Sáng 13-5, tàu Trung Quốc đã lao vào đâm móp tàu 4032 của Cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ trong vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trực thăng B.7112 của Trung Quốc bay vòng phía trên tàu CSB 8003 và Trường Sa 22 của Việt Nam với độ cao 250 - 300m. Tàu 3401 của Trung Quốc đi vòng bao vây và hăm dọa, theo sau tàu này là nhiều tàu khác dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam…
Đây là những thông tin mới nhất về các hành động hung hăng của phía Trung Quốc trong 24h qua. Việc tiếp tục đẩy mạnh những hành vi phi pháp, thái độ bất chấp công lý, đạo nghĩa của Trung Quốc đã lộ rõ âm mưu thực thi cái gọi là "lợi ích cốt lõi", không dựa trên bất kỳ căn cứ luật pháp nào tại Biển Đông mà Bắc Kinh vẫn tuyên bố.
|
Tàu và máy bay Trung Quốc cản trở lực lượng cảnh sát biển Việt Nam thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Ảnh: Reuters |
Vẫn biết rằng đối với một quốc gia, lợi ích dân tộc là cao nhất và không thể thỏa hiệp. Song, mục tiêu cao quý ấy phải được xây dựng trên các cơ sở luật pháp quốc tế, chịu sự ràng buộc của những thỏa thuận song phương và đa phương, trên tinh thần tôn trọng chủ quyền và độc lập dân tộc của các quốc gia khác. Là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), cơ quan cao nhất có trách nhiệm gìn giữ hòa bình trên thế giới, Trung Quốc ắt phải hiểu rõ lý lẽ này. Vì vậy, khi Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh những hành động bạo lực nhằm uy hiếp để thực hiện những đòi hỏi vô lý về lãnh thổ, lãnh hải để trả lời cho đề nghị giải quyết vấn đề thông qua đối thoại của Việt Nam là đã phụ bạc niềm tin mà cộng đồng quốc tế trao cho một thành viên có quyền "cầm cân, nảy mực" của HĐBA LHQ. Không những thế, những tuyên bố vu khống trắng trợn rằng Việt Nam đã tấn công tàu Trung Quốc, rằng Trung Quốc đang thực hiện thăm dò trên vùng biển thuộc chủ quyền nước này mà những người có trách nhiệm tại Bắc Kinh liên tục đưa ra đã xói mòn nghiêm trọng sự tin tưởng của người dân Việt Nam, của cộng đồng khu vực và quốc tế đối với các cam kết mà Trung Quốc đã tự nguyện đặt bút ký. Phó Giáo sư Wei Min thuộc Viện Nghiên cứu Á - Phi tại Đại học Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc sẽ là "nạn nhân lớn nhất" nếu như vụ việc này không được giải quyết sớm. Những hành động mang nặng tư tưởng của chủ nghĩa bá quyền đã lỗi thời trong một thế giới đang được vận hành bằng hệ thống luật pháp chặt chẽ cũng không tương xứng với vai trò, vị trí của một cường quốc mới nổi, không phù hợp với tuyên ngôn trỗi dậy hòa bình nhằm thiết lập một hệ thống quan hệ quốc tế công bằng, hài hòa hơn.
