Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mê Linh tổ chức phản biện vào dự thảo Đề án tăng cường công tác quản lý và chỉnh trang nghĩa trang nhân dân hiện có trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025

15/12/2020 - 04:30 PM

Chiều ngày14/12/2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mê Linh tổ chức hội nghị phản biện vào dự thảo Đề án tăng cường công tác quản lý và chỉnh trang nghĩa trang nhân dân hiện có trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025 của UBND huyện. Dự hội nghị có các đồng chí: Hoàng Văn Tân – Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; Nguyễn Văn Thanh – Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; đại diện lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND huyện, các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện; các đồng chí chuyên gia trên các lĩnh vực; các đồng chí  lãnh đạo UBND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn.

Đồng chí Hoàng Văn Tân – UVTV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Văn Thanh –  Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện trình bày nội dung cơ bản dự thảo Đề án tăng cường công tác quản lý và chỉnh trang nghĩa trang nhân dân hiện có trên địa bàn  huyện giai đoạn 2021 – 2025, trong đó nhấn mạnh: Huyện Mê Linh với tổng diện tích đất nghĩa trang hiện tại khoảng 112,36 ha (chiếm tỷ lệ 0,79%). Các nghĩa trang được hình thành trên cơ sở tổ chức điểm dân cư nông thôn, nằm rải rác ở hầu hết các xã, hình thức chôn cất chủ yếu: hung táng, cát táng. Ngoài ra, trên địa bàn Huyện có nghĩa trang tập trung quy mô tương đối lớn là nghĩa trang Thanh Tước quy mô 7 ha đã hết chỗ
Có thể thấy rằng tình hình chung trong công tác xây dựng, quản lý sử dụng nghĩa trang chưa có các quy định và hướng dẫn cụ thể nên còn nhiều tồn tại. Nhiều nghĩa trang nằm sát khu dân cư hoặc nguồn nước sinh hoạt của nhân dân gây ô nhiễm môi trường, đa phần huyệt mộ được đào sâu 1,5 – 1,8m, không có giải pháp cách ly sự phân hủy của thi thể gây ô nhiễm nguồn nước, đất và có nguy cơ cao về dịch bệnh.
Những nghĩa trang nhỏ lẻ nằm rải rác giữa cánh đồng vừa gây khó khăn cho việc phân vùng sản xuất nông nghiệp, vừa tạo nơi trú ngụ của chuột bọ phá hoại lúa, hoa màu, làm giảm năng xuất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Do quản lý không tốt nên nhiều khu hung táng đan xen với khu cát táng, việc xây cất tại nghĩa trang mỗi nhà một kiểu, có những ngôi mộ xây tốn  50 - 70 triệu đồng, đặc biệt có ngôi mộ tổ đến hàng trăm triệu đồng, rộng hàng trăm mét vuông, vừa lãng phí tiền của, đất đai, vừa gây tâm lý đua tranh không tốt ở nông thôn. Tính đến nay, trải qua hơn 7 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Mê Linh đạt được nhiều kết quả khả quan với 14/16 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới theo mục tiêu: sản xuất phát triển, đời sống sung túc, diện mạo sạch đẹp, làng xóm văn minh, quản lý dân chủ. Do đó, việc xây dựng, thực hiện đề án Tăng cường công tác quản lý và chỉnh trang nghĩa trang nhân dân hiện có trên địa bàn huyện Mê Linh, giai đoạn 2021-2025 là rất cần thiết.
Mục tiêu của Đề án: Nghĩa trang phải có tường, rào, trồng cây xanh bao quanh để có cảnh quan, khuôn viên riêng biệt; tạo sự ngăn cách với đất nông nghiệp; trước mắt có điểm thu gom và xử lý (đốt tại nghĩa trang) chất thải rắn như gỗ quan tài, các vật dụng của người quá cố và tiến tới có hệ thống thu gom xử lý nước thải. Việc an táng người qua đời phải phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa, nếp sống văn minh hiện đại và được thực hiện trong các nghĩa trang, trường hợp an táng trong các khuôn viên nhà thờ, nhà chùa, thánh thất tôn giáo phải bảo đảm vệ sinh môi trường và được sự chấp thuận của chính quyền địa phương theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh. Nghĩa trang mới phải được quy hoạch chi tiết, phân khu rõ ràng, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, tạo sự ngăn cách với đất nông nghiệp, có trồng cây xanh cách ly; trước mắt có điểm thu gom và xử lý (đốt tại nghĩa trang) chất thải rắn như gỗ quan tài, các vật dụng của người quá cố và tiến tới có hệ thống thu gom xử lý nước thải. Khuyến khích quy hoạch các nghĩa trang tập trung phục vụ cho nhiều địa phương khác nhau và các nghĩa trang có sử dụng hình thức an táng mới văn minh, hiện đại nhằm tiết kiệm đất, kinh phí xây dựng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Kinh phí đầu tư xây dựng, cải tạo các hạng mục trong nghĩa trang như: Nhà tiếp linh, tường phân cách, tường rào, thoát nước, lò đốt vàng mã, rác thải, cây xanh, cải tạo đất… dự kiến khoảng 11 tỷ đồng. Dự kiến năm 2021
là 6 tỷ đồng.
Hội nghị đã có 10 ý kiến phát biểu thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu dự hội nghị phản biện, các ý kiến đều đồng tình với việc xây dựng Đề án và tham gia đóng góp vào một số vấn đề về bố cục của đề án, tính cần thiết của đề án, hiện trạng công tác quản lý, sử dụng nghĩa trang nhân dân trên địa bàn huyện, hạn chế và nguyên nhân, mục tiêu, yêu cầu của đề án, hình thức táng, phân khu táng, kiến trúc, kích thước ngôi mộ, mật độ sử dụng đất nghĩa trang …. Đề án đáp ứng nhu cầu tâm linh trong nhân dân, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện, đồng thời kiến nghị Đề án sớm được thông qua tại kỳ họp HĐND huyện tháng 12/2020.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Hoàng Văn Tân  – Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện thay mặt Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tiếp thu toàn bộ ý kiến phản biện của các đại biểu dự hội nghị, đồng thời tổng hợp gửi UBND huyện để nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện dự thảo Đề án tăng cường công tác quản lý và chỉnh trang nghĩa trang nhân dân hiện có trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025.
          
                                                                                      Lê Đình Khoát

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020