Ủy ban MTTQ huyện Gia Lâm tổ chức hội nghị phản biện xã hội về kế hoạch “đầu tư công trung hạn 5 năm (2016-2020)” trên địa bàn huyện

20/07/2015 - 08:14 AM

Sáng 17/7, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Gia Lâm tổ chức hội nghị phản biện xã hội (PBXH) về kế hoạch “đầu tư công trung hạn 5 năm (2016-2020)” trên địa bàn huyện. Tham dự có các thành viên Ban tư vấn Pháp luật và Ban tư vấn Kinh tế- Văn hóa xã hội của Ủy ban MTTQ huyện; đại diện lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện; Chủ tịch Ủy ban MTTQ 22 xã, thị trấn trên địa bàn.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2011-2015 và đóng góp ý kiến vào dự thảo kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2016-2020).

Đ/c Nguyễn Thị Kim Dung-Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu

5 năm qua, mặc dù thu ngân sách trên địa bàn huyện giảm do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế và thị trường bất động sản đóng băng, song với cố gắng cao, huyện Gia Lâm đã đầu tư xây dựng 16 trụ sở UBND xã, thị trấn, 39 trường học, cải tạo, chống xuống cấp 23 trường, xây 142 nhà văn hóa; xây dựng 98 km đường giao thông; cải tạo, nâng cấp 124,8 km kênh mương …với tổng kinh phí đầu tư 2.482 tỷ 600 triệu đồng, đạt 81,1% kế hoạch. Theo kế hoạch 5 năm (2016-2020) toàn huyện sẽ thực hiện 403 dự án với tổng mức đầu tư 18.067.837 triệu đồng; trong đó nguồn vốn TP đầu tư là 13.323.794 triệu đồng với 112 dự án, 291 dự án còn lại nguồn vốn đầu tư từ huyện.

11 ý kiến phát biểu tại hội nghị đều cho rằng đầu tư công giai đoạn 2011-2015 tuy có nhiều cố gắng song, vẫn còn nhiều hạn chế như việc thực hiện kế hoạch đầu tư còn chậm, mang tính dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm; đặc biệt là việc xây dựng các trường học, tu sửa, nâng cấp các thiết chế văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu, việc đầu tư cho phát triển nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Chất lượng các công trình cũng chưa đảm bảo.

Về kế hoạch đầu tư công 5 năm tới, hầu hết các ý kiến đồng tình với dự thảo của huyện, song, đề nghị cần điều chỉnh về thời gian thực hiện các dự án nhằm đảm bảo sự phù hợp với yêu cầu và tính cấp thiết trong sử dụng của từng địa phương. Trong đó, cần ưu tiên đầu tư theo thứ tự: Xây dựng trường mầm non, giao thông nông thôn; ưu tiên vốn cho phát triển nông nghiệp như xây dựng các vùng chuyên canh, cứng hóa kênh mương, giao thông nội đồng, đưa điện ra đồng; việc nâng cấp, tu bổ các di tích lịch sử đã xuống cấp cần đi đôi với việc đầu tư các trang thiết bị cho các Nhà văn hóa…Bên cạnh đó, huyện cũng cần kiến nghị với ngành chức năng TP đặc biệt quan tâm việc cung cấp nước sạch cho 5 xã còn lại trên địa bàn huyện. Một số ý kiến cũng đề nghị huyện đẩy thời gian đấu giá đất kẹt lên giai đoạn đầu để tăng nguồn thu ngân sách tạo thuận lợi cho việc thực hiện sớm các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu dân sinh trên địa bàn./.

Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện, đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung - UVTV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cảm ơn và tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu. Toàn bộ ý kiến đóng góp, PBXH sẽ được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện tổng hợp, gửi đến UBND huyện để xem xét, chỉnh sửa cho phù hợp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng trên địa bàn huyện./.

Minh Liễu - Ủy ban MTTQ huyện Gia Lâm


Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020