Hoạt động của thanh tra nhân dân-Góp phần bảo đảm dân chủ ở cơ sở

12/05/2010 - 12:00 AM

Vai trò ngày càng lớn

Với tư cách là một tổ chức của quần chúng được thành lập ở cấp xã, cơ quan hành chính, sự nghiệp có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại tố cáo của người đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở hoạt động của Thanh tra nhân dân (TTND) đã góp phần phát huy quyền làm chủ của người dân, đảm bảo dân chủ ở cơ sở. Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng ban TTND nhiều nhất cả nước - 577 ban với 4.995 thành viên. Với ưu thế năng động, nhiệt huyết, lại ở tại cơ sở, TTND dễ dàng phát hiện được nhiều vấn đề mâu thuẫn, vướng mắc, các vụ việc vi phạm, từ đó đã góp phần ngăn chặn tiêu cực, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước. Chỉ riêng năm 2009, TTND đã tổ chức 2.792 lượt giám sát các loại quỹ do nhân dân đóng góp, qua đó phát hiện các vụ việc vi phạm, như TTND xã Hạ Mỗ (Đan Phượng) phát hiện 1 vụ thu thủy lợi phí sai quy định, bảo vệ quyền và lợi ích của người dân. Giám sát 4.787 vụ việc liên quan đến lĩnh vực trật tự đô thị, TTND cũng phát hiện nhiều sai phạm. Đáng kể là Ban TTND xã Tô Hiệu (Thường Tín) đã phát hiện, kiến nghị UBND xã xử lý 8/9 vụ lấn chiếm đất công, sử dụng đất sai mục đích, thu hồi 491,7m2 đất.

Với “chiếc gậy” nhà nước giao (theo quy định của Luật Thanh tra), TTND “có mặt” ở nhiều lĩnh vực, từ giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách với người có công, hộ nghèo đến thực hiện pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, cải cách thủ tục hành chính Lực lượng này đã trực tiếp phát hiện 2.714 vụ việc, kiến nghị UBND xã, phường, thị trấn giải quyết 2.153, (những vụ còn lại đang xem xét); ngoài ra còn tham gia hòa giải thành công 3.240 vụ việc mâu thuẫn từ cơ sở (chiếm gần 79%), góp phần giảm vụ việc khiếu kiện đông người, vượt cấp. Cho đến nay, người dân huyện Mê Linh đánh giá cao khả năng “điều tra” của các thanh tra viên sau khi phát hiện và đưa ra ánh sáng hành vi khai khống 40 triệu đồng thiệt hại do đợt mưa lũ cuối năm 2008 gây ra để lấy số tiền hỗ trợ của Nhà nước của một số trưởng thôn, trưởng xóm. Rồi tiếp đó là vụ “bóc mẽ” một trưởng thôn bớt xén số tiền 12 triệu đồng Nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo ăn Tết, hay vụ TTND thị trấn Quang Minh phát hiện và kiến nghị xử lý số tiền 62 triệu đồng do các doanh nghiệp trên địa bàn tài trợ nhưng cán bộ thôn không hạch toán vào sổ sách Số tiền 117 triệu đồng thu hồi cho ngân sách Nhà nước chưa phải là lớn, nhưng điều đáng trân trọng là người dân từ việc chưa biết  TTND là ai nay đã tin tưởng và coi trọng những “người vác tù và hàng tổng” này.

Hoàn thiện cơ chế “toàn dân giám sát”

Cùng với giám sát thực hiện chính sách pháp luật ở cơ sở, việc giải quyết KNTC, quy chế dân chủ ở cơ sở. TTND còn là lực lượng nòng cốt triển khai điểm Nghị quyết liên tịch số 05/2006 của Chính phủ- UBTƯMTTQ Việt Nam và Thông tri số 05 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện quy chế “MTTQ giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”. Ở những đơn vị làm điểm như phường Nguyễn Du (Hai Bà Trưng), một số phường của quận Ba Đình đã đạt được những kết quả bước đầu. Nhân dân đặt nhiều niềm tin ở MTTQ các cấp trong giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư, góp phần tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy vậy, theo Chủ tịch UBMTTQ quận Ba Đình Nguyễn Thị Nga, do Trung ương chưa có sự chỉ đạo rõ ràng, vì vậy việc thực hiện đang có biểu hiện lúng túng, có nơi nhân dân và cán bộ cơ sở ít mặn mà, ngại tham gia đấu tranh, phát hiện các vụ việc. Bên cạnh đó, năng lực của không ít Ban TTND còn yếu; kinh phí bố trí cho hoạt động còn thấp. Ở một số địa phương, TTND còn hoạt động đơn độc, chưa nhận được sự giúp đỡ tích cực của chính quyền và các cơ quan chuyên môn.  Thực tiễn cho thấy, tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến hoạt động chung của địa phương thường diễn ra ở những nơi vai trò của TTND chưa được coi trọng, các mâu thuẫn không được giải quyết ngay từ cơ sở.

Vì vậy, việc hoàn thiện cơ chế “toàn dân giám sát” là điều rất cần thiết để TP Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung có thể thực hiện tốt phương châm dân biết, dân bàn, dân kiểm tra . Trước hết, cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi các Ban TTND hoạt động hiệu quả bằng cách thường xuyên kiện toàn, củng cố bộ máy, tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho các thành viên, bố trí nguồn kinh phí hợp lý đảm bảo hoạt động của TTND; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban TTND, hạn chế các hiện tượng tiêu cực, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại./.

Lê Hương

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020