Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức tọa đàm, góp ý, sửa đổi Luật MTTQ Việt Nam.

09/09/2020 - 05:18 PM
Sáng ngày 9/9/2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức tọa đàm, góp ý, sửa đổi Luật MTTQ Việt Nam. Chủ trì hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội: Đàm Văn Huân, Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Sỹ Trường. Cùng dự có: đại diện các Sở, Ban, ngành TP; Ban chủ nhiệm các Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã và đại diện Ban công tác Mặt trận của cơ sở.
Luật MTTQ Việt Nam hiện hành được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 9 ngày 9/6/2015, được Chủ tịch nước công bố ngày 23/6/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.
Qua 5 năm triển khai thi hành Luật MTTQ Việt Nam, các cấp chính quyền, MTTQ và Nhân dân Thủ đô đã tích cực chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân;  nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về MTTQ Việt Nam, về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong thời kỳ đổi mới, thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình trong công tác Mặt trận.
Công tác vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp Nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà ước được tăng cường, có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức tổ chức. Mối quan hệ giữa Mặt trận với chính quyền, các tổ chức thành viên và các cơ quan hữu quan ngày càng gắn bó, chặt chẽ, hiệu quả…Mặt trận các cấp ở TP đã thể hiện rõ vai trò của tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, mang tính Nhân dân sâu sắc, là hình ảnh tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân. Các hoạt động của Mặt trận đã hướng mạnh về cơ sở, lấy khu dân cư, tổ dân phố, thôn, làng làm địa bàn quan trọng để tổ chức hoạt động… MTTQ Việt Nam các cấp TP Hà Nội đã tích cực chủ động hơn trong việc tham gia giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị…
Tuy nhiên, trải qua 5 năm thi hành Luật MTTQ Việt Nam cho thấy, việc triển khai thực hiện Luật còn một số hạn chế, tồn tại như: Công tác quán triệt, tuyên truyền Luật MTTQ còn chưa thường xuyên, sâu rộng; Chế độ chính sách đối với cán bộ Mặt trận các cấp có lúc, có nơi còn chưa được đầy đủ, nhất là cấp xã; Việc luân chuyển cán bộ MTTQ ở một số nơi còn chưa xuất phát từ yêu cầu thực tế. Cùng với đó, công tác phối hợp giữa chính quyền và các tổ chức thành viên với MTTQ ở một số nơi còn chưa chặt chẽ, thường xuyên nhất là trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội… Ngoài ra, nội dung hoạt động công tác của MTTQ trong những năm qua cũng bộc lộ những vấn đề như: Hoạt động dàn trải, có những nội dung chồng chéo, hình thức, nặng về hoạt động bề nổi. Việc triển khai một số nội dung  có lúc, có nơi chưa đều, có những hoạt động kết quả đạt được còn thấp như công tác phòng chống tham nhũng, tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo…
Tại buổi tọa đàm, các ý kiến đã tập trung đề cập đến những bất cập, tính thực tiễn của những quy định trong Luật MTTQ Việt Nam về vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam; về tổ chức hoạt động của MTTQ; mối quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với Đảng, Nhà nước, các tổ chức và nhân dân trong thực tiễn; những nội dung cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế…
Ông Phạm Lợi – nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn văn hóa xã hội Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội.
Các đại biểu cũng đề cập đến mối quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với Đảng, Nhà nước, các tổ chức và Nhân dân trong thực tiễn: Vai trò hạt nhân của Đảng trong tổ chức MTTQ; sự phối hợp giữa MTTQ với Nhà nước, các tổ chức thành viên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật; trong giải quyết những vấn đề bức xúc, xã hội quan tâm.
Từ thực tế đó, các đại biểu đề nghị bổ sung thêm một khoản về “Quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với Đảng Cộng sản Việt Nam để làm rõ thêm những vấn đề thuộc về nguyên tắc quan hệ. Sở dĩ như vậy vì Đảng Cộng sản Việt Nam là một chủ thể đặc biệt đã được quy định tại Điều 4 Hiến pháp. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là một tổ chức của lực lượng tinh túy, tiêu biểu nhất trong xã hội, có vai trò rất quan trọng trong cách mạng Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, thành viên đặc biệt của MTTQ Việt Nam… Quy định như vậy sẽ dễ hiểu và làm cơ sở giải quyết những mối trong hệ trong thực tế có hiệu quả tốt hơn
Luật MTTQ Việt Nam cần phải xác định rõ quyền và trách nhiệm của MTTQ trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Muốn tập hợp, đoàn kết nhân dân phải là người đại diện, phải bảo vệ quyền lợi, nếu không tập hợp đoàn kết rộng rãi và đảm bảo được chức năng là đảm bảo sự đồng thuận xã hội mà Hiến pháp đã giao cho MTTQ. Từ đó, có trách nhiệm cho rõ. Nếu không sẽ lẫn lộn giữa quyền và trách nhiệm.
Đề cập đến Điều 22 trong Luật MTTQ Việt Nam, một số ý kiến cho rằng cần bổ sung thêm một khoản (khoản 3) quy định: “Tại kỳ họp Quốc hội, HĐND, đại diện MTTQ Việt Nam cùng cấp có quyền chất vấn chính quyền, nhà nước cùng cấp về những vấn đề quan trọng liên quan đến quyền và trách nhiệm của cơ quan chính quyền và trách nhiệm của cơ quan chính quyền. Những chất vấn của MTTQ Việt Nam phải được xem xét, giải quyết, trả lời theo quy định của luật”.
Các ý kiến đề nghị khôi phục, bổ sung việc MTTQ Việt Nam lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn. Vấn đề này cần được xem xét nghiêm túc, sửa đổi đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đàm Văn Huân – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội ghi nhận những đóng góp tâm huyết của các đại biểu và sẽ tổng hợp đầy đủ gửi cơ quan chức năng./.
Nguyễn Thị Thanh Vân

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020