Tình hình kinh tế xã hội- Quan trọng là hiệu quả tăng trưởng
Hội nghị đã nghe bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đại
biểu Quốc hội thông báo nội dung dự kiến của kỳ họp thứ 6, Quốc hội
khoá XII. Trên tinh thần đó, các đại biểu cùng nhau thảo luận, góp ý
vào các lĩnh vực mình quan tâm. Nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm sâu
sắc trước tình hình kinh tế xã hội của đất nước. Tiến sỹ Nguyễn Viết
Chức cho rằng: Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn,
chúng ta không nên quá nặng về việc tăng trưởng được bao nhiêu mà quan
trọng là hiệu quả tăng trưởng như thế nào. Bởi thế, gói kích cầu thứ
nhất của Chính phủ cần được đánh giá một cách chuẩn xác. Ông Đinh Hạnh,
Chủ nhiệm Hội Đồng tư vấn văn hoá xã hội của UBMTTQ TP Hà Nội đặt câu
hỏi: Liệu một số báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội gần đây có quá
lạc quan không khi nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng rất lớn?
Một số khu công nghiệp lâm vào cảnh vắng vẻ bởi không thể tiếp tục sản
xuất. Ông Đinh Hạnh cũng kiến nghị: Báo cáo của Chính phủ cần chi tiết
hơn, đáng tin cậy hơn, số liệu phải thuyết phục hơn. Quốc hội cần xem
lại cách đánh giá để đặt mục tiêu cho năm 2010 chính xác hơn.
Đại diện cho các doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm tới
hiệu quả gói kích cầu của Chính phủ giai đoạn 1. Ông Nguyễn Hữu Tiến-
Hội Doanh nghiệp TP Hà Nội đề nghị Quốc hội có ý kiến với Chính phủ để
hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm khách hàng, quảng cáo
thương hiệu, giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp.... Bà Đào Thanh Hương, Chủ
tịch Uỷ ban hoà bình thành phố đề nghị Chính phủ đánh giá lại hiệu quả
của gói kích cầu giai đoạn 1, phân tích rõ từng đơn vị, khu vực được
nhận gói kích cầu và hiệu quả của nó như thế nào?
Giám sát- Cần tăng cường hơn nữa
Bàn về tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo của
công dân, về Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), An toàn giao thông
(ATGT), về ô nhiễm môi trường,..., các đại biểu thống nhất việc cần
tăng cường hơn nữa công tác giám sát của Quốc hội. Ông Bùi Danh Liên-
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nêu lên những bức xúc của mình trước
một số hiện tượng tiêu cực trong ngành Giao thông vận tải. Ông Liên đề
nghị Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát Tổng công ty vận tải Hà Nội trong
việc khắc phục những tiêu cực ở các bến xe, đặc biệt là bến xe Mỹ Đình.
Ông Liên tha thiết: Các bến xe là điểm đi và đến của nhiều người, tôi ý
kiến chỉ vì mong muốn Hà Nội đẹp hơn, văn minh hơn, đặc biệt trong lúc
cả nước đang hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Ông Liên
cũng cho rằng: Nên xử phạt công minh hơn là tăng tiền mức phạt. Mức
phạt phải ngang với mức thu nhập của người dân. Đơn vị, cá nhân nào làm
sai thì phải nộp phạt nhưng vấn đề là số tiền ấy phải được đưa vào ngân
sách nhà nước chứ ko phải vào túi những người xử phạt. Ông Phạm Ngọc
Thảo yêu cầu Quốc hội và Chính phủ tăng cường giám sát trong lĩnh vực
đất đai. Theo ông Thảo, quy hoạch, quản lý đất đai hiện nay ở nhiều nơi
đang rất lãng phí. Đồng tình với ý kiến này, ông Kiều Đức Sinh- Chủ
tịch MTTQ huyện Thạch Thất cho biết: Có nơi giải phóng mặt bằng đã 13
năm nay nhưng dự án vẫn chưa đi vào hoạt động. Có doanh nghiệp muốn giữ
đất nên chỉ “trang điểm” ở bên ngoài còn thực chất bên trong không hoạt
động. Có những nơi, nhà cửa nhân dân xuống cấp nhưng diện tích đã nằm
trong quy hoạch nên không sửa chữa được. Ông Sinh đề nghị Quốc hội thực
hiện vai trò giám sát của mình, rà soát lại các dự án, nếu dự án nào
không hoạt động, đề nghị trả lại đất cho nông dân.
Nguồn nhân lực- yếu tố then chốt
Tại Hội nghị, các đại biểu đề cao yếu tố con người
trong mọi vấn đề. Ông Nguyễn Hoàng Lưu – PCT Hiệp hội doanh nghiệp vừa
và nhỏ cho rằng: Hiện nay là thời kỳ hậu khủng hoảng, chúng ta cần tái
cơ cấu lại nền kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta chưa biết tận dụng thời cơ
này. Nhiều doanh nghiệp cần nguồn nhân lực chất lượng cao thì chúng ta
không có. Bên cạnh đó, bộ máy tổ chức cán bộ cũng còn nhiều điều cần
bàn tới. Ông Nguyễn Văn Chiến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định: Tình
hình khiếu kiện có xu hướng ngày càng gia tăng một phần do bộ máy hành
chính của chúng ta yếu kém, do đó, cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ
để nhanh chóng giải quyết những vấn đề liên quan tới người dân. Bà Đào
Thanh Hương đề nghị đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động
Thương binh và Xã hội về vấn đề tiền lương cho người lao động. Theo bà
Hương, tiền lương đảm bảo được cuộc sống thì sẽ giảm được hiện tượng
cán bộ tham nhũng. Ngoài ra, vấn đề quản lý lao động xuất khẩu cũng
được đề cập. Bà Hương đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội kiểm
tra các công ty đưa người lao động đi nước ngoài, hiệu quả đến đâu,
chính sách chăm lo cho người lao động được thực hiện như thế nào,…
Bà Đặng Huyền Thái- Phó Chủ tịch UBMTTQ TP Hà Nội,
đại biểu Quốc hội khẳng định: Giám sát thông qua chất vấn đã tạo nên
những chuyển biến lớn. Sau mỗi kỳ chất vấn, trách nhiệm của Chính phủ
được tăng cường hơn. Sắp tới, sẽ thí điểm chất vấn tại các Uỷ ban của
Quốc hội nhằm tăng cường công tác giám sát. Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc
hội TP Hà Nội, bà Thái cũng hứa với các đại biểu: Sẽ nghiêm túc tiếp
thu các ý kiến đóng góp để phản ánh, kiến nghị với kỳ họp thứ 6, Quốc
hội khoá XII.
Phạm Hằng