Ngày 4/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề “Thực hiện chính sách pháp luật về hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội” với 18 huyện, thị xã gồm: Thanh Trì, Thanh Oai, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Thạch Thất, Phúc Thọ, Ba Vì, Hoài Đức, Đan Phượng và thị xã Sơn Tây.
Toàn cảnh hội nghị
Chủ trì buổi tiếp xúc cử tri có: Bà Bùi Huyền Mai - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; ông Dương Cao Thanh – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Hà Nội. Cùng dự có: Đại diện lãnh đạo Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Cục chăn nuôi, Cục thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục An toàn thực phẩm – Bộ y tế, Cục Quản lý thị trường – Bộ Công thương; các Giáo sư, Tiến sỹ, chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về chăn nuôi, môi trường; đại diện các sở, ban ngành TP.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP cho biết: Trong thời gian qua, TP Hà Nội đã nỗ lực trong công tác quy hoạch, xây dựng các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, tuy nhiên, hiện nay tiến độ thực hiện quy hoạch vẫn còn chậm, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có khoảng 988 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó, có 125 cơ sở giết mổ được kiểm soát, chiếm tỷ lệ thấp. Với nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm của TP ước khoảng 324.000 tấn/năm, tương đương khoảng 900 tấn/ngày, lượng thịt gia súc, gia cầm hằng ngày được cung cấp từ 125 cơ sở giết mổ được kiểm soát là 425 tấn/ngày, ước tính nguồn thịt nhập vào Hà Nội có kiểm soát khoảng 100 tấn/ngày. Như vậy, lượng thịt gia súc, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn TP được kiểm soát khoảng 515 tấn/ngày, đã đáp ứng được 59% nhu cầu tiêu thụ thịt của TP. Từ đầu năm đến nay, việc thực hiện kiểm tra, kiểm soát giết mổ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Các đoàn kiểm tra đã lấy tổng số 160 mẫu thịt gia súc, gia cầm, 1.402 mẫu nước tiểu tại 32 cơ sở giết mổ, kết quả 100% mẫu không phát hiện có chất cấm; qua kiểm tra các cơ sở giết mổ, sