Chờ đợi và kỳ vọng (theo báo Đại Đoàn Kết, ngày 11/06/2015)

11/06/2015 - 08:40 AM
Kỳ họp Quốc hội nào cũng thế và Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII chắc chắn cũng sẽ không phải là ngoại lệ khi mà ĐB, cử tri và nhân dân đều dành nhiều sự quan tâm tới các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. Sáng nay (11-6), một phiên họp được nhiều chờ đợi trong kỳ họp này sẽ chính thức bắt đầu cho 2,5 ngày chất vấn trực tiếp trên nghị trường Quốc hội. Được chờ đợi bởi nhiều lẽ. Đó là phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp vì thế đông đảo cử tri quan tâm sẽ có điều kiện theo dõi. Nhưng xem ra đó không phải là điều quan trọng; điều cử tri quan tâm chính là, bộ trưởng, trưởng ngành đã điều hành lĩnh vực của mình như thế nào? 

Nói chung là hàng loạt những câu hỏi chờ lời giải từ các phiên chất vấn đã được các cử tri sắp sẵn trong tâm trí. Và dù, họ không trực tiếp chất vấn nhưng rồi, cũng giống như các ĐBQH, cử tri sẽ "chấm điểm” bộ trưởng, trưởng ngành qua các phiên chất vấn này.

Theo như thông tin được phát đi từ Đoàn Thư ký kỳ họp, lịch trình của các phiên chất vấn sẽ là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp& Phát triển nông thôn Cao Đức Phát "tiên phong” trả lời chất vấn đầu tiên, sau đó đến Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng rồi lần lượt là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận. Kết lại phần trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề mà ĐB và cử tri quan tâm. Trong quá trình trả lời chất vấn, như thường lệ, bộ trưởng, trưởng ngành liên quan đến các lĩnh vực tham gia trả lời chất vấn sẽ cùng giải trình để "tiếp sức” cho các thành viên Chính phủ. 

Nói sôi động vì những nội dung trả lời chất vấn của các vị bộ trưởng đều liên quan đến vấn đề thời sự. Đó là việc chúng ta đang chuẩn bị hội nhập thế giới, tham gia cộng đồng ASEAN, TPP, những nội dung này liên quan rất nhiều đến hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài. Vậy phải làm sao để hàng hóa của ta khi hội nhập không bị thua thiệt trên thị trường, làm sao sản xuất hàng ra bảo đảm chất lượng, cần phải sản xuất như thế nào để đáp ứng nhu cầu thị trường cần… Bộ Công thương thì liên quan đến đầu ra, lo thị trường, để làm sao khi hàng hóa sản xuất ra có thị trường xuất khẩu, cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm quản lý thị trường tốt, không để hàng nhái, hàng kém chất lượng. Khoa học- công nghệ thì giúp cho việc làm sao đổi mới công nghệ, để hàng hóa sản xuất ra có giá thành hạ, năng suất lại tăng; tránh câu chuyện 17 người Việt Nam sản xuất chỉ bằng 1 người  Singapore. Rồi câu chuyện của những kỳ thi 2 chung, thi theo cụm tưởng sáng rõ là thế mà vẫn còn lắm bỡ ngỡ. Rồi chuyện học sinh giỏi nhiều quá dẫn đến khó cho việc tuyển sinh vào lớp 6 và có hay không những cuộc "đua ngầm”, "chạy” vào lớp 6?… - những vấn đề của ngành giáo dục.

Ngay trước thềm các phiên chất vấn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã được báo chí "quay” khá nhiều việc liên quan đến các phiên chất vấn. Nói cách khác, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đồng thời là Trưởng Đoàn Thư ký kỳ họp đã là người đầu tiên trả lời chất vấn trước các cử tri là nhà báo. Trong lần trả lời ấy, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết lý do của việc chỉ dành hai ngày rưỡi cho hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 chứ không phải 3 ngày như Kỳ họp thứ 8 là bởi, kỳ trước còn có chuyện rà lại những việc đã làm và giám sát việc trả lời chất vấn thực hiện từ Kỳ họp 6 và 7 nên có thêm nửa ngày để báo cáo. Nhưng, có lẽ đó chỉ là một trong những quan tâm mà thôi. Vấn đề chính không phải ở chỗ thời gian ít hay nhiều mà là chất lượng của chất vấn và trả lời chất vấn. Cũng vì chuẩn bị cho các phiên chất vấn thành công, ngay từ đầu kỳ họp, Đoàn Thư ký đã có những cải tiến nhất định trong quá trình chuẩn bị cho chất vấn. Rút kinh nghiệm từ những kỳ họp trước là phiếu thăm dò ý kiến ĐBQH phát ra đủ cả mà thu về thì có phần "lẻ tẻ”. "Kỳ họp này Đoàn Thư ký đã có những cải tiến trong việc phát, thu phiếu. Đó là, không phát cho các ĐB trên bàn nữa mà giao cho các thư ký đoàn và các thư ký đoàn có trách nhiệm thu rồi ký nhận. Như vậy thì biết được ai gửi, ai chưa gửi. Chính vì thế, phiếu thu về vừa rồi được 435 phiếu tất cả - đây là số phiếu cao nhất từ trước đến giờ.”- ông Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ. Kể cũng lạ, ĐBQH nếu vắng mặt vì lý do công tác, đã được sự chấp thuận của Đoàn ĐBQH thì chả nói làm gì. Nhưng phiếu thăm dò mối quan tâm liên quan đến phiên chất vấn; tức là liên quan đến những quan tâm mà cử tri gửi gắm mà "một đi không trở lại” kể cũng hơi ngại. Vì thế, sự cải tiến của Đoàn Thư ký xem ra đã có hiệu quả nhất định. Còn lại giờ là chuyện chờ đợi và hy vọng hay kỳ vọng vào sự chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp trên nghị trường của ĐBQH và các "tư lệnh” ngành.

Thực tế, nói kỳ vọng cũng là không nói quá. Vì dù là chọn bộ trưởng trả lời chất vấn vẫn theo phương thức cũ là từ cao xuống thấp tính theo phiếu lựa chọn, có tính đến sự hài hòa giữa kinh tế và xã hội; nhưng rõ ràng những lá phiếu ấy đã phần nào thể hiện mối quan tâm đặc biệt của cử tri thông qua ĐBQH. Kỳ vọng này, cử tri cũng muốn gửi gắm vào ĐBQH và các vị trưởng ngành. Làm sao cần có những câu hỏi ngắn, súc tích nhưng đi thẳng vào trọng tâm vấn đề. Đó là cách để cử tri biết, ĐBQH hiểu tâm tư của họ rất kỹ chứ không nhất thiết cứ phải diễn giải vấn đề lòng vòng. Vì, bản thân các "tư lệnh”ngành đã rất hiểu những vấn đề của ngành mà mình phụ trách, hiểu hơn cả ĐB và cử tri. Về phần các bộ trưởng, cử tri cũng mong muốn điều tương tự. Chờ đợi và kỳ vọng là tâm lý cử tri trước, trong các phiên chất vấn.

Hoàng Mai

Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020