Nhưng giấy không bao giờ gói được lửa. Những thủ thuật dù tinh vi tới đâu đều bị bóc trần trước ánh sáng của sự thật. Trung Quốc đã không thể giải thích được câu hỏi của các phóng viên quốc tế rằng tại sao Bắc Kinh phải điều động tới 80 tàu, trong đó có nhiều tàu quân sự tới khu vực hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 nếu vùng biển này thực sự thuộc chủ quyền của họ như tự tuyên bố? Điều đó cũng giống như việc Trung Quốc cho đến nay chưa đưa ra được chứng lý dù là nhỏ nhất để khẳng định tính hợp pháp đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các nhà nghiên cứu khắp thế giới chỉ ra rằng, trong các sách vở, ghi chép, bản đồ của Trung Quốc trong suốt 22 thế kỷ, từ các đời Tần, Hán đến sau Thế chiến thứ II, không thấy tài liệu nào, hay nói rõ hơn, không có câu chữ nào ghi nhận rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc thứ gọi là "chủ quyền lịch sử" của quốc gia đã rất rộng lớn này. Ngược lại, người Trung Quốc có thể dễ dàng tìm lại những thư tịch cổ của chính cha ông họ, công khai thừa nhận chủ quyền của Việt Nam trong việc chiếm hữu, kiểm soát và khai thác vùng Biển Đông nơi tọa lạc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất là từ thế kỷ thứ XVII. Quyền chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo thiêng liêng này cũng đã được khẳng định trong hàng loạt tài liệu do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, nhấn mạnh rằng Việt Nam là quốc gia duy nhất đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục, hòa bình và đúng luật pháp đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Sử sách còn đây nên mọi toan tính nhằm "đánh lận con đen" chỉ làm lộ rõ ý đồ biến vùng biển không tranh chấp theo luật quốc tế thành vùng biển tranh chấp. Qua đó, những nghi vấn về việc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 như một bước đi ngạo ngược nhằm hiện thực hóa yêu sách "đường chín đoạn" mà Trung Quốc tự vẽ ra để thôn tính tới 80% diện tích Biển Đông. Kế hoạch không được LHQ lẫn cộng đồng quốc tế công nhận không chỉ vi phạm trắng trợn vùng biển của Việt Nam mà còn thách thức trực tiếp đến chủ quyền của nhiều quốc gia Đông Nam Á khác lẫn an ninh, tự do hàng hải tại Biển Đông. Việc Trung Quốc tự tiện áp đặt lệnh cấm tàu bè hoạt động 3 hải lý quanh khu vực giàn khoan Haiyang Shiyou - 981, nhưng trên thực tế đã có lúc lên đến 10 hải lý theo thông tin từ lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã gây lo ngại rất lớn cho các quốc gia có tàu bè đi qua khu vực. Do đó, lời cảnh báo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bài phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar rằng "hành động cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông - mối quan tâm chung của ASEAN, của khu vực và thế giới" đã nhận được sự đồng tình của các thành viên ASEAN và dư luận quốc tế. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã nêu đích danh việc Trung Quốc đưa giàn khoan và tàu quân sự vào vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam là "hiếu chiến và đặc biệt gây quan ngại".
Với tính chính thống về luật pháp quốc tế và bằng chứng minh bạch về lịch sử, Việt Nam bác bỏ mọi luận điệu biện hộ cho sự tồn tại của một vùng biển tranh chấp trong vùng đặc quyền kinh tế EEZ 200 hải lý theo Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Khi chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm, Việt Nam chắc chắn sẽ sử dụng mọi biện pháp trong khuôn khổ pháp luật để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Cùng những tiếng nói tôn trọng lẽ phải, hòa bình của bạn bè khắp thế giới, Việt Nam có niềm tin mãnh liệt vào cuộc đấu tranh chính nghĩa của mình và rằng, mọi sự coi thường của các chuẩn mực quốc tế không bao giờ có cơ hội chiến thắng.
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến,Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa,Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Đại biểu Quốc hội Trung Quốc cần có tiếng nói chính nghĩa về Biển Đông
Việc cho hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 là một âm mưu của Trung Quốc để độc chiếm Biển Đông. Từ việc xác định đường lưỡi bò 9 đoạn chiếm trên 80% diện tích Biển Đông; cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam; khủng bố, đe dọa ngư dân Việt Nam hoạt động trên chính ngư trường của chúng ta đến việc hạ đặt giàn khoan này rõ ràng là một loạt hành động có toan tính xâm phạm tới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Hành vi này là ngang ngược, vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là thành viên của công ước này. Đây cũng chính là hành vi ứng xử thiếu văn hóa trong việc thực hiện cam kết của lãnh đạo cấp cao giữa hai nước về "16 chữ vàng" và "4 tốt".
Tại kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIII sắp tới, tôi đề nghị bổ sung vào chương trình nghị sự vấn đề: Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình xảy ra ở Biển Đông trong những ngày qua và những giải pháp của chúng ta. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi kêu gọi các vị đại biểu Quốc hội Trung Quốc và các nghị sĩ trên thế giới có tiếng nói chính nghĩa đối với vấn đề Biển Đông và lên án hành động của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh: Có thể đưa việc Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam lên các cơ quan tài phán quốc tế
Việt Nam hoàn toàn có thể đưa vụ việc Trung Quốc xâm phạm lãnh hải kiện lên các cơ quan tài phán quốc tế; đồng thời thông tin tại các diễn đàn quốc tế, các hội nghị của các tổ chức quốc tế để kêu gọi sự đồng tình của nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Tôi tin rằng nhân dân các nước trên thế giới sẽ luôn bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật quốc tế và họ sẽ ủng hộ Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội: Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam cũng là thách thức đối với nền hòa bình trong khu vực
Trong những ngày qua, người dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và dư luận quốc tế rất quan tâm đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Với tư cách là một người nghiên cứu về biển, tôi thấy đây là một hành động có tính toán kỹ lưỡng của Trung Quốc nhằm gây sức ép với Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực, tiếp tục mở rộng ảnh hưởng, tiến tới độc chiếm Biển Đông. Hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và cũng là hành động vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông mà năm 2002 Trung Quốc đã tham gia ký kết với các quốc gia ASEAN. Hành động này của Trung Quốc không chỉ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn làm tổn hại đến quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, đe dọa trực tiếp đến nền hòa bình, an ninh khu vực, đến việc xây dựng, củng cố lòng tin giữa các quốc gia Đông Á cũng như việc bảo đảm môi trường an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông.
Với tư cách là thành viên gắn bó, có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam đã và đang cố gắng kiềm chế, chủ trương giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Tôi cho rằng, chúng ta cũng cần chuẩn bị những khả năng và sử dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ trọn vẹn chủ quyền trên cơ sở công pháp quốc tế. Tôi cũng tán thành đề nghị của một số nhà nghiên cứu, luật gia... là nếu cần, chúng ta có thể đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để giải quyết. Năm 2011, Trung Quốc đã từng cho tàu xâm lấn, cắt cáp các tàu thăm dò, nghiên cứu khoa học của Việt Nam. Gần đây, họ cũng gây ra nhiều xung đột về chủ quyền trên biển với các nước trong khu vực. Tôi nghĩ, nếu như những xung đột đó tiếp tục mở rộng, sẽ đe dọa nghiêm trọng đến tình hình ổn định, an ninh khu vực. Vì thế, tôi rất hoan nghênh tinh thần, ý thức về cộng đồng trách nhiệm của các vị lãnh đạo và bộ trưởng ngoại giao ASEAN trong tuyên bố vừa qua tại Myanmar. Lãnh đạo và nhân dân các nước ASEAN luôn nhận thức rõ, việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam cũng đồng thời là thách thức đối với nền hòa bình, an ninh chung của các quốc gia Đông Nam Á. Các nước ASEAN không thể hướng tới xây dựng một cộng đồng hòa bình, phát triển ổn định nếu luôn phải đối diện với những thách thức chính trị như hiện nay.
Thiếu tướng Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Biển TP Hồ Chí Minh: Hành động của Trung Quốc ngày càng ngang ngược
Các hành động của Trung Quốc có biểu hiện ngày càng khiêu khích, ngang ngược, ngày càng lấn tới và đi ngược lại thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10-2011; phá hoại tình hữu nghị truyền thống của nhân dân hai nước Việt - Trung, gây thêm mối nghi kị trong lòng người dân, nhất là trong tầng lớp thanh niên hai nước. Tôi cho rằng đến lúc tất cả người Việt Nam yêu nước, các quốc gia ASEAN cần đoàn kết, đồng thuận và mạnh mẽ bày tỏ chính kiến và yêu cầu Trung Quốc tự giác rút hết giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực để giải quyết những bất đồng xung quanh vấn đề này.
Vương Anh - Khánh Vũ - Thanh Luân |