MTTQ VIỆT NAM TP HÀ NỘI THAM GIA Ý KIẾN VÀO DỰ THẢO: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; Tờ trình quy định về mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập của Hà Nội năm học 2

20/07/2016 - 09:28 AM

Thực hiện quy chế phối hợp phản biện xã hội (PBXH) giữa HĐND- UBND- Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2, HĐND TP khóa XV, trong 02 ngày 18 và 19/7/2016, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tổ chức 02 hội nghị PBXH, tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo ‘’Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020’’; dự thảo Tờ trình ‘’Quy định về mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của TP Hà Nội từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021’’. Đến dự có các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia, thành viên các Hội đồng tư vấn của Mặt trận TP; đại diện UBND, HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; đại diện lãnh đạo các sở, ngành TP; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ một số quận, huyện. Các đồng chí: Vũ Hồng Khanh-Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; Bùi Anh Tuấn-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội chủ trì hội nghị.

*Cần đánh giá một cách sâu sắc, khách quan, để nhân dân ‘’tâm phục, khẩu phục’’

Đánh giá về dự thảo ‘’Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 của UBND TP Hà Nội’’ chuẩn bị trình kỳ họp thứ 2, HĐND TP khóa XV, T.S Đinh Hạnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa-Xã hội của Mặt trận TP nhận định: Đọc qua dự thảo ‘’Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 của TP Hà Nội’’, người xem cảm thấy vui mừng, phấn chấn trước những thành tựu về kinh tế-xã hội mà TP đạt được. Tuy nhiên, tính phê bình, tự phê bình trong báo cáo chưa cao; có nhiều nhận định về thiếu sót, khuyết điểm mang tính trìu tượng; nguyên nhân chủ quan của các tồn tại và hạn chế cũng chưa được đánh gía đúng mức. Thực tế, người dân Thủ đô vẫn còn nhiều băn khăn, lo lắng và rất cần báo cáo nêu rõ về những vấn đề kinh tế cơ bản, như: Lao động, việc làm, tiền lương, đời sống, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, chống ách tắc giao thông, úng ngập, trật tự an toàn xã hội, giải quyết khiếu kiện, cải cách hành, kết quả phòng chống tham nhũng…Những vấn đề này, TS Đinh Hạnh đề nghị cần có sự đánh giá một cách sâu sắc, khách quan thì dân mới tin tưởng, ‘’tâm phục, khẩu phục’’.

Đồng tình với đánh giá đó, ông Phạm Lợi-nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Văn hóa-Xã hội của Mặt trận TP đề nghị, trong khi khẳng định những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội TP 5 năm qua, cần làm rõ những hạn chế, yếu kém, làm căn cứ quan trọng để đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm vụ 5 năm 2016-2020. Cụ thể: Kinh tế phát triển nhưng chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp. Đây là vấn đề mà từ Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XV đến Đại hội lần thứ XVI đã chỉ rõ. Tổ chức quản lý đô thị, đất đai, giao thông, môi trường…còn nhiều yếu kém, bất cập, đang là những vấn đề bức xúc trong nhân dân. Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch-văn minh chưa đáp ứng yêu cầu và vị thế của Thủ đô.

Ông Phạm Lợi-nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Văn hóa-Xã hội của Mặt trận TP phát biểu tại hội nghị

Bổ sung cho nhận định trên, theo ông Phạm Ngọc Thảo-nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ-Pháp luật của Mặt trận TP, UBND TP cần xem xét, đánh giá kỹ hơn những yếu kém của chính quyền các cấp trong quản lý, điều hành kinh tế-xã hội, nhất là trong quản lý đất đai, ngân sách, trật tự xây dựng, giao thông đô thị…Đây là những vấn đề trong những năm qua có rất nhiều vụ việc nổi cộm. Ông Phạm Ngọc Thảo cũng đề nghị TP cần đánh giá rõ hơn hiệu qủa sử dụng ngân sách, nguồn vốn đầu tư…Đồng thời, đánh giá rõ hơn về kết quả kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền các cấp, có so sánh đối chiếu với chủ trương tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, điều hành gắn với kết quả cải cách hành chính (CCHC)…

* Tập trung xây dựng, củng cố bộ máy chính quyền các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả

Đồng tình với ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các vị nguyên là lãnh đạo Thành ủy, UBND, Ủy ban MTTQ TP, các đại biểu dự hội nghị đã đề xuất UBND TP cần bổ sung vào báo cáo một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội TP 5 năm tiếp theo, tập trung vào vấn đề quản lý Nhà nước, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đó là, tập trung xây dựng, củng cố, chân chỉnh bộ máy chính quyền và cơ quan chức năng các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức vững vàng về tư tưởng chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có ý thức tôn trọng và yêu quý nhân dân, tận tụy với công việc; tiếp tục đẩy mạnh CCHC, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương , ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của cơ quan chính quyền và cơ quan chức năng các cấp; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.

Các đại biểu cùng đề nghị TP có thêm giải pháp: Phát huy dân chủ, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; phối hợp, tạo điều kiện để MTTQ, các tổ chức thành viên của Mặt trận và nhân dân tham gia giám sát việc chấp hành pháp luật, thực thi công vụ của UBND, các sở, ngành TP, các tổ chức, cá nhân theo Pháp lệnh 34, Luật MTTQ Việt nam và Quyết định 217 của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, đề cao vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế-phát triển Thủ đô, để ‘’văn hóa soi đường cho quốc dân đi’’.

* Tăng học phí phải đi đôi với nâng cao chất lượng giáo dục

Đó là kết luận của đồng chí Vũ Hồng Khanh-Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tại hội nghị PBXH góp ý kiến vào dự thảo Tờ trình ‘’Quy định về mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của TP Hà Nội từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021’’.

Cơ bản nhất trí với đề xuất tờ trình của Sở Giáo dục-Đào tạo về mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của TP Hà Nội từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021, các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia và cán bộ lãnh đạo Mặt trận các cấp TP Hà Nội cho rằng, dự thảo tờ trình phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách, chính sách của Đảng, Nhà nước và Nghị định của Chính phủ nhằm phát triển giáo dục-đào tạo, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách TP. Các đại biểu cùng đồng ý với đề xuất tăng học phí, song  đề nghị phải có lộ trình cụ thể và các cơ sở giáo dục phải công khai, minh bạch mức thu, hạn chế các nguồn thu và nhất là phải đi đôi với nâng cao chất lượng giáo dục.

Đây chính là những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ, đại diện cho tiếng nói của nhân dân, rất cần được bổ sung, hoàn thiện để báo cáo trình HĐND TP sát với thực tế, đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô./.

Đồng chí Vũ Hồng Khanh-Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội

                                                                             Thúy Mai, Ảnh: Lê Phương

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020