Phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 24/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ đồng tình với Báo cáo đánh giá của Chính phủ 5 năm qua. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đã đề cập đến 4 vấn đề quan trọng, theo ông là cần lưu tâm trong Báo cáo.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Hoàng Long.
Thứ nhất, ở lĩnh vực văn hóa - xã hội, Báo cáo của Chính phủ đề cập nhiều đến việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, y tế, văn hóa…mà chưa đề cập về thành quả trong lĩnh vực giáo dục 5 năm qua.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, báo cáo cần phải làm rõ dù lĩnh vực giáo dục vẫn còn một số hạn chế nhưng rất cần đánh giá đúng sự đóng góp của đội ngũ hơn 1 triệu thầy cô giáo- những người đã cống hiến, phấn đấu trong suốt 5 năm vừa qua. Có một điểm rõ ràng, đó là, kinh tế phát triển được thì con người luôn đóng vai trò then chốt. Giai đoạn 5 năm qua, nếu giáo dục - đào tạo không phát huy được vai trò của mình để tham gia vào quá trình phát triển của đất nước thì không thể có sự tăng trưởng như đã thấy.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ: Báo cáo khi đánh giá về hạn chế của ngành giáo dục mới chỉ nêu lên hiện tượng nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; việc thiếu nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, lý do cần làm rõ là việc gắn kết giữa đào tạo theo nhu cầu và người sử dụng thông qua sự trợ giúp của Nhà nước còn yếu. Có thực tế, bản thân nhà trường không hiểu và đánh giá đúng nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Cầu nguồn nhân lực phải cung cấp được số lượng thì bên cung mới dựa vào đó để cung cấp đúng nhu cầu. Mặt khác, dù chúng ta đã hoàn thành bản quy hoạch nguồn nhân lực trên phạm vi cả nước nhưng ở địa phương sự quan tâm kết nối cung - cầu lao động còn hạn chế nên đây cũng là một thực tế khiến đào tạo chưa bám sát nhu cầu. Mà, thiếu sự kết nối thì dẫn đến việc nhìn nhau, phê bình nhau nhưng không tìm được điểm chung để từ đó có giải pháp khắc phục.
Báo cáo của Chính phủ đề cập việc cần coi trọng thị trường nhân lực- đây là vấn đề đúng, cần quan tâm; đặc biệt là quan tâm đến hiệu quả thị trường nhân lực để giải quyết bài toán nhân lực quốc gia. Bài toán ấy cũng không thể chỉ giải quyết từ phía nhà trường mà còn từ phía các doanh nghiệp. Vì vậy, không thể thiếu sự vào cuộc, hỗ trợ của doanh nghiệp nhằm giải quyết bài toán này.
Thứ hai, về đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Vậy vì sao lại chậm? Bản thân các địa phương cũng cần kiểm điểm lại vấn đề này. Thực tế, chúng ta nói, đổi mới mô hình tăng trưởng nhưng khi bàn kế hoạch tăng trưởng, các địa phương quan tâm chủ yếu đến vấn đề vốn và đất đai chứ không thấy địa phương nói đến yếu tố nhân lực. Mà, yếu tố nhân lực- yếu tố con người không nằm trong sự chuẩn bị thường xuyên của lãnh đạo địa phương; không được lãnh đạo địa phương coi đó là nguồn lực để tạo đà phát triển cho thấy: Lãnh đạo nhiều địa phương chưa thực sự coi tăng trưởng theo mô hình mới là động lực phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Nếu nhìn rộng ra quốc tế, tình trạng thiếu vốn phát triển là phổ biến, Việt Nam cũng lao vào tìm vốn là không hiệu quả. Chúng ta phải khai thác lợi thế mà chúng ta đang có; đó là khả năng sáng tạo và trí tuệ con người Việt Nam. Vì thế, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ: Nguyên nhân chậm đổi mới mô hình tăng trưởng có phần do nhận thức của địa phương và cơ chế quản lý đã không giám sát kỹ vấn đề này.
Thứ ba, liên quan đến hiệu lực quản lý nhà nước gắn với cải cách hành chính (CCHC), Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, bên cạnh những thành quả đạt được thì một trong những lý do khiến CCHC chưa thực sự trở thành điểm sáng trong 5 năm qua là bởi chính quyền các cấp chưa đặt sự hài lòng của người dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả phục vụ của nền hành chính quốc gia. Mà, “bản chất sự phục vụ dân và sự hài lòng của dân đến đâu thì lại chưa có tiêu chí đánh giá. Chúng ta cứ nói phục vụ dân tốt nhưng dân chưa hài lòng thì chưa thể được”- Chủ tịch nói.
Thứ tư, Báo cáo đã đề cập đến các giải pháp gỡ khó cho khu vực nông nghiệp với rất nhiều vấn đề được đề cập đến như: Tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp gắn với công nghệ cao, quy mô lớn…Thế nhưng, Báo cáo lại chưa đề cập tới phát triển kinh tế hợp tác xã. Chừng nào nông dân còn là hộ kinh tế cá thể thì các nhà khoa học chưa thể tham gia nhiều và sâu rộng cùng nông dân- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói. Cùng với đó, theo ông, bài toán vay vốn với nông dân hiện vẫn chưa có lối ra. “Chúng ta không thể trách ngân hàng vì ngân hàng chỉ cho vay khi có đối tượng vay vốn chứng minh được khả năng thu hồi vốn thông qua phương thức sản xuất hiệu quả, đúng yêu cầu”- Chủ tịch nói và nhấn mạnh: Nhưng ứng dụng khoa học công nghệ quy mô lớn mà không đẩy mạnh hợp tác thì sẽ khó khăn lối ra.