Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố Hà Nội

07/09/2021 - 06:37 PM
Để chuẩn bị nội dung phục vụ kỳ họp HĐND Thành phố sắp tới, căn cứ theo đề nghị của UBND Thành phố tại Công văn số 2056 ngày 30/6/2021 về việc xin ý kiến phản biện xã hội đối với nội dung Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sáng ngày 07/9/2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án nêu trên
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Lan Hương – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; Phạm Quý Tiên – Phó Chủ tịch HĐND Thành phố; Dương Đức Tuấn – Phó Chủ tịch UBND Thành phố; các đồng chí: đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy; đại diện lãnh đạo các Ban HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND, Văn phòng UBND Thành phố; đại diện lãnh đạo các Tổ chức chính trị - xã hội Thành phố; đại diện lãnh đạo các Sở: Xây dựng, Quy hoạch – Kiến trúc, Tài chính, Tư pháp; Các đồng chí trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; Ban Chủ nhiệm và một số thành viên các Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố; đại diện lãnh đạo UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy;
 
Ông Đinh Hạnh, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế phát biểu


Ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật phát biểu
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện sở Xây dựng Thành phố trình bày và giải trình về một số nội dung cơ bản trong dự thảo Đề án và 9 ý kiến phát biểu thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu dự hội nghị, đồng thời nghe giải trình về một số nội dung của dự thảo Đề án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Các đại biểu đều nhất trí việc UBND Thành phố tham mưu xây dựng Đề án là rất cần thiết, bởi các chung cư cũ được xây dựng từ những năm 1960 đến năm 1994, qua nhiều thập kỷ, hầu hết chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng; qua quá trình sử dụng, sửa chữa cơi nới tự phát, chung cư cũ và hạ tầng kèm theo đã bị biến đổi cấu trúc, hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản nhân dân. Thực tiễn trên đòi hỏi cần cấp thiết hoàn thành công tác kiểm định, đánh giá chất lượng chung cư cũ, di chuyển người dân tại chung cư nguy hiểm, hư hỏng nặng đến nơi ở tạm cư để đảm bảo an toàn, đồng thời cần phải có kế hoạch triển khai đồng bộ quy hoạch, đầu tư xây dựng lại, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị khu vực chung cư cũ, nhằm nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phục vụ tái định cư, làm thay đổi nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao giá trị kiến trúc cảnh quan, hướng tới đô thị xanh, văn minh hiện đại, bền vững, đáp ứng được yêu cầu phát triển mới.
Tuy nhiên, các đại biểu còn băn khoăn: quy định tỷ lệ đồng thuận của người dân để triển khai dự án còn chung chung khi tỷ lệ này trước đây đã ảnh hưởng rất lớn tới việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; hệ số K quy định tại Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính Phủ thấp hơn hệ số K đã được áp dụng tại một số dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố (N1 Nguyễn Công Trứ: 2,1), vì vậy cần căn cứ Luật Thủ đô để có cơ sở áp hệ số K cao hơn trong Nghị định 69, đồng thời cần có nguyên tắc để áp dụng hệ số K. Thành phố cần đánh giá thực năng lực của Chủ đầu tư khi được giao triển khai thực hiện để việc thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, cùng với đó cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư thực hiện dự án….
 
Đồng chí Nguyễn Lan Hương – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phát biểu
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Lan Hương – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng: Công tác chuẩn bị, xây dựng Đề án của UBND Thành phố rất công phu, có tính kế thừa, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Thành phố; bố cục của Đề án cần bổ sung thêm phần phụ lục. Đồng chí Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh: Đây là một vấn đề cấp thiết, cấp bách và sẽ nhận được sự đồng thuận của người dân khi Đề án được ban hành và triển khai thực hiện. Cơ sở pháp lý và căn cứ khác của Đề án cần thể hiện rõ định hướng phát triển Thủ đô của nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, trong đó có tầm nhìn đến năm 2045, các chương trình, nghị quyết của Thành ủy. Về quan điểm mục tiêu cần nhấn mạnh yếu tố người dân để giải quyết hài hòa mối quan hệ về lợi ích, quyền và trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân và cộng đồng. Đề án cần vận dụng Luật thủ đô để có cơ chế chính sách, cơ chế vận hành phù hợp với điều kiện của Thủ đô. Cùng với việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ cần gắn với công tác bảo tồn di sản, tái thiết đô thị nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cơ quan soạn thảo Đề án cần tổng rà soát về kết cấu, dân số, hạ tầng, kiến trúc. Về tổ chức thực hiện, Đề án cần xác định rõ tiến độ thực hiện, phân công, phân cấp thực hiện cụ thể cả với quận, huyện, đánh giá đúng bối cảnh, tình hình thực hiện. Về giải pháp thực hiện, Đề án cần nêu rõ các giải pháp cụ thể, nhất là về nguồn lực tài chính, cơ chế ưu đãi đối với nhà đầu tư đảm bảo quy định của pháp luật và đảm bảo công khai, minh bạch về chế độ ưu đãi; vai trò của Hội đồng thẩm định trong thực hiện Đề án, công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục người dân của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, công tác giám sát của HĐND, của MTTQ và giám sát trực tiếp của người dân./.
                                                              Từ Ngọc Lâm, ảnh Thanh Hải

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020