Sáng ngày 16/6/2017, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt
Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị góp ý kiến phản biện xã hội (PBXH) vào Tờ trình
và Dự thảo Nghị quyết về việc thông qua đề án“Tăng cường quản lý phương tiện
giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà
Nội giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2030”.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Vũ Hồng Khanh - Phó
Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy
ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; Nguyễn Ngọc Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy,
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP; Nguyễn Thế Hùng – Thành ủy viên, Phó Chủ tịch
UBND TP; các đồng chí Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt
Nam TP Hà Nội; đại diện lãnh đạo các sở: Giao thông - Vận tải, Tư pháp, Tài
chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Quy hoạch – Kiến trúc Thành phố; đại diện
lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy, các Ban, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND TP; đại
diện lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội TP; Ban Chủ nhiệm các Hội đồng tư
vấn, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; các nhà khoa học, chuyên gia; đại diện Ban
Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã. Đồng chí Vũ Hồng
Khanh-Chủ tịch và đồng chí Nguyễn Đình Đức-Phó Chủ tịch chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, đồng chí Vũ Văn Viện - Thành ủy viên,
Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội đã báo cáo Tờ trình số 53/TTr-UBND ngày
09/6/2017 của UBND TP về Dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án “Tăng cường quản lý
phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa
bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2030”. Theo đó, trong những năm gần
đây, kết cấu hạ tầng giao thông TP Hà Nội đã được quy hoạch và đầu tư theo hướng
đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kết cấu hạ tầng giao thông vẫn
chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, chưa theo kịp được tốc độ phát
triển phương tiện giao thông. Đặc biệt, số điểm ùn tắc giao thông giảm chậm
nhưng thời gian ùn tắc lại có xu hướng kéo dài, xuất hiện ùn tắc vào bất cứ thời
điểm nào khi có sự cố hoặc do thời tiết như mưa to, bão… Bên cạnh đó mật độ
phương tiện giao thông cơ giới hoạt động dày đặc là một nguyên nhân quan trọng
gây ra ô nhiễm môi trường không khí ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhân
dân trên địa bàn Thủ đô.
Trước thực trạng trên, TP đã và đang tiến hành nhiều
giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Trong đó, có các
giải pháp tập trung để tăng cường quản lý đối với các phương tiện giao thông đường
bộ hoạt động trên địa bàn TP như: Quản lý về số lượng, chất lượng, phạm vi hoạt
động của các phương tiện tham gia giao thông; phát triển và nâng cao hiệu quả vận
tải hành khách công cộng; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý…
Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 4, HĐND TP khoá XV
sắp tới, UBND TP lập Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết về việc thông qua đề án “Tăng
cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi
trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2030” nhằm đưa
ra những giải pháp cấp bách, cụ thể để tăng cường quản lý phương tiện giao
thông đường bộ, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường. Trong đó, ưu
tiên phát triển vận tải hành khách công cộng như xe buýt, xe buýt nhanh BRT, đường
sắt đô thị… nhằm kiểm soát việc gia tăng phương tiện tham gia giao thông cho
phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng, không hạn chế việc sở hữu phương tiện
giao thông cá nhân và đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội góp ý kiến PBXH
trước khi trình HĐND TP quyết nghị.
Đồng chí Vũ Hồng Khanh-Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban
Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP chủ trì hội nghị
Hội nghị đã được nghe 11 ý kiến phát biểu của các
chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu dự hội nghị. Các đại biểu cho rằng việc
tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm
môi trường là rất cần thiết. Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết đã được thực hiện đảm
bảo về trình tự, thủ tục như xây dựng báo cáo đánh giá tác động của các biện
pháp dự kiến trình HĐND TP. Cơ quan đề xuất đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo
và lấy ý kiến của UBND các quận, huyện, thị xã, của các đối tượng chịu sự tác động
khi nghị quyết được ban hành. Các biện pháp và giải pháp mà Tờ trình và Dự thảo
Nghị quyết đưa ra cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách
của Nhà nước về công tác an toàn giao thông nói chung và công tác giảm ùn tắc
giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô, phù hợp với quy định của
pháp luật về giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật có liên quan.
Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị
Tuy nhiên, nội dung Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết tác
động đến nhiều đối tượng trong xã hội, cần có sự đồng thuận cao của các tầng lớp
nhân dân, cũng như điều kiện vật chất và kinh phí đảm bảo rất lớn. Vì vậy, cần
lấy ý kiến của người dân Thủ đô để việc chuẩn bị các nguồn lực đảm bảo thực hiện
đề án, và đảm bảo thi hành nghị quyết sau khi được thông qua.
Phát biểu kết luận hội
nghị, đồng chí Vũ Hồng Khanh – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cho rằng Dự thảo
Nghị quyết cần tăng tính quy phạm, hạn chế sử dụng những thuật ngữ có tính
chung chung. Về giải pháp quản lý phạm vi hoạt động của phương tiện tham gia
giao thông, việc dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030 cần
phải đưa ra chứng minh các phương tiện thay thế như vận tải hành khách công cộng
và các phương tiện khác… để sau khi dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các
quận vẫn đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Đối với xe ba bánh chở
hàng cần đưa ra các tiêu chuẩn về kỹ thuật, về môi trường để dừng hoạt động đối
với loại phương tiện này trên địa bàn toàn TP. Đồng chí đề nghị Ban Dân chủ- Pháp luật, Ủy ban MTTQ TP tổng hợp
toàn bộ ý kiến phản biện của các đại biểu dự hội nghị gửi Thường trực HĐND,
UBND TP tiếp thu, trình tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP khóa XV, nhiệm kỳ 2016 -
2021./.
Từ Ngọc Lâm