề xuất trong dự thảo Nghị quyết phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và thành phố về phát triển vận tải hành khách công cộng nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; khắc phục được tình trạng mức hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân còn thấp, đối tượng và phạm vi áp dụng còn chưa được đề cập đầy đủ, toàn diện. Một số đại biểu cho rằng cơ quan chức năng cần cân nhắc thêm tên Nghị quyết để ngắn gọn và dễ nhớ, dễ hiểu nhưng vẫn phải đầy đủ. Các nội dung về chính sách cần hoàn thiện hơn, nhất là đối tượng thụ hưởng…
Tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng, các ý kiến phát biểu tại hội nghị hết sức phong phú, được tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau. Các ý kiến phát biểu đều thống nhất sự cần thiết để ban hành Nghị quyết. Trong đó, áp dụng công nghệ cao là một giải pháp để phát triển hành khách công cộng khối lượng lớn, khuyến khích xây dựng bến, bãi đỗ xe và hạn chế vận tải cá nhân. Đồng chí Chủ tịch khẳng định Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tổng hợp đầy đủ những nội dung mà các đại biểu đã đề cập và gửi cơ quan soạn thảo để sớm điều chỉnh, bổ sung thật đầy đủ để Nghị quyết được hoàn thiện chặt chẽ từ nội dung đến văn phong đến bố cục.
Nguyễn Thị Thanh Vân
Chuyên viên Ban Dân chủ - Pháp luật

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020