Cách nghĩ khác về "Hội chợ việc làm"

13/12/2011 - 12:00 AM

Một dạng nghĩ khác về “Hội chợ việc làm”:
Nhà trường chỉ biết dự đoán đào tạo theo khả năng của mình, theo nguyện vọng cá nhân người học còn học xong làm ở đâu thì không tài nào biết nổi, người học phải tự lo liệu, không lo liệu được thì tất yếu xuất hiện tổ chức “cái chợ” để “bán hàng ế” này cho đơn vị nào có nhu cầu thì “ra chợ việc làm” được tổ chức hàng năm vài phiên mà mua rồi “chê” chất lượng không đáp ứng qua cái tên gọi hấp dẫn “hội chợ việc làm”. Nhìn theo góc độ khác thì “nhà trường đào tạo ra người lao động mà mình có khả năng” chứ không phải “đào tạo ra người lao động mà xã hội thực cần”. Đào tạo như vậy thì luôn luôn thừa và cũng luôn luôn thiếu về chất lượng cũng như số lượng. Thật đại lãng phí cho xã hội và cho các gia đình.

Mặt khác người học đa số cũng chỉ biết “thi vào đâu, chọn trường nào cho dễ ăn” còn sau khi học xong sẽ lo tiếp, nghĩa là khát vọng, ước mơ học tập để cống hiến đúng ngành nghề thì đâu biết nổi. Học xong thì lo chạy việc thậm chí làm việc gì đó cũng được, bí quá lại “tự ra chợ tức hội chợ việc làm” để tìm việc như là đi “bán hàng là bán chính mình” mà thôi.
Rõ ràng nghĩ như vậy thì cần sớm thay thế nó bằng cách khác thôi!?
Làm gì để đào tạo theo nhu cầu thật của xã hội?  
Hãy xem lại thời kỳ “bao cấp” thời kỳ “kinh tế kế hoạch tập trung thống nhất”, việc đào tạo theo “chỉ tiêu kế hoạch” phù hợp với “kế hoạch phát triển kinh tế” đến từng ngành nghề, từng khu vực, thậm chí đến từng xí nghiệp lớn v.v., khi học đã biết học xong sẽ làm ở đâu, làm gì và về cơ bản đào tạo ra bao nhiêu đều dùng hết bấy nhiêu.
Ngày nay trong nền kinh tế thị trường, ta lại thả nổi gần như hoàn toàn, mọi người, mọi gia đình, mọi doanh nghiệp cứ tự lo, ngày càng tách rời nhà trường và kêu goi nhà trường phải kết hợp thì quả là khó, và tất yếu tự phát đào tạo diễn ra như hiện nay rồi lại phải mang ra “hội chợ việc làm” để “bán” mà thôi và chất lượng cũng như số lượng không bao giờ đáp ứng. Năm nay còn nhiều trường chỉ tiêu tuyển sinh không sao đạt nổi.
Nên làm lại ra sao? Như thế nào?
Các nơi có nhu cầu, các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế xã hội có nhu cầu phải chăm lo đào tạo cho chính mình, từ đó mà hình thành các chỉ tiêu cụ thể hợp đồng đào tạo với các trường có khả năng đáp ứng rồi trong khi đào tạo nên trở về cơ sở có nhu cầu mà thực hành thực tập, ai học tốt, làm tốt chắc chắn sau đào tạo sẽ được tuyển dụng, việc gì phải lo đi tìm việc, việc gì phải mang ra chợ mà bán, rồi lại bị chê là chất lượng không đảm bảo. Tách rời đào tạo với nơi thực cần sẽ sử dụng là làm sai quy luật đào tạo cần phải tuân thủ mới có chất lượng và người học mới có thêm động cơ phấn đấu học tập rèn luyện tốt ngay khi đang học. Đây là “lý tưởng” “tối ưu” trong đào tạo nguồn nhân lực, khó đấy nhưng buộc phải tìm mọi cách để thực hiện.
Ai làm việc này? Nhà nước phải có cách chỉ đạo thành cơ chế, chế độ, kế hoạch để mọi đơn vị có nhu cầu đào tạo buộc phải vào cuộc, thực sự tham gia vào quá trình đào tạo coi đó là “quốc sách” của chính mình. Trên cơ sở chuyển biến này thì nhà trường sẽ phải chuyển biến theo về mọi mặt để đáp ứng tới mức tối đa, từ đó mà có “cạnh tranh lành mạnh” trong chất lượng đào tạo.
Trong bước chuyền tiếp ban đầu nên làm gì?
Sớm có nghĩa vụ lao động sau đào tạo, mọi học sinh sinh viên sau đào tạo đều được tập hợp bồi dưỡng, huấn luyện thêm để đi phục vụ nghĩa vụ 2-3 năm ( giả thử nam 3 năm, nữ 2 năm) đến bất kỳ nơi đâu có nhu cầu để lao động tự hoàn thiện mình về mọi mặt và để cống hiến khi tuổi còn trẻ, sau nghĩa vụ đều được ưu tiên tuyển dụng kết hợp nhu cầu và nguyện vọng.
Thế hệ đào tạo sau sẽ từng bước đi vào quỹ đạo đào tạo theo hợp đồng nên sau đào tạo đều cơ bản đa số được sử dụng không còn phải mang ra “hội chợ việc làm” để rao bán nữa.
Theo tôi, chừng nào còn theo nếp cũ trong đào tạo dù có cải tiến thì vẫn không thể tiến lên được, vẫn chỉ là cải lùi. Con đường tất yếu buộc phải làm đảo ngược lại đúng quy luật đào tạo theo nhu cầu thật cần của xã hội thành các hợp đồng đào tạo mà các nơi có nhu cầu phải đứng ra do nhà nước chỉ đạo, nhà trường theo đó mà đáp ứng, đổi mới theo. Không còn con đường nào khác.

NGƯT Nguyễn Đức Thuần-quận Thanh Xuân

Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020