Ngày 05/7, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Bảy, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân Thủ đô, kết quả công tác tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2022 của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu toàn văn báo cáo quan trọng này.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương trình bày báo cáo tại kỳ họp
THÔNG BÁO
Ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân Thủ đô, kết quả công tác tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2022 của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội
(tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2022 của HĐND Thành phố khóa XVII)
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7 giữa năm của HĐND Thành phố, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, qua nắm bắt tình hình Nhân dân của Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, các tổ chức, cá nhân thành viên Mặt trận, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân Thủ đô, kết quả công tác tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2022 như sau:
1. Về tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cử tri và Nhân dân Thủ đô
Cử tri và Nhân dân Thủ đô bày tỏ sự đồng tình, phấn khởi, đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời và hiệu quả của Trung ương và Thành phố về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đặc biệt là Nghị quyết số 15 – NQ/TW ngày 05/05/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xây dựng và phát triển Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại; tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực và việc xem xét kỷ luật, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm có chức vụ cao đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, qua đó đã tiếp tục củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Cử tri và Nhân dân cảm nhận sâu sắc các đồng chí lãnh đạo Trung và Thành phố ngày càng sâu sát cơ sở, gương mẫu, tận tụy trong công việc; chỉ đạo sát sao, quyết liệt trong công tác đối nội và đối ngoại, quan tâm thăm hỏi, động viên các tầng lớp Nhân dân, lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, chăm lo an sinh xã hội cho người dân, thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm tạo điều kiện cho các tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; phát huy vai trò của các tổ chức, người uy tín, tiêu biểu.
Cử tri và Nhân dân hoan nghênh những kết quả tích cực trong hoạt động của HĐND Thành phố thời gian qua thể hiện rõ sự gắn bó mật thiết giữa đại biểu HĐND Thành phố với cử tri và Nhân dân; lắng nghe, tiếp nhận và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Cử tri và Nhân dân đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của lãnh đạo Thành phố, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, kinh tế - xã hội Thủ đô tiếp tục phục hồi tích cực, toàn diện với tầm nhìn chiến lược, dài hạn mang tính đột phá cho sự phát triển của Thủ đô như đường vành đai 4, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, mô hình Thành phố trực thuộc Thủ đô...; công tác phòng chống dịch COVID-19 đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, niềm tin của Nhân dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế với Thủ đô được nâng lên.
Nhân dân Thủ đô vui mừng phấn khởi khi các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa, nghệ thuật, thể thao dần trở lại trạng thái bình thường, Việt Nam đã tổ chức thành công SEA Games 31, trong đó Hà Nội đã tạo ấn tượng tốt đẹp về lễ khai mạc hoành tráng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, tổ chức nhiều môn thi đấu, đóng góp tỷ lệ lớn vận động viên và huy chương cho đoàn Thể thao Việt Nam.
Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân Thủ đô bày tỏ sự bất bình trước hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức lợi dụng các chính sách của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 để trục lợi; một số vụ án có quy mô, phạm vi lớn liên quan nhiều bộ, ngành và địa phương; cử tri và Nhân dân Thủ đô cũng lo lắng trước áp lực lạm phát lớn do giá đầu vào tăng như: xăng, dầu, nguyên liệu, vật tư xây dựng và nông nghiệp…; tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp; sự phối hợp của một số cơ quan trong xử lý công việc còn chưa nhịp nhàng, thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện một số dự án đầu tư công đạt tỷ lệ rất thấp; công tác quản lý đất đai vẫn chưa thực sự minh bạch đầy đủ về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc thanh toán bảo hiểm xã hội một lần dẫn đến nguy cơ không đảm bảo đời sống lâu dài; mua sắm trang thiết bị và đầu tư xây dựng cơ bản; vấn đề ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải, rác thải; tình trạng ngập úng tại một số khu vực; phòng, chống cháy nổ còn phức tạp; tình trạng vi phạm pháp luật xuất phát từ mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, mâu thuẫn gia đình, bạo hành trẻ em; tình trạng đuối nước trẻ em; sức khỏe tâm thần trẻ em, tâm lý lứa tuổi bị ảnh hưởng bởi học trực tuyến trong thời gian dài; việc đưa môn Lịch sử là môn học tự chọn; đời sống của một bộ phận người dân còn gặp khó khăn…
Cử tri và Nhân dân Thủ đô mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng, giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản thu nhập của cán bộ công chức và các vấn đề liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, tài chính, tài sản công; xử lý dứt điểm tình trạng dự án đã được giao nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai, gây lãng phí tài nguyên đất và các tài nguyên khoáng sản khác, đồng thời có giải pháp phòng, chống ngăn chặn từ sớm, từ xa, hiệu quả tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
2. Công tác tham gia xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn Thành phố
6 tháng đầu năm, Mặt trận các cấp cùng với các tổ chức thành viên đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thi đua học tập, lao động sáng tạo, tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, đạt nhiều kết quả như: Thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách, đối tượng khó khăn, lao động nghèo nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022 trên địa bàn Thành phố với tổng số 3.145 suất quà trị giá hơn 2 tỷ đồng. Vận động ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID – 19 với tổng số 28,5 tỷ đồng tiền và hàng hóa; vận động ủng hộ Quỹ “Vì Biển, đảo Việt Nam” được 49,777 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa đa năng trên quần đảo Trường Sa.
Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội ký quy chế phối hợp công tác với Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND Thành phố giai đoạn 2021 – 2025; triển khai giám sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo; giám sát việc thực hiện công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế của các cơ quan tư pháp.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp Thành phố tổ chức 34 hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND, dự thảo chương trình của UBND trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; tổ chức 62 hội nghị góp ý Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và tổ chức góp ý đối với các dự thảo Luật, văn bản của cấp ủy, dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị quyết của HĐND cùng cấp; tiếp 3.638 lượt công dân, tiếp nhận 1.945 đơn chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Pháp luật.
3. Những kiến nghị với HĐND, UBND Thành phố
Tại kỳ họp này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đề nghị HĐND, UBND Thành phố một số nội dung sau:
Thứ nhất: Đề nghị Thành phố ưu tiên nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng đặc biệt là trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cả về công tác chuyên môn, kỹ năng quản trị cơ sở y tế; có chính sách phù hợp cả về vật chất và tinh thần để động viên ngành y tế yên tâm công tác, phục vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo Sở Y tế có phương án khắc phục tình trạng thiếu thiết bị, vật tư y tế ở các bệnh viện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tiêm vắc xin mũi 4 và việc tiêm vắc xin đối với trẻ em.
Thứ hai: Đề nghị Thành phố tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để phòng chống vi phạm, tội phạm trong các lĩnh vực Quy hoạch đô thị, thực hiện các dự án giao thông, môi trường, các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, phòng cháy chữa cháy..., trong công tác đầu tư, mua sắm, thu chi ngân sách... kiên quyết, xử lý đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất đã quá hạn chưa thực hiện đầu tư hoặc đầu tư kéo dài; rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai, các dự án vi phạm sử dụng đất công gây bất xúc trong Nhân dân; quan tâm giải quyết hiệu quả, thấu đáo hơn nữa những vụ việc liên quan đến đất đai. UBND Thành phố kiến nghị với Chính phủ sớm phê duyệt và công khai các phương án di dời các cơ sở nhà máy gây ô nhiễm khỏi khu vực nội đô, bàn giao diện tích đất để xây dựng công trình phúc lợi dân sinh.
Thứ ba: Đề nghị Thành phố tham mưu và kiến nghị với Trung ương quan tâm công tác cán bộ đối với Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là nhân sự chức danh Chủ tịch UBND Thành phố.
Thứ tư: Đề nghị UBND Thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội hội; có giải pháp ổn định giá cả một số mặt hàng chiến lược và hàng hóa tiêu dùng; đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công; có chính sách đặc thù thực hiện các công trình trọng điểm như dự án đường vành đai 4, đề án xây dựng, cải tạo các chung cư cũ; đầu tư kinh phí để tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thủ đô; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường giao thông, trường học, chợ dân sinh, hệ thống thủy lợi, hệ thống xử lý nước thải, rác thải. Chỉ đạo Sở Xây dựng có phương án sớm khắc phục tình trạng ngập úng tại các quận nội thành; Sở Giáo dục và đào tạo nghiên cứu quy định thống nhất một bộ sách giáo khoa dùng cho các cấp học trên địa bàn Thành phố, tránh tình trạng mỗi trường, mỗi quận, huyện lựa chọn 01 bộ sách gây lãng phí và bức xúc trong dư luận.
Thứ năm: Đề nghị Thành phố tăng cường kỷ luật, kỷ cương; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố; chỉ đạo các sở, ngành liên thông dữ liệu, cập nhật, đồng bộ dữ liệu tạo điều kiện thuận lợi đối với Nhân dân trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính công; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số để xử lý, phân tích, dự báo và tối ưu hóa hoạt động, quản lý kinh tế xã hội, khẩn trương xây dựng chính quyền điện tử.
Thứ sáu: Đề nghị các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện để công tác giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố bảo đảm tiến độ, chất lượng; các ý kiến phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố sẽ được quan tâm trả lời, tiếp thu.
Trên đây là ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân Thủ đô gửi tới kỳ hợp HĐND Thành phố và thông báo kết quả công tác tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2022 của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội. Trân trọng đề nghị HĐND, UBND và các cơ quan chức năng của Thành phố nghiên cứu, giải quyết và thông báo đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, cử tri và Nhân dân Thủ đô biết để giám sát theo quy định.
Trân trọng cảm ơn!