Góp ý kiến về Dự thảo Luật đất đai sửa đổi: Đặt lợi ích của dân lên hàng đầu

14/03/2013 - 12:00 AM
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại Hội nghị

Chưa rõ trách nhiệm cơ quan quản lý
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng Dự thảo Luật đất đai sửa đổi có nhiều điểm tích cực, phù hợp với thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết, PGS. TS Nguyễn Đức Khiển, nguyên Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Hà Nội, cho rằng: “tại chương V, tại sao việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất chỉ quy định đối với cấp huyện. Các cấp trên cấp huyện thì có gì ràng buộc…?” Ông Khiển dẫn chứng, theo báo cáo của Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội thì thời gian qua chúng ta đã cho thuê hơn 200.000 ha đất thời gian dài, giá rẻ mạt trong khi đó nhân dân không có đất canh tác tuy nhiên, chưa thấy ai chịu trách nhiệm..? Đồng quan điểm, TS, Bùi Thị Xô, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội đóng góp: “Cần qui định rõ quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và có trách nhiệm thống nhất quản lý đối với đất đai. Theo Bà Xô, thực tế buông lỏng quản lý đất đai xảy ra ở nhiều nơi làm thất thoát tài sản lớn quốc gia, đất là sở hữu của nhà nước mà thực tế nhiều nơi không có người quản lý đích thực. Bà Xô cho rằng“ Cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất có quan hệ chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất. “Thẩm quyền giao đất và thu hồi lại đất chủ yếu là Chủ tịch Tỉnh và Chủ tịch Huyện nhưng mọi chuyện phát sinh như sử sụng đất sai mục đích, lấn chiếm, xây nhà trên đất lưu không, bỏ đất hoang, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.. đều nằm ở cơ sở (xã, phường, thị trấn). Khi dân hỏi thì các cấp chính quyền đùn đẩy cho nhau. Dân bức xúc làm kẽ hở cho kẻ xấu lách luật. Vì vậy, cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã phường cơ sở…” bà Xô chia sẻ.  Còn theo ý kiến ông Bùi Tuấn Khải, Hội chăn nuôi Hà Nội cho rằng: Luật đất đai qui định “đất đai thuộc sở hữu của toàn dân mà Nhà nước là đại diện” trong khi đó Nhà nước gồm 3 khối : Quốc hội, Chính phủ và Tư pháp. Vậy ai là đại diện Nhà nước. Thực tế là Nhà nước ta đã giao cho Quốc hội nhưng Quốc hội lại trao quyền quản lý cho Chính phủ, điều đó dẫn đến một số nơi, một số bộ phận cán bộ lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong công tác quản lý và sử dụng đất đai. Vì vậy tôi đề nghị sửa: “ Quốc hội là đại diện sở hữu về đất đai. Quốc hội giao cho Chính phủ quản lý, phân bổ sử dụng đất đai theo định hướng và giám sát của Quốc hội theo luật định. Chính phủ phân cấp cho UBND các cấp quản lý và phân bổ sử dụng đất tại địa phương theo qui định của luật..”.
Đặt lợi ích người dân lên hàng đầu
Thực tế cho thấy trên 80% các vụ khiếu kiện liên quan đến tranh chấp, bồi thường đất đai khi thu hồi đất và phần lớn thiệt hại thuộc về người dân. Góp ý về vần đề này, Ông Bùi Tuấn Khải đề xuất: Về thu hồi đất nên sửa lại: Nhà nước trưng thu, trưng mua khi thu hồi đất. Trưng thu khi thu hồi đất cho mục đích an ninh, quốc phòng, công trình hạ tầng giao thông, công ích, an sinh xã hội. Trưng mua đối với đất phục vụ công trình kinh tế. Giá đất do nhà nước qui định phù hợp với loại đất, tính chất và hiệu quả sử dụng đất trên nguyên tắc bồi thường để cải thiện và ổn định đời sống của người dân bị thu hồi đất.
Ông Vũ Thành Vĩnh, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật UBMTTQ Thành phố cho rằng, về định giá đất đối với các diện tích thu hồi vì mục đích an ninh, quốc phòng và phúc lợi công cộng, Nhà nước áp dụng hình thức trưng thu, trưng mua theo mức giá do đơn vị chức năng thẩm định, phù hợp với thị trường. Nếu vì mục đích kinh doanh thương mại thì chủ đầu tư phải thỏa thuận với người dân. “Nếu mức giá đưa ra không được trên 2/3 số người trong diện đồng thuận thì người dân có quyền thuê đơn vị khác để thẩm định độc lập. Nếu hai giá đất do hai đơn vị thẩm định khác nhau và không bên nào đồng ý các bên có thể khởi kiện ra tòa án…” ông Vĩnh kiến nghị. Tham gia góp ý kiến , Ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch UB MTTQ Thành phố đề nghị: cần bổ sung vào khoản 4 điều 25 để làm rõ trách nhiệm và sự đảm bảo của Nhà nước đối với người dân vì thu hồi đất sản xuất sẽ được đào tạo nghề và có việc làm, đảm bảo cuộc sống. Bởi vì người bị thu hồi đất sản xuất cũng cần được đào tạo nghề. Mặt khác, sau khi đào tạo nghề họ cần được hỗ trợ đảm bảo có việc làm để sống chứ không thể học xong rồi thất nghiệp vì không thể xin được việc làm ở các doanh nghiệp. “khi thu hồi đất phải đảm bảo 3 việc, một là bồi thường, tái định cư, bố trí việc làm và tạo việc làm. Thêm vào đối tượng mà được Nhà nước đảm bảo về phát triển dịch vụ phải cả những người thuộc diện bị thu hồi đất.. có việc làm để đảm bảo cuộc sống.  Tại hội nghị, các ý kiến cũng cho rằng không nên quy định thời hạn giao đất nếu có thì từ 50 đến 70 năm tùy theo loại đất và mục đích sử dụng đất có như vậy mới khuyến khích được người dân đầu tư sử dụng ổn định lâu dài, có hiệu quả. “Quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ đất trồng lúa và việc giao đất rừng sản xuất có rừng tự nhiên. Đề nghị làm rõ hơn quyền của người dân khi khai hoang lấn biển. Quyền lợi và nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước. Thời gian được khai thác sau khai hoang và khi Nhà nước thu hồi có được hưởng gì không? Tránh tình trạng như vụ Tiên Lãng, Hải Phòng” ông Nguyễn Đức Khiển kiến nghị. Riêng về những quy định liên quan đến cưỡng chế thu hồi đất, các đại biểu cho rằng chỉ thực hiện cưỡng chế thu hồi trong trường hợp sử dụng sai mục đích và vi phạm pháp luật.

Trung Hiếu

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020