Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mê Linh tổ chức phản biện vào dự thảo Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo cho lao động huyện giai đoạn 2021 – 2025.

12/12/2020 - 04:36 PM

Sáng ngày 11/12/2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mê Linh tổ chức hội nghị phản biện vào dự thảo Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo cho lao động huyện Mê Linh giai đoạn 2021 – 2025 của UBND huyện. Dự hội nghị có các đồng chí: Chu Thị Hậu – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; Nguyễn Thị Hoa – Phó Trưởng Phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; đại diện lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND huyện, các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện; các đồng chí chuyên gia trên các lĩnh vực; các đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn.

     Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Thị Hoa –  Phó Trưởng Phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện trình bày nội dung cơ bản dự thảo Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo cho lao động huyện giai đoạn 2021 – 2025, trong đó nhấn mạnh: Huyện Mê Linh đang trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, đòi hỏi cơ cấu lao động hợp lý và không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Điều đó đặt ra yêu cầu phải làm tốt công tác đào tạo bồi dưỡng, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn đóng một vai trò quan trọng, góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2015-2020, toàn huyện có 5.000 lao động được đào tạo nghề. Sau khi được đào tạo nghề, có 4.250 học viên có việc làm hoặc tự tạo được việc làm, đạt tỷ lệ 85%. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện Mê Linh vẫn còn một số bất cập, hạn chế như: Tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ từ sơ cấp trở lên còn thấp (28,3%); cơ cấu lao động trong các ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp chiếm tỷ trọng cao 54%, các ngành Công nghiệp - Xây dựng và ngành Thương mại - Dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa làm diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm dần, một bộ phận lao động chuyển đổi từ nông nghiệp, chưa qua đào tạo gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi nghề nhất là lao động lớn tuổi ở nông thôn. Chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp nên một bộ phận học viên sau khi học nghề xong không tìm được việc làm hoặc có việc làm nhưng không đúng nghề được đào tạo... Thời gian tới, công tác đào tạo nghề vừa phải gắn với giải quyết việc làm, vừa phải góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đề đạt được các mục tiêu đó, việc xây dựng Đề án “Đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo cho lao động huyện Mê Linh giai đoạn 2021-2025” là rất cần thiết. Mục tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động giai đoạn 2021 – 2025:  Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo là 75% – 80%. Trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề có việc làm tối thiểu đạt 85 %; tỷ lệ lao động tham gia BHXH bắt buộc 45% và BH thất nghiệp 35%; cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Thành phố; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng cây nông nghiệp hàng năm bình quân đạt 205 triệu đồng/ha; Thu nhập bình quân/ đầu người đạt 65 triệu đồng. Đối tượng đào tạo nghề: Học sinh phổ thông, thanh niên từ 17 -35 tuổi; Người lao động phổ thông chưa qua đào tạo; công nhân chưa đào tạo; những người thất nghiệp; đối tượng 1956; bộ đội hoàn thành nghĩa vụ; Người trong vùng giải tỏa, giải phóng mặt bằng các dự án…Trong đó, ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nghĩa vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, người khuyết tật, hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh. Loại hình đào tạo nghề: Đào tạo nghề trình độ sơ cấp dưới 3 tháng; tập huấn ngắn hạn 10 ngày. Đối tượng giải quyết việc làm: Người đã qua đào tạo; người trong diện chính sách; người bị mất đất cho các dự án và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; người thất nghiệp. Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm: Mức hỗ trợ học phí, tiền ăn, chi phí đi lại và phương thức hỗ trợ được thực hiện theo quy định pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Trung ương và thành phố Hà Nội.
Đồng chí Chu Thị Hậu – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phát biểu tại hội nghị
         Hội nghị đã có 13 ý kiến phát biểu thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu dự hội nghị phản biện, các ý kiến đều đồng tình với việc xây dựng Đề án và tham gia đóng góp vào một số vấn đề về bố cục của đề án, tính cần thiết của đề án, thực trạng về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo cho lao động trên địa bàn huyện, nội dung của đề án. Đề án có tính nhân văn cao, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện, đồng thời kiến nghị Đề án sớm được thông qua tại kỳ họp HĐND huyện tháng 12/2020.
         Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chu Thị Hậu  – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện thay mặt Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mê Linh  tiếp thu toàn bộ ý kiến phản biện của các đại biểu dự hội nghị, đồng thời tổng hợp gửi UBND huyện để nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện dự thảo Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo cho lao động huyện Mê Linh giai đoạn 2021 – 2025.
       
                                                                                      Lê Đình Khoát

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020