Sáng ngày 24/01/2018, tại Hội trường Tầng III cơ quan
Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức
Hội nghị gặp mặt các vị Hội thẩm Tòa án nhân dân TP Hà Nội đánh giá kết quả hoạt
động Hội thẩm nhân dân năm 2017.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Bùi Anh Tuấn - Phó
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; Lưu Tuấn Dũng – Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP;
đại diện lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND TP, Viện kiểm sát nhân dân TP, Sở Tài chính;
Phí Văn Nghi – Nguyên Chánh án Tòa án quân sự Quân khu Thủ đô, Trưởng Đoàn Hội
thẩm Tòa án Nhân dân TP; các đồng chí trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt
Nam TP, đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn Tòa án nhân dân TP và các vị
thành viên Đoàn Hội thẩm Tòa án nhân dân TP nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Phí
Văn Nghi – Trưởng đoàn Hội thẩm Tòa án nhân dân TP báo cáo kết quả công tác Hội
thẩm Tòa án nhân dân TP năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018. Theo đó,
trong năm 2017, tình hình an ninh chính trị, trật tư an toàn xã hội ở Thủ đô
tuy ổn định, song các loại tội phạm còn diễn biến phức tạp, chưa có chiều hướng
giảm, các loại án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động,
các khiếu kiện hành chính tiếp tục gia tăng và phát sinh trên nhiều lĩnh vực.
Đồng chí Bùi Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP phát biểu tại hội nghị
Nhiều vụ án hình sự trọng điểm, phức tạp, nhạy cảm, được
dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, điển hình như vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm
phạm tội tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên Vận tải Viễn Dương VinaShin; vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm phạm tội
tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái
quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hâu quả nghiêm trọng, vi phạm về
quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; vụ án Đặng Minh
Châu và đồng phạm phạm tôi mua bán trái phép chất ma túy (với gần 1.200 bánh
heroin); vụ án Nguyễn Tiến Dũng và đồng phạm phạm tội mua bán trái phép chất ma
túy (đường dây mua bán ma túy tổng hợp xuyên quốc gia); vụ án Châu Thị Thu Nga
và đồng phạm phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản… các vụ án hình sự đều được
xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không kết án oan người vô
tội và không bỏ lọt tội phạm. Các vụ án lưu động được đưa ra xét xử tại các địa
bàn dân cư, các trường Đại học, cao đẳng… nhằm tuyên truyền, giáo duc pháp luật
trong nhân dân, nhất là đối với học sinh, sinh viên.
Các vụ án dân sự như tranh chấp đất đai, hợp đồng vay
tài sản, nhà cửa, quyền thừa kế, tranh chấp hợp đồng giữa chủ đầu tư, Ban quản
lý và nhân dân trong khu chung cư… có nội dung phức tạp, nhiều vụ án phải tổ chức
phiên tòa nhiều lần song các đương sự vẫn không đồng tình với phán quyết của
Tòa án. Các vụ án hôn nhân gia đình thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân
Thành phố chủ yếu có yếu tố nước ngoài chất lượng xét xử luôn được đảm bảo. Các
khiếu kiện hành chính phát sinh trên nhiều lĩnh vực nhưng chủ yếu trong hoạt động
thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng, với tính chất
ngày càng phức tạp gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, uy tín quản lý của Nhà nước…
Trong năm 2017, 100% Hội thẩm nhân dân đều tham gia Hội
đồng xét xử theo trình tự sơ thẩm, nhiều hội thẩm nhân dân là cán bộ đương chức
nhưng đã sắp xếp bố trí thời gian khoa học để nghiên cứu hồ sơ vụ án khi được
phân công, đồng thời chủ động nghiên cứu hồ sơ, nắm vững nội dung, tính chất của
vụ án, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, đánh giá các chứng cứ chính xác, đảm
bảo tính khách quan, thực hiện theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, phát huy
được nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Các vị Hội thẩm đều cập nhật
các văn bản pháp luật mới, trao đổi kinh nghiệm với nhau để tham gia xét xử. Tại
phiên tòa các Hội thẩm đều tập trung vào phần thẩm vấn và tranh tụng để nghe sự
thực khách quan, đánh giá các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, xem xét các chứng
cứ trong hồ sơ với thực tế tại phiên tòa; đồng thời khi nghị án, các Hội thẩm
cũng đã đưa ra những chính kiến, quan điểm rõ ràng. Bên cạnh đó, nhiều vị Hội
thẩm ở xa, đi lại khó khăn nhưng vẫn tích cực nhiệt tình tham gia xét xử đúng
thời gian, nhất là những vụ án đi xét xử lưu động, không có phiên tòa nào phải
hoãn vì lý do vắng Hội thẩm. Nhiều vụ án hình sự có tính chất đặc biệt nghiêm
trọng, số lượng bị cáo đông, thời gian xét xử dài ngày, các vụ án tranh chấp về
dân sự, kinh doanh thương mại phức tạp, đương sự chống đối phải hoãn phiên tòa
nhiều lần, nhưng với sự nhiệt tình, tâm huyết và có trách nhiệm, các vị Hội thẩm
nhân dân đã làm tốt vai trò của mình. Trong năm 2017, đoàn Hội thẩm nhân dân
Thành phố đã tham gia xét xử 973 vụ án các loại, tăng 386 vụ so với năm 2016;
trong đó: án hình sự sơ thẩm: 564 vụ với 1.381 bị cáo (tăng 77 vụ so với năm
2016), trong đó xét xử lưu động 23 vụ với 28 bị cáo; án dân sự sơ thẩm: 66 vụ
việc (tăng 51 vụ việc so với năm 2016); án hôn nhân gia đình sơ thẩm: 234 vụ
(tăng 187 vụ so vói năm 2016); án kinh doanh thương mại sơ thẩm: 34 vụ việc
(tăng 17 vụ so với năm 2016); án hành chính sơ thẩm: 73 vụ việc (tăng 52 vụ so
với năm 2016); án lao động sơ thẩm: 2 vụ việc.
Tại hội nghị, đã có 7 ý kiến phát biểu làm rõ thêm một
số kết quả hoạt động của Đoàn Hội thẩm Tòa án nhân dân TP trong việc tham gia
xét xử, tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến nghị một số giải pháp để các vị
Hội thẩm hăng hái, nhiệt tình, tận tụy với công việc, hoàn thành chức trách nhiệm
vụ được giao.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bùi Anh Tuấn – Phó Chủ
tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố ghi nhận những kết quả hoạt động của Đoàn Hội
thẩm Tòa án nhân dân Thành phố trong năm 2017 và tiếp thu những góp ý của các đại
biểu. Đồng thời, đồng chí cũng đề nghị Đoàn Hội thẩm Tòa án nhân dân TP tiếp tục
duy trì, đổi mới nâng cao chất lượng để hoạt động của Đoàn Hội thẩm có chất lượng
hơn và tham gia thu thập thông tin, góp ý kiến giúp cho Ban Thường trực Ủy ban
MTTQ Việt Nam TP trong việc giám sát của MTTQ với Tòa án và Viện kiểm sát theo tinh
thần Quyết định số 217 của Bộ Chính trị đã ban hành./.
Từ
Ngọc Lâm