(HNM) - Sau gần 6 năm chờ đợi kể từ khi khởi động đối thoại vào tháng 3-2010, vào lúc 5h sáng 4-2 (giờ Hà Nội), tại thành phố Auckland (New Zealand), Bộ trưởng Thương mại và Kinh tế của 12 nước thành viên tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức đặt bút ký kết văn bản này.
Lễ ký đánh dấu việc các nước chính thức hoàn tất toàn bộ quá trình đàm phán để có thể bắt đầu thủ tục phê chuẩn Hiệp định tại mỗi nước. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đại diện cho Việt Nam tham gia lễ ký TPP.
|
Lĩnh vực da giày của Việt Nam được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn từ TPP. Ảnh: Linh Ngọc |
Thỏa thuận thương mại lịch sử
Được khởi động từ tháng 3-2010, việc đàm phán TPP hoàn tất vào tháng 10-2015 và chỉ một tháng sau đó toàn văn Hiệp định được công bố. Từ đó đến nay, các nước không thay đổi các nội dung đàm phán đã được thống nhất, mà chỉ điều chỉnh một số nội dung kỹ thuật trên cơ sở ý kiến rà soát của các chuyên gia pháp lý cho phù hợp hơn với quy định quốc tế cũng như pháp luật của từng thành viên mà không ảnh hưởng đến bản chất nội dung đã cam kết.
Sau buổi lễ tại Auckland, Bộ trưởng Thương mại và Kinh tế 12 nước thành viên đã ra Tuyên bố chung khẳng định: Việc ký kết là dấu mốc quan trọng, đồng thời khởi đầu giai đoạn mới cho TPP. Tuyên bố nêu rõ: "Chính thức hóa thỏa thuận chung TPP là thành tựu lịch sử cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nay các nước có thể tập trung để hoàn thành các thủ tục pháp lý riêng ở mỗi nước". Được xem là bản Hiệp định của thế kỷ XXI, TPP sẽ đặt ra một tiêu chuẩn mới cho thương mại và đầu tư ở một trong những khu vực năng động và tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới khi 12 thành viên tham gia chiếm gần 40% GDP toàn cầu, với một thị trường hơn 800 triệu dân và chiếm khoảng 1/3 giao dịch thương mại thế giới. Mục tiêu của Hiệp định là củng cố sự thịnh vượng chung, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững cho các quốc gia thành viên. Lợi ích của TPP đối với nhiều nước trong khu vực là rất lớn và điều này càng khẳng định mục tiêu chung là thông qua TPP nhằm tạo nên một nền tảng thúc đẩy các tiêu chuẩn cao hơn cho sự hội nhập kinh tế rộng hơn trong tương lai.
Là một trong 4 nước sáng lập TPP, Thủ tướng nước chủ nhà John Key phát biểu tại lễ ký nhấn mạnh, về tổng thể TPP sẽ mang lại những lợi ích tốt nhất cho 12 nước thành viên cũng như công dân các nước này. Sau lễ ký, mỗi nước có thời gian 2 năm để thực hiện các quy trình nội bộ, hoàn tất thủ tục phê chuẩn tại Quốc hội để TPP có hiệu lực. Theo quy định, thỏa thuận sẽ chỉ có hiệu lực khi được ít nhất 6 nước thành viên, chiếm tối thiểu 85% GDP kết hợp của cả 12 nước phê chuẩn. Điều này có nghĩa là thỏa thuận phải được Quốc hội tại hai nền kinh tế lớn nhất trong TPP là Mỹ và Nhật Bản thông qua.
Cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế
Là thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia, gồm: Canada, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Australia, Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam, TPP được hình thành với mục tiêu chính là xóa bỏ các loại thuế quan và rào cản hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước như sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động… Hiệp định bao gồm 30 chương và đề cập đến không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước.
Tại Việt Nam, theo trình tự, văn bản hoàn chỉnh sẽ được đệ trình lên Quốc hội để phê chuẩn. Đối với riêng Việt Nam và Mỹ, ngày ký kết TPP còn có ý nghĩa đặc biệt hơn khi trùng với ngày Tổng thống Bill Clinton đã tuyên bố dỡ bỏ cấm vận hoàn toàn đối với Việt Nam (4-2-1994). Thành phố Auckland, New Zealand - nơi ký TPP - cũng là nơi đầu tiên mà hai nước từng dự kiến ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA) tháng 9-1999 nhưng sau đó đã hoãn lại cho đến tháng 7-2000. Việt Nam là một trong những nước được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn từ TPP, nhất là các lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ… Tuy nhiên, TPP cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong những vấn đề như quy mô, chất lượng nền kinh tế còn thấp so với các nước thành viên TPP khác, đặc biệt là những nước có trình độ phát triển cao hơn. Năng lực cạnh tranh cả về sản phẩm, doanh nghiệp, quốc gia của Việt Nam đều hạn chế và dễ bị tổn thương, chất lượng nhân lực về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp đều còn hạn chế…