CÔNG GIÁO THỦ ĐÔ VỚI CÔNG CUỘC XÂY DỰNG THỦ ĐÔ NGÀN NĂM VĂN HIẾN

22/12/2010 - 12:00 AM

Hòa chung với niềm hân hoan của đồng bào công giáo Thủ đô, ngày 21-12, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm và mừng lễ giáng sinh 2010, gặp mặt tặng quà các bà mẹ VNAH, tặng quà đồng bào công giáo tiêu biểu. Ông Đào Văn Bình- chủ tịch UBMTTQ Thành phố; Linh mục Thiện Cẩm- phó chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam; Linh mục Dương Phú Oanh- phó chủ tịch Ủy ban đoàn kết công giáo Việt Nam, chủ tịch Ủy ban đoàn kết công giáo Hà Nội tham dự và chủ trì hội nghị. Đến dự hội nghị có các vị là ủy viên ủy ban đoàn kết công giáo thành phố Hà Nội khóa V nhiệm kỳ 2007-2012, trưởng phó ban đoàn kết công giáo các quận, huyện, thị xã và lãnh đạo Mặt trận các quận, huyện, thị xã.

Phát huy vai trò gương mẫu, mỗi người công giáo là một công dân tốt, Ủy ban đoàn kết công giáo Thành phố đã luôn gương mẫu đi đầu với nhiều phong trào, nhiều cách làm mới thu hút đông đảo đồng bào công giáo tham gia. Tại hội nghị tổng kết, ông Phạm Huy Thông, phó chủ tịch Ủy ban đoàn kết công giáo Thành phố nhấn mạnh: Những năm gần đây cùng với việc mở rộng địa giới hành chính nên số lượng đồng bào công giáo tăng lên gấp hơn 4 lần so với Hà Nội cũ với gần 175.000 người ở 66 giáo xứ và 340 giáo họ. Đây vừa là thời cơ, vừa là thách thức để đồng bào công giáo Thủ đô tiêp thu, phát triển, bổ sung có chọn lọc nguồn nhân lực cho đồng bào công giáo. Năm 2010, đã có 80% xứ họ đạo tiên tiến trong đó có 12 xứ họ đạo đạt loại xuất sắc đã phát huy sức mạnh của đông đảo bà con giáo dân trên địa bàn Thành phố. Các phong trào thi đua phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và xã hội, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện nêu cao tinh thần bác ái, xây dựng gia đình công giáo gương mẫu… ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Nhờ có những phong trào trên mà nhiều xứ họ đạo đã khôi phục được những làng nghề truyền thống của đất kinh kỳ như trồng hoa ở Tây Tựu, làm bánh kẹo ở Cổ Nhuế, làm gốm sứ ở Kim Lan, nhiều nông dân mạnh dạn phát triển sản xuất trang trại…Nhờ vậy số hộ có thu nhập cao là người công giáo đã không ngừng tăng lên. Tiêu biểu cho tinh thần vượt khó đó là gia đình ông Nguyễn Hữu Cảnh ở Sóc Sơn, ông Cao Duy Quang ở Thanh Trì…với mức thu nhập bình quân hàng năm từ một đến hai tỷ đồng góp phần nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con tại địa phương.

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa là một trong những thế mạnh của đồng bào Công giáo. Người công giáo Thủ đô luôn coi gia đình là tế bào của xã hội nên luôn giáo dục con cháu trong gia đình làm theo giáo huấn của Giáo hội. Vì vậy, nhiều gia đình Công giáo Thủ đô đã giữ được nề nếp gia phong và đều đăng ký tham gia phong trào ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền và rất nhiều gia đình công giáo Thủ đô được Chính phủ công nhận là gia đình văn hóa. Năm 2008, có 93% các gia đình ở quận Hai Bà Trưng được công nhận gia đình văn hóa thì đến năm 2009 đã tăng lên 95%. Tiêu biểu cho phong trào này là gia đình ông Lê Ngọc Châu ở quận Hai Bà Trưng đã được công nhận là gia đình văn hóa cấp toàn quốc, là một người tích cực tham gia việc đạo, việc đời. Hàng năm, ông đã đi vận động được 30–40 triệu đồng để giúp đỡ các gia đình  vượt qua khó khăn, chương trình “mùa hè xanh” đã thu hút hàng ngàn sinh viên, giáo dân tham gia tiếp sức mùa thi với hơn 4000 lượt thí sinh được giúp đỡ nơi ở, hỗ trợ phương tiện đi lại. Phong trào khuyến học trong đồng bào công giáo cũng được đẩy mạnh, nhiều gia đình công giáo có tấm gương vượt khó rất đáng khâm phục như anh Nguyễn Thanh Tùng (quận Hai Bà Trưng) bị mù hai mắt từ nhỏ nhưng đã vươn lên học cao học về âm nhạc và trở thành nghệ sỹ đàn bầu nổi tiếng trong nước và quốc tế.

Tiêu biểu cho tinh thần vượt khó với một nghị lực sống phi thường như trường hợp anh Nguyễn Công Hùng, bản thân là người tật nguyền bị liệt từ bé nhưng anh đã vươn lên trở thành kiện tướng về thông tin. Hiện anh đang là giám đốc của công ty TNHH Nghị Lực Sống, giúp đỡ được gần 600  người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin, có công ăn việc làm. Trong đợt lũ lụt lịch sử vừa qua tại tỉnh Miền Trung, mặc dù đi lại không thuận tiện nhưng anh Hùng đã về tận Nghệ An ủng hộ hơn 170 triệu đồng trao tận tay đồng bào bị nạn. Anh Hùng tâm sự: Tôi có được thành công như ngày nay ngoài sự nỗ lực của bản thân tôi còn nhận được sự giúp đỡ, sẻ chia của bạn bè, người thân nhất là những thành viên của trung tâm nghị lực sống. Đó là một trong những động lực giúp tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc đời. Tôi thấy mình là người thật sự may mắn.

Tại lễ tổng kết, ông Đào Văn Bình-Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBMTTQ Thành phố đã ghi nhận và biểu dương những cố gắng mà đồng bào Công giáo Thủ đô đã đạt được trong năm qua. Đồng bào Công giáo đã biết khắc phục những khó khăn, thách thức do bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế để nâng cao thu nhập, trình độ dân trí, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa… Vì thế, mức sống của đồng bào Công giáo không ngừng tăng lên. Với những kết quả đã đạt được cộng với tiềm năng vốn có, đồng bào Công giáo Thủ đô sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo.

Ảnh: Đồng chí Đào Văn Bình- Chủ tịch UBMTTQ Thành phố tặng quà cho các cá nhân tiêu biểu

Nguyễn Phượng

Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020