Theo Sở
Công thương Hà Nội, trong năm qua có hơn 10 hội chợ triển lãm thương
mại trên địa bàn với 3.395 gian hàng, thu hút hơn 3.000 lượt DN, 25 vạn
lượt khách tham quan, tổng doanh thu đạt hơn 13,5 tỷ đồng. 27 phiên chợ
hàng Việt được tổ chức ở các quận, huyện, thị xã như Quốc Oai, Ứng Hòa,
Đông Anh, Thường Tín… Sở tổ chức thành công Tuần lễ hàng thủ công mỹ
nghệ với hơn 100 DN tham gia, trưng bày 300 loại hàng hóa, gắn với tổ
chức du lịch làng nghề và cuộc thi sáng tác mẫu mã, kiểu dáng để nâng
cao chất lượng sản phẩm. Những tháng cuối năm, thành phố liên tục tổ
chức các đợt bán hàng bình ổn giá, kích cầu du lịch để thu hút du khách.
Sở đã tổ chức thành công Tháng khuyến mãi Hà Nội năm 2010, thu hút 256
DN tham gia với hơn 1.100 điểm khuyến mãi; phối hợp với Tổng cục Du lịch
thực hiện chương trình bán hàng giảm giá kích cầu du lịch với gần 100
điểm bán hàng của 50 đơn vị. Riêng Tổng Công ty Thương mại Hà Nội
(Hapro) đã triển khai 23 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện trên địa
bàn, đạt doanh thu 1,58 tỷ đồng. Các cửa hàng trong Tổng Công ty tăng
cường tỷ trọng hàng nội địa, chiếm 60-80% tổng số hàng hóa... Thành đoàn
Hà Nội cũng là đơn vị tham gia tích cực CVĐ với những hoạt động như tổ
chức Festival "Sáng tạo trẻ" Thủ đô, trong đó có nội dung giới thiệu các
gian hàng Việt để bình chọn, vận động nhân dân, thanh niên ưu tiên dùng
hàng Việt Nam... Theo điều tra của Công ty TV Plus, sau một năm triển
khai CVĐ, đến nay đã có gần 60% NTD quan tâm đến hàng Việt, trước đó chỉ
có 23%; số lượng, chủng loại hàng Việt trong các siêu thị đã chiếm
khoảng 70-80%...
Tuy nhiên, theo nhận định của Sở Công thương, việc đưa hàng về nông thôn vẫn còn một
số hạn chế. Tại nhiều địa phương, việc tổ chức hội chợ, triển lãm chưa
thu hút được những DN có thương hiệu mạnh, chưa kết nối được giữa sản
xuất, phân phối và tiêu dùng, chỉ dừng lại ở trưng bày, giới thiệu sản
phẩm. Nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn một số ít DN đưa hàng tồn kho về
nông thôn để tiêu thụ. Nhiều mặt hàng mẫu mã không đẹp, chất lượng chưa
bảo đảm nhưng có giá cao...
Ông Đào Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP
Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo CVĐ cho biết, CVĐ không chỉ nâng cao ý thức
trách nhiệm của DN với NTD, mà còn tạo điều kiện cho DN mở rộng thị
trường nội địa, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, bảo
đảm an sinh xã hội. Thời gian tới, thành phố tiếp tục động viên các DN
tích cực ứng dụng khoa học công nghệ mới, phát triển sản xuất để tạo ra
sản phẩm chất lượng có giá thành phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng
trong nước và xuất khẩu. Hà Nội sẽ mở rộng hệ thống phân phối đến gần
hơn với NTD, trong đó chú trọng địa bàn nông thôn. Giải pháp nữa là chú
trọng thực hiện chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm gắn với biện
pháp bình ổn giá; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhằm phát
hiện hành vi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu, gian lận
thương mại, góp phần bảo vệ DN sản xuất - kinh doanh chân chính, bảo vệ
NTD.
Thanh Hiền (Báo HàNộimới)