Ứng xử với cộng đồng: Những bài học đáng suy ngẫm

26/03/2020 - 05:24 PM

Đóng băng gần như hoàn toàn là những gì công chúng cảm nhận về hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí trong những ngày này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Và, khi các hoạt động bị chững lại, đó cũng là lúc giới nghệ sĩ đối diện với khó khăn ở nhiều phương diện. Cách ứng xử của họ trước thử thách khắc nghiệt mang đến những bài học đáng suy ngẫm cho cộng đồng.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể tới nghệ thuật biểu diễn, nhưng cũng là “lửa thử vàng” đối với trách nhiệm của các nghệ sĩ.

Thử thách khắc nghiệt

Dời lịch diễn, hủy show, thất nghiệp..., đó là tình trạng chung của giới hoạt động nghệ thuật, giải trí trong khoảng thời gian từ sau Tết Nguyên đán đến thời điểm này. Ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết các show ca nhạc, các sự kiện văn hóa đều bị hủy, phòng triển lãm im lìm, rạp chiếu phim vắng vẻ... Và vào thời điểm giữa tháng 3, trước những diễn biến mới của dịch Covid -19, các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... đã đẩy yêu cầu chống dịch lên một mức độ mới, trong đó có việc ban hành quyết định tạm dừng tất cả các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, giải trí trên địa bàn, khiến hoạt động biểu diễn “đóng băng” hoàn toàn.

Lướt qua các trang cá nhân trong giới nghệ sĩ, công chúng có thể hiểu phần nào tâm trạng của người trong cuộc khi những dự án tâm huyết chẳng thể đến được với công chúng; mọi sự chuẩn bị đều đổ bể, những kế hoạch đã lên lịch bị hoãn vô thời hạn... Trên trang Facebook cá nhân, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, người được biết đến qua bộ phim điện ảnh Thưa mẹ con đi chia sẻ: “Mình theo hai nghề và đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch lần này. Trường học đã án binh bất động cả tháng nay. Học kỳ mới sẽ diễn ra trên e-learning. Có thể chỉ thấy mặt học sinh qua webcam. Còn phim ảnh thì thôi, cứ là đứng im chờ cho đến khi hết dịch. Bắt đầu từ đây, phim cứ để đấy, ai làm xong rồi thì chờ để chiếu, ai chưa làm thì chờ để làm”.

Nổi tiếng “đắt show”, thu được thành công đặc biệt từ bộ phim Gái già lắm chiêu 3 nhưng nữ diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc cũng không tránh khỏi ngậm ngùi: “Toàn bộ lịch trình tiếp tục bị hủy hoặc dời xuống cuối tháng 3 hoặc qua tháng 4 rồi. Khổ thì khổ thật nhưng đó là việc cần thiết”. Ca sĩ Minh Tuyết thì chia sẻ: “Với tình trạng hiện tại, nếu kéo dài vài tháng nữa mà không có show thì lấy tiền đâu ra để chi trả cho sinh hoạt. Chắc là em phải làm sân khấu tại nhà để hát online cho bà con nghe quá...”. Giới phóng viên theo dõi mảng văn hóa, nghệ thuật, giải trí cũng thường xuyên nhận được email từ phía nhà tổ chức mà nội dung không có gì khác ngoài thông báo hoãn các sự kiện như triển lãm, tọa đàm vào phút chót...

Mặc dù công việc bị ảnh hưởng trầm trọng nhưng trên hết công chúng vẫn thấy ở đa số nghệ sĩ một thái độ lạc quan, trách nhiệm. Họ sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi về phía cá nhân để bảo đảm thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, bởi việc bảo vệ sức khỏe của mình cũng như khán giả là điều quan trọng nhất lúc này. Bên cạnh đó, một số nghệ sĩ coi đây là thời điểm để tập trung sáng tác, thậm chí là cơ hội để làm mới mình. Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng chia sẻ rằng anh cảm thấy ít bị ảnh hưởng bởi đây cũng là thời gian anh tập trung làm kịch bản tại nhà. Còn ca sĩ Tân Nhàn thì dành thời gian để hoàn thiện giáo trình giảng dạy về âm nhạc truyền thống cho sinh viên khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam...

Trách nhiệm với cộng đồng

 

 

 

 

Những ngày qua, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng khắp nơi đã có nhiều hành động quyên góp ủng hộ tiền, khẩu trang, vật tư y tế... cho việc phòng chống đại dịch Covid-19. Sự chung tay của họ góp phần lan tỏa những câu chuyện tích cực trong mùa dịch.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. 

Khi các hoạt động biểu diễn trực tiếp bị hủy thì việc “chống giặc” Covid-19 trên mạng xã hội lại trở thành một “mặt trận” sôi động, thu hút sự tham gia rất lớn của giới nghệ sĩ ở khắp mọi miền Tổ quốc. Đặc biệt là chúng ta càng thấy rõ hơn khả năng sáng tạo của giới nghệ sĩ và trách nhiệm của họ đối với xã hội. Thời gian này, ngoài những thông tin về dịch bệnh thì những gì được công chúng chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội có lẽ là những ca khúc tuyên truyền, hướng dẫn và động viên nhân dân trong cuộc chiến căng thẳng chống dịch Covid-19.

Thành công bất ngờ của ca khúc Ghen Co Vy do Khắc Hưng sáng tác và phần vũ điệu của Đăng Quang là một ví dụ. Ghen Co Vy không chỉ được khán giả trong nước yêu thích mà còn lan tỏa ra khắp thế giới. Ca khúc được tạp chí Billboard của Mỹ xếp vào danh sách những ca khúc hàng đầu về cổ vũ phòng, chống dịch Covid-19, được giới thiệu trên nhiều kênh truyền hình nổi tiếng, được gắn phụ đề với khoảng 20 ngôn ngữ và được nhiều người nổi tiếng cover...

Ngoài ra, nhiều ca khúc về nội dung này cũng được công chúng yêu thích và chia sẻ “chóng mặt” như: Ca khúc Chung tay phòng chống Corona (nhạc sĩ Lê Hồng Phúc), Ngủ một chút đi anh (sáng tác Tô Văn, ca sĩ Việt Tú thể hiện), Đánh giặc Corona (sáng tác Lê Thống Nhất)... Bên cạnh đó, nhiều video với nội dung tích cực đã được lan truyền trên mạng xã hội mỗi ngày, góp phần giúp đông đảo người dân hiểu rõ hơn về dịch Covid-19, những điều cần làm để phòng, chống dịch và có những giây phút thư giãn.

Các phong trào động viên sáng tác nhằm mục đích nâng cao hiệu quả tuyên truyền về phòng, chống dịch cũng được triển khai ở nhiều loại hình nghệ thuật. Có thể kể đến cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát động; cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật, báo chí ngợi ca lực lượng phòng, chống dịch Covid-19...

Nếu những lời chia sẻ về công việc của nghệ sĩ khiến công chúng đồng cảm, những sáng tác mới giúp họ yên tâm, bình tĩnh trước dịch bệnh thì những việc làm thể hiện trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ, người nổi tiếng lại khiến công chúng thấy ấm lòng hơn.

Những ngày qua, thông tin về việc các nghệ sĩ, người nổi tiếng quyên góp tiền hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 được cập nhật liên tục trên các phương tiện truyền thông. Có thể kể đến những gương mặt rất nổi tiếng như ca sĩ Hồ Ngọc Hà, Hà Anh Tuấn, Tùng Dương, Chi Pu, nhà thiết kế Lý Quý Khánh..., những người đã dành tiền riêng hoặc vận động quyên góp để mua nhiều trang thiết bị y tế như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, phòng cách ly áp lực âm, đồ bảo hộ y tế... nhằm giúp ngành Y tế có thêm điều kiện chăm sóc bệnh nhân, những người thuộc diện cách ly... Những khoản tiền được ủng hộ với sự chung tay kêu gọi của các nghệ sĩ, người nổi tiếng nhiều khi lên tới hàng tỷ đồng.

Bên cạnh đó là những hành động nhỏ nhưng ấm áp tình người như việc Á hậu Hoàng Thùy tự tay may 300 khẩu trang vải để phát miễn phí; ca sĩ Khắc Việt, Pha Lê, nghệ sĩ Xuân Bắc... xuống đường phát khẩu trang. Hành động đó thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của người nổi tiếng, đồng thời cũng là nét đẹp ứng xử có tính truyền thống của người Việt xưa và nay.

Tuy nhiên, cũng không thể không nhắc đến những hành vi đáng lên án của một số người nổi tiếng, cho thấy nhận thức yếu kém về trách nhiệm công dân. Đó là việc một số nghệ sĩ nổi tiếng đã tiếp tay lan truyền tin đồn không chính xác khiến cho cộng đồng thêm hoang mang, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, tất nhiên là họ đã bị cơ quan quản lý nhắc nhở, xử phạt.

Đó là chuyện “ông bầu” Vũ Khắc Tiệp lên tiếng chê bai điều kiện sinh hoạt tại khu cách ly khiến cộng đồng phẫn nộ; là phát ngôn “gây sốc” của một nữ diễn viên cho thấy sự vô cảm với sức khỏe cộng đồng... Tuy đó chỉ là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng nó cũng cho thấy bản lĩnh, cái tâm và tầm của người nghệ sĩ không phụ thuộc vào thứ quần áo hàng hiệu mà họ mặc trên người, không phụ thuộc vào tên tuổi hay người đó có “đắt show” hay không, mà thể hiện qua hành vi, cách ứng xử của họ khi phải đương đầu với khó khăn trong cuộc sống.

Người xưa dạy: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Đạo diễn Nguyễn Quang Huy rất có lý khi chia sẻ trên trang cá nhân rằng: “Mối họa của đại dịch là vậy, một phép thử cho ý chí, sự kiên định và cả niềm tin của mỗi con người”. Quả thật, đại dịch Covid-19 được coi như một phép thử mà qua đó, giới nghệ sĩ nói riêng và con người nói chung đã có cơ hội được “tôi luyện” bằng nhiều hình thức. Có thể đó chưa phải là thử thách quá lớn, song chắc chắn sóng gió từ đó phần nào làm bộc lộ những mặt mạnh, yếu khác nhau của từng người.

Câu chuyện của những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là một phần trong bức tranh chung về ứng xử của toàn xã hội. Và, từ những gì đã xảy ra, từ phản ứng khen, chê gần như ngay lập tức của cộng đồng với mỗi hành động của người nổi tiếng, không chỉ các nghệ sĩ mà mỗi người trong chúng ta có cơ hội tự rút ra bài học cho riêng mình, từ đó hình thành lối ứng xử thể hiện trách nhiệm công dân một cách đúng đắn.

 
Các tin tức khác

Tự hào chiến sĩ Điện Biên

16/04/2024 - 29 lượt xem
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020