Huyện Sóc Sơn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

19/08/2015 - 10:55 AM

Thực hiện chương trình phối hợp công tác năm 2015 và kế hoạch về việc tổ chức lấy ý kiến nhân trên địa bàn huyện về Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) (sửa đổi), ngày 14/8/2015 tại hội trường UBND huyện, Ủy ban MTTQ huyện Sóc Sơn phối hợp với HĐND và UBND huyện tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia đóng góp vào Dự thảo BLHS sửa đổi.

Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Tất Thanh - UVTV, Phó Chủ tịch HĐND huyện; Nguyễn Lương Du - UVTV, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy; Phan Văn Vượng - HUV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cùng gần 200 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của huyện và lãnh đạo chủ chốt các xã, thị trấn.

Các đồng chí lãnh đạo HĐND - UBND - UBMTTQ huyện chủ trì hội nghị

Hội nghị đã được nghe đồng chí Nguyễn Tất Thanh quán triệt một số nội dung cơ bản, tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của việc tổ chức lấy ý kiến vào Dự thảo BLHS (sửa đổi).

BLHS ra đời năm 1999 trên cơ sở kế thừa của Luật Hình sự năm 1985 và đã trải qua một số lần sửa đổi. Sau 14 năm thi hành, tình hình nước ta đã có những thay đổi lớn về mọi mặt. Đặc biệt là đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật, chiến lược cải cách tư pháp và chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam... Với những sự thay đổi và phát triển đó, một số quy định của BLHS hiện hành không còn phù hợp với yêu cầu của thực tiễn nhiều loại hình tội phạm mới phát sinh chưa được kịp thời bổ sung hoặc đã được bổ sung nhưng chưa đầy đủ, toàn diện. Những hạn chế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của nền kinh tế cũng như hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Trong quá trình tổng kết việc thi hành BLHS, thực tiễn đó đòi hỏi phải sửa đổi BLHS để giải quyết những tồn tại đặt ra và phù hợp với những quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới.

Thảo luận các ý kiến tại hội nghị, đa số các đại biểu cho rằng, Dự thảo đã thể chế hóa được các quan điểm của Đảng và Nhà nước trong tình hình hiện nay, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, quy định thêm một số tội danh mới phát sinh cũng như loại bỏ các tội danh không còn phù hợp và khắc phục được nhiều hạn chế của BLHS hiện hành...

Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị

Về vấn đề trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân, các đại biểu đồng tình với loại ý kiến thứ nhất, cho rằng việc quy định TNHS của pháp nhân trong BLHS là cần thiết vì tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện diễn ra phức tạp và ngày càng nghiêm trọng đòi hỏi pháp luật phải có những quy định để điều chỉnh; thứ hai, các quy định về xử phạt hành chính đã có nhưng chưa đủ sức răn đe, nhiều tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia chấp nhận nộp phạt để tiếp tục vi phạm; thứ ba, việc quy định xử lý hình sự đối với pháp nhân là xu thế chung của thế giới, cần quy định TNHS của pháp nhân trong BLHS để đảm bảo bình đẳng trong xử lý pháp nhân vi phạm. Về các loại tội danh mà pháp nhân phải chịu TNHS, các ý kiến tán thành với loại ý kiến thứ nhất, đồng tình với 32 tội danh mà pháp nhân phải chịu TNHS được quy định trong dự thảo Bộ luật.

Việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội, các ý kiến tán thành với chủ trương giảm hình phạt tử hình trong BLHS nhằm thể hiện tính nhân đạo, đề cao quyền con người của Đảng và Nhà nước ta, phù hợp với xu hướng quốc tế. Về cơ bản, các ý kiến đồng tình với quy định của Dự thảo hiện nay, tuy nhiên đối với những tội phạm về ma túy đề nghị vẫn giữ hình phạt tử hình để tăng tính răn đe, vì loại tội phạm này có tính nguy hại lớn cho xã hội cũng như mức độ phức tạp ngày càng gia tăng.

Đối với việc chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn, các ý kiến nhất trí với ý kiến thứ nhất, tán thành việc bổ sung cơ chế chuyển đổi từ hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ sang hình phạt tù có thời hạn nhằm khuyến khích người phạm tội tự giác thi hành án; đồng thời là chế tài để thi hành án có hiệu quả hơn, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo sự công bằng giữa các loại tội phạm khác nhau (ví dụ: Người phạm tội trộm cắp tài sản chỉ cần trên 2 triệu đồng thì bị xử lý hình sự, nhưng đối với người phạm tội bị xử phạt hành chính tới 200 triệu đồng mà vì nhiều lý do họ cố tình không chấp hành thi hành án thì hiện tại chúng ta chưa có chế tài để xử lý).

Một vấn đề khác mà đại biểu quan tâm, đó là nhất trí với việc bổ sung như Dự thảo quy định về trường hợp xử lý hình sự đối với người trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng gây ảnh hưởng lớn đến trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống mưu sinh hàng ngày của người dân để nhằm giải quyết những bức xúc của nhân dân trong thời gian vừa qua.

Ngoài ra, hội nghị còn góp ý kiến vào một số vấn đề khác như: Về phạm vi chịu TNHS của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên, hình phạt trục xuất, việc bãi bỏ một số tội phạm và bổ sung một số tội phạm mới, việc quy định biên độ khung hình phạt quá rộng trong một số điều luật của Dự thảo sẽ dẫn đến tiêu cực trong công tác xét xử...

Phát biểu tổng hợp các ý kiến của đại biểu, thay mặt đoàn chủ trì hội nghị, đồng chí Nguyễn Tất Thanh đã hoan nghênh những ý kiến đóng góp của các đại biểu và cho rằng, các ý kiến đã thể hiện sự hiểu biết, độ sắc bén, khái quát cao và tinh thần xây dựng pháp luật. HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ huyện xin tiếp thu các ý kiến để tổng hợp báo cáo TP; đồng thời đề nghị các cơ quan, đơn vị  tiếp tục tổ chức lấy ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện đến hết ngày 31/8 về Dự thảo Bộ luật Hình sự./.

Ủy ban MTTQ huyện Sóc Sơn

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020