Sáng ngày 14/6/2017, tại Hội trường Tầng III Uỷ ban
MTTQ Thành phố, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Thành phố tổ chức Hội nghị góp ý kiến
phản biện xã hội vào Tờ trình và dự thảo Nghị quyết “Quy định mức thu học phí đối
với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội và mức
thu học phí đối với trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long, trường
Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội năm học 2017 - 2018”.
Tham dự Hội nghị có: đồng chí Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ
tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; đồng chí Nguyễn Đình Đức
– Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; đồng chí Nguyễn Thế Cương
– Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban VH – XH HĐND Thành phố; đại diện lãnh đạo các
sở: Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp Thành phố; các đồng chí trong Ban Thường trực Ủy
ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy, các
Ban, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND Thành phố; Ban chủ nhiệm các HĐTV Ủy ban
MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, các nhà khoa học, chuyên gia; đại diện Ban Thường
trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố. Đồng
chí Nguyễn Đình Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội chủ
trì hội nghị
Tại hội nghị, đồng chí Lê Ngọc Quang – Phó Giám đốc Sở
Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Tờ trình số 54/TTr-UBND ngày 11/5/2017 của UBND
Thành phố về việc Quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục
phổ thông công lập của thành phố Hà Nội và mức thu học phí đối với trường Trung
cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long, trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội
năm học 2017 – 2018. Theo đó, Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND ngày 01/8/2016 của HĐND
Thành phố đã thông qua quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo
dục phổ thông công lập năm học 2016 – 2017 là 80.000 đồng/tháng/học sinh và định
hướng lộ trình đến năm học 2020 – 2021 theo nguyên tắc học phí hàng năm sẽ được
điều chỉnh tăng dần trong khung quy định, đến năm học 2020 – 2021 mức thu học
phí sẽ bằng mức cao nhất trong khung quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số
86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ đối với vùng thành thị, nông thôn
và bằng 50% mức cao nhất trong khung quy định đối với vùng miền núi.
Với mức thu như trên, năm học 2016 – 2017, tổng số thu
từ học phí công lập cấp học mầm non và phổ thông của Thành phố khoảng 475,130 tỷ
đồng, chiếm 5,6% trong tổng số chi (từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách
Nhà nước cấp và nguồn thu học phí); kinh phí ngân sách Nhà nước cấp chi theo định
mức khoảng 8.521,625 tỷ đồng. Như vậy nguồn thu học phí đã hỗ trợ một phần cùng
với ngân sách Nhà nước đáp ứng nhu cầu chi phục vụ dạy và học tại các cơ sở giáo
dục công lập.
Trong năm học 2016 – 2017, tổng số trẻ em học mầm non
và học sinh phổ thông thuộc đối tượng được miễn học phí là 31.258 học sinh,
trong đó thuộc diện hộ nghèo (theo chuẩn nghèo của Thành phố) được miễn học phí
là 28.597 học sinh; Tổng số trẻ em học mầm non và học sinh phổ thông thuộc đối
tượng được giảm học phí là 15.283 học sinh, trong đó thuộc diện hộ cận nghèo
(theo chuẩn cận nghèo của Thành phố) được giảm học phí là 12.439 học sinh. Kinh
phí thực hiện chính sách miễn, giảm học phí dự kiến khoảng 15,751 tỷ đồng.
Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 4 HĐND Thành phố
khoá XV sắp tới, UBND Thành phố lập tờ trình và dự thảo Nghị quyết quy định mức
thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố
Hà nội và mức thu học phí đối với trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng
Long, trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội năm học 2017 – 2018 đề nghị Ủy
ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội góp ý kiến phản biện xã hội trước khi trình
HĐND Thành phố quyết nghị.
Hội nghị đã được nghe 10 ý kiến phát biểu của các
chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu dự hội nghị. Các đại biểu cho rằng việc
nâng mức học phí đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập là rất
cần thiết nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, việc nâng mức học phí nằm
trong khung quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ – CP ngày 02/10/2015 của Chính
phủ, phù hợp với điều kiện kinh tế thu nhập của từng vùng, địa bàn dân cư, đồng
thời cũng phù hợp với khả năng kinh tế của người dân thành phố so với thu nhập
bình quân đầu người/tháng.
Tờ trình và dự thảo nghị quyết đã được cơ quan tham
mưu chuẩn bị chu đáo, bám sát các cơ sở pháp lý và đã đánh giá tình hình thực
hiện thu học phí năm học 2016 – 2017, có số liệu thống kê tương đối đầy đủ về các
đối tượng học sinh ở các cấp học. Tuy nhiên, cần mở rộng diện đối tượng được miễn,
giảm học phí, công khai cơ cấu thu – chi và đặc biệt là sau khi tăng cần loại bỏ
các khoản phụ thu. Đồng thời Nghị quyết cần quy định về cơ chế giám sát và quản
lý thu học phí.
Phát biểu kết luận hội
nghị, đồng chí Nguyễn Đình Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố đề nghị Ban Dân chủ pháp luật Ủy ban MTTQ Thành phố tổng
hợp toàn bộ ý kiến phản biện của các đại biểu dự hội nghị, đồng thời gửi Thường
trực HĐND, UBND Thành phố tiếp thu trình tại kỳ họp thứ 4 HĐND Thành phố khóa
XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021./.
Từ
Ngọc Lâm
Ban
Dân chủ và Pháp luật
Uỷ
ban MTTQ Thành phố
Đồng chí Nguyễn Đình Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt
Nam
thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị
Đ/b Bùi Thị An – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT
Hà Nội cho rằng
nên mở rộng đối tượng thuộc diện miễn, giảm học phí
Đ/b Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý học giáo dục
Hà Nội cho rằng
cần có cơ chế giám sát và quản lý thu học phí