Cử tri huyện Gia Lâm tiếp tục kiến nghị nhiều vấn đề trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026

17/11/2023 - 10:20 AM
Sáng ngày 15/11/2023, Tổ đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội (Đơn vị bầu cử số 20) tiếp xúc cử tri các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gia Lâm trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.
 
Tại buổi tiếp xúc, đại biểu HĐND Thành phố đã báo cáo với cử tri huyện Gia Lâm về nội dung, thời gian và công tác chuẩn bị tổ chức kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 (kỳ họp thứ 14) HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2021- 2026. Theo đó, kỳ họp HĐND Thành phố cuối năm dự kiến diễn ra từ 04/12 đến ngày 08/12/2023. Kỳ họp sẽ xem xét thông qua các nội dung bao gồm: 16 báo cáo thường lệ, 5 báo cáo chuyên đề; xem xét 47 nội dung ban hành nghị quyết gồm 8 nghị quyết thường lệ, 39 nghị quyết chuyên đề trong đó 20 nghị quyết cá biệt, 19 nghị quyết quy phạm pháp luật. Đồng thời, Đại biểu HĐND Thành phố cũng đã báo cáo với cử tri huyện Gia Lâm về kết quả trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 12 HĐND TP khóa XVI; báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, tuy bị ảnh hưởng bởi bối cảnh xung đột giữa một số Quốc gia, chính sách tiền tệ thắt chặt để kiểm soát lạm phát ở nhiều nước trên Thế giới, song kinh tế Thủ đô Hà Nội vẫn đạt nhiều kết quả khả quan. Thành phố đã thực hiện có hiệu quả các Chương trình phục hồi và phát triển KTXH như: Hỗ trợ phục hồi phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh: Triển khai thực hiện chính sách giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước, đã ban hành 2.615 quyết định giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước với tổng số tiền được giảm là 756,61 tỷ đồng. Thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, đến nay, doanh số hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại trên địa bàn đạt 36.577,4 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt 14.105,8 tỷ đồng. Thành phố cũng đang tích cực triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Từ những chính sách đó, kinh tế Thủ đô đã phục hồi và phát triển nhanh chóng. Trong đó Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 110,5% dự toán, tăng 16,8% so với năm 2022. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 100,4% dự toán. Tình trạng lạm phát tiếp tục được kiểm soát: CPI bình quân 10 tháng đầu năm tăng 1,51% (cùng kỳ tăng 3,51%). Dự kiến CPI cả năm 2023 trong giới hạn đề ra là dưới 4,5% - đạt mục tiêu đề ra. GRDP 9 tháng đầu năm tăng 6,08% - là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn; Ngành du lịch phục hồi mạnh; tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 20,7 triệu lượt, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2022; Tổng thu từ khách du lịch đạt 76,3 nghìn tỷ đồng, tăng 66,7%. Thành phố đã khởi công xây dựng hạ tầng 10 cụm công nghiệp, nâng tổng số lên 19/43 CCN được xây dựng; đã đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung được 38/40 CCN, đạt tỷ lệ 95%.
Cử tri xã Đông Dư phát biểu: Để thúc đẩy việc hình thành thêm các công trình văn hóa mang tính điểm nhấn, biểu tượng nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội, đề nghị Thành phố chỉ đạo trong quá trình rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, nghiên cứu bổ sung quỹ đất phát triển các công trình văn hóa, trong đó có các công viên chuyên đề và quan tâm có các cơ chế, chính sách ưu tiên thúc đẩy đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, hiện nay Tập đoàn Rosen Partnerse đang nghiên cứu đề xuất dự án Công viên giải trí quốc tế tại huyện Gia Lâm, quận Long Biên với quy mô 140ha. Việc hình thành Công viên tầm cỡ quốc tế trên địa bàn sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn. Đề nghị Đại biểu HĐND Thành phố có ý kiến với UBND Thành phố quan tâm, có cơ chế, chính sách ưu tiên để dự án sớm triển khai thực hiện.

 
Đại diện cử tri Gia Lâm kiến nghị các vấn đề cử tri trong huyện quan tâm
Cử tri xã Bát Tràng đề nghị: Đại biểu HĐND Thành phố quan tâm, có ý kiến với UBND Thành phố tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập Đồ án quy hoạch Bát Tràng. Theo đó, chủ trương lập đồ án quy hoạch chi tiết làng nghề Bát Tràng tỷ lệ 1/500 của Thành phố là phù hợp, tạo động lực phát triển du lịch trên địa bàn. Đồ án Quy hoạch chi tiết đã giao cho Sở Quy hoạch- Kiến trúc triển khai từ năm 2016, tuy nhiên đến tháng 6/2020, UBND Thành phố thực hiện sắp xếp các phòng, ban thuộc Sở và giao Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp tiếp tục thực hiện Đồ án quy hoạch xã Bát Tràng, đến nay lại chuyển về Ban Quy hoạch, Sở Quy hoạch- Kiến trúc thực hiện, việc này làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Cử tri xã Văn Đức phát biểu: Căn cứ Quyết định số 1752/QĐ-UBND ngày 16/3/2017 của UBND thành phố Hà Nội về định mức kinh tế - kỹ thuật, duy trì vận hành hệ thống tưới, tiêu trên địa bàn, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức đã kỷ hợp đồng với Xí nghiệp thuỷ lợi Gia Lâm với diện tích tưới 200ha là 90.000 k điện, tuy nhiên việc sản xuất rau chuyên canh của nhân dân phải tuổi nước thường xuyên hàng ngày, không như lúa mỗi lần lấy nước có thể ngâm chân lúa giữ nước. được từ 10 đến 15 ngày. Vì vậy, các vụ sản xuất hàng năm Xí nghiệp thuỷ lợi Gia Lâm đều phải thực hiện vượt định mức từ 150 – 170% theo định mức khoán. Từ năm 2023 thực hiện Quyết định số 38/QĐ-UBND ngày 27/10/2022 của UBND Thành phố thì định mức giảm xuống chỉ còn hơn 30.000 kw điện, vì vậy đến hết 9 tháng đầu năm 2023 đã vượt định mức khoán trên 300%. Để đảm bảo duy trì nước tưới phục vụ sản xuất vùng rau chuyên canh của nhân dân, đề nghị Đại biểu HĐND thành phố có ý kiến với UBND Thành phố xem xét, điều chỉnh định mức kinh tế - kỹ thuật, duy trì vận hành hệ thống tưới, tiêu cho phù hợp.
Cử tri xã Yên Thường phát biểu: Hiện nay, việc xả thải của xã Tân Lập, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh chảy vào mương tiêu Cửa Nghè của thôn Đình Vỹ, xã Yên Thường gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Đề nghị Đại biểu HĐND Thành phố có ý kiến với UBND Thành phố làm việc với tỉnh Bắc Ninh thống nhất phương án xử lý việc xả thải nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Cử tri xã Kim Sơn tiếp tục kiến nghị về việc cải tạo nâng cấp tuyến đường 181 đoạn qua xã Kim Sơn đến nay chưa hoàn thành di chuyển trạm biến áp, hệ thống đèn điện chiếu sáng có tuy nhiên không đáp ứng được nhu cầu của người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Cử tri xã Cổ Bi kiến nghị giải quyết dứt điểm vấn đề liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đình chùa thôn Vàng và quyết định cấp đất dịch vụ cho 02 hộ gia đình xã Cổ Bi; đẩy nhanh tiến độ dự án trên địa bàn xã tránh tình trạng người dân xả rác thải gấy ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, vấn đề ngập úng dưới chân cầu vượt Phù Đổng, nơi tiếp giáp giữa thôn Vàng và đê Phúc Lợi mỗi khi mưa bão ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Đề nghị HĐND thành phố quan tâm, xem xét.
Cử tri xã Phú Thị đề nghị sớm giải quyết dứt điểm việc cấp đất dịch vụ cho 01 hộ dân trên địa bàn xã đề người dân sớm ổn định cuộc sống.
Cử tri xã Đặng Xá phát biểu vấn đề nguy cơ mất an toàn giao thông tại khu đô thị Đặng Xá, vấn đề ô nhiễm môi trường trên sông Giàng, cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất cho các hộ dân trên địa bàn xã.
Cử tri xã Dương Xá để nghị HĐND thành phố có ý kiến, xem xét, giải quyết vấn đề cung ứng điện chiếu sáng tại các tuyến đường trên đia bàn xã phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Tại buổi tiếp xúc, đại diện UBND huyện, đại biểu Dương Viết Cường- Phó Chủ tịch UBND huyện đã trao đổi, trả lời trực tiếp những kiến nghị của cử tri các xã những vấn đề thuộc thẩm quyền của huyện Gia Lâm.
Thay mặt Tổ đại biểu HĐND thành phố, đại biểu Nguyễn Việt Hà tiếp thu ý kiến của cử tri và thông tin sẽ phân loại ý kiến để chỉ đạo giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền huyện, đồng thời tổng hợp ý kiến còn lại báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, trả lời theo quy định.
Vân Thư
 

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020