Chương trình có sự
góp mặt của nhiều nghệ sỹ, ca sĩ nổi tiếng như: chỉ huy dàn nhạc – NSƯT
Thiếu hoa, NSND Quang Thọ, ca sĩ Mỹ Linh, Hồng Vy, Xuân Hảo, Hoàng
Tùng, Ngọc Quy, Hoàng Thái… và dàn nhạc, hợp xướng, tốp múa của Nhà hát
Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.
Trong đêm nhạc “Thăng Long ngàn năm vang mãi” những
thăng trầm của đất nước, những hồi ức về Hà Nội, hào khí Thăng Long,
niềm tự hào về thành phố ngàn năm tuổi… tràn đầy trong ca
từ của các ca khúc biểu diễn đã để lại trong lòng người nghe những cảm
xúc mạnh mẽ. Trong phần một của chương trình, bên cạnh những ca khúc nổi
tiếng đã đi vào lòng người từ rất lâu như: Bài ca Hà Nội (Vũ Thanh), Hà
Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân)… chương trình cũng giới thiệu đến
người nghe một số ca khúc mới đoạt giải thưởng âm nhạc năm 2009 về chủ
đề Thăng Long Hà Nội như: hợp xướng Dời đô – Ngàn năm vang mãi (Nguyễn
Tiến) với ca từ hào sảng lấy nội dung chính từ Chiếu dời đô của vua Lý
Công Uẩn.
Phần hai của chương trình được nhiều khán giả trông
đợi chính là phần trình diễn tác phẩm thanh xướng kịch “Hoa Lư – Thăng
Long – Bài ca dời đô” của tác giả Doãn Nho. Thanh xướng kịch hay còn gọi
là oratorio là thể loại âm nhạc cổ điển thuộc loại “bác học” của phương
Tây, có quy mô lớn viết cho dàn nhạc giao hưởng, ca sĩ solo và dàn hợp xướng. Đây là kịch bằng âm nhạc, hát có nhạc đệm để kể lại những câu chuyện kịch.
Thanh xướng kịch (Oratorio) “Hoa Lư - Thăng Long -
Bài ca dời đô” là một câu chuyện kể về lịch sử của Thăng Long xưa, gồm 4
chương: Lý Công Uẩn xuống chiếu dời đô; Dời bến ghềnh thác; Ngược dòng
sông Hồng; Cập bến Đại La.
Câu chuyện kể về hành trình dời đô từ Hoa Lư đến
Thăng Long của vua Lý Thái Tổ, cuộc tiễn đưa của người dân Hoa Lư và
cuộc đón rước vua về kinh đô mới của người dân thành Đại La. Nhạc sĩ đã
lấy giả thiết vua Lý Công Uẩn đến Đại La bằng đường thủy qua nhiều con
sông như sông Hoàng Long, sông Đáy, sông Châu, sông Hồng cùng nhiều địa
danh và cuối cùng đã đến được thành Đại La...
Khánh Linh