Bế mạc kỳ họp thứ 20 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XIII

06/05/2010 - 12:00 AM
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh khẳng định, kỳ họp đã thành công tốt đẹp. Phát huy trí tuệ, trạc nhiệm cao trước cử tri và nhân dân Thủ đô, tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND Thành phố đã thảo luận và thông qua 3 nghị quyết quan trọng. Các đại biểu cũng đã góp nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ, đa diện, thẳng thắn cho Đề án "Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" để Quốc hội, Chính phủ xem xét, quyết định.

   Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị, ngay sau kỳ họp, UBND Thành phố tiếp tục hoàn thiện, bổ sung đề án về Chiến lược phát triển KTXH Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để trình Chính phủ và Quốc hội xem xét, quyết định. Đồng thời, cần quán triệt sâu rộng ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung của từng nghị quyết đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân Thủ đô nhằm tạo sự đồng thuận cao, cùng thống nhất thực hiện và cùng tham gia giám sát.

Cũng tại phiên họp cuối cùng, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo đã phát biểu trước HĐND Thành phố, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến các đề án lớn mà HĐND Thành phố đã bàn thảo và quyết nghị trong 2 ngày qua.

Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định, 3 đề án lớn: "Chiến lược phát triển KTXH Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050"; "Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030"; "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, có mối liên hệ mật thiết và thống nhất hữu cơ về mục tiêu chung: Xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo đảm không gian cho Hà Nội phát triển toàn diện, bền vững trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, xứng đáng với vị thế Thủ đô của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH.

Đối với "Chiến lược phát triển KTXH Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thành ủy và ý kiến đóng góp của các đại biểu HĐND Thành phố, UBND Thành phố sẽ xác định rõ hơn thực lực và tiềm năng, triển vọng để nhận dạng một cách chính xác trình độ phát triển của Hà Nội hiện nay, trên cơ sở đó đề ra chiến lược phát triển hợp lý trong giai đoạn tới. Đồng thời, tập trung nghiên cứu sâu thêm về những giải pháp mang tính đột phá, có tác động thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Chủ tịch khẳng định, chiến lược phát triển của Thủ đô phải đặt trong mối liên hệ với chiến lược phát triển quốc gia và vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng Bắc Bộ, trong bối cảnh khu vực và quốc tế, gắn yêu cầu giải quyết vấn đề phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô và đất nước.

Về "Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", UBND Thành phố sẽ làm rõ, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, chức năng của Thủ đô đối với vùng lãnh thổ và cả nước, trong đó xác định những chức năng căn bản, chủ yếu cần được ưu tiên. Đề án sẽ phải đưa ra được những dự báo khoa học trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn của Thủ đô, từ đó tìm ra những quy luật, những bài học quan trọng có giá trị cho sự phát triển lâu dài và bền vững của Thủ đô trong những năm tới. Chủ tịch cũng nhấn mạnh, trong xây dựng quy hoạch phát triển, Thành phố sẽ quán triệt quan điểm phát triển toàn diện, bền vững, hài hòa giữa các mục tiêu, nhiệm vụ của Thành phố và hài hòa giữa các lĩnh vực, đồng thời làm nổi bật những vấn đề trọng tâm, trọng điểm và thứ tự ưu tiên trong phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.

Làm rõ thêm về Đề án "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, đề án gồm 13 nội dung lớn được đề cập, nghiên cứu công phu theo từng vấn đề cụ thể như: xác định tầm nhìn, quan điểm mục tiêu; đánh giá hiện trạng trong đó có rà sóat các dự án đã và đang triển khai; nhận dạng thách thức, cơ hội, những ưu thế cũng như rút ra 10 vấn đề cần guiải quyết cho Thủ đô; quy hoạch sử dụng đất, định hướng quy hoạch từng khu vực đặc thù, định hướng phát triển nông thôn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bảo tồn di sản... Các bản vẽ và thuyết minh báo cáo được thể hiện rõ ràng, một số khu vực còn minh họa không gian. Tiếp thu ý kiến các đại biểu, UBND Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng chỉ đạo cơ quan tư vấn xem xét, điều chỉnh, bổ sung đề án cho phù hợp hơn.

Chủ tịch UBND Thành phố cũng đề cập đến một đề án được nhiều đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến: đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2010-2020. Chủ tịch thừa nhận, mặc dù khu vực nông thôn đã và đang được quan tâm đầu tư phát triển, bình quân tăng trưởng trên 12%/năm nhưng đây vẫn là khu vực khó khăn nhất hiện nay. Việc xây dựng nông thôn mới đòi hỏi không chỉ để nhằm hướng tới đạt các tiêu chí quốc gia mà còn nhằm từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Chính vì vậy, đề án đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này như: hoàn thiện, rà sóat, điều chỉnh, lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới; tập trung xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội; tổ chức phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết môi trường... Tới đây, trong từng năm, từng giai đoạn, UBND Thành phố sẽ báo cáo, đề xuất cụ thể việc phân bổ và huy động các nguồn vốn để thực hiện có hiệu quả nhất đề án đã được HĐND Thành phố thông qua.

HĐND Thành phố cũng đã nhất trí miễn nhiệm cho 2 đại biểu HĐND Thành phố để về nghỉ chế độ.

Theo Báo Hànộimới

Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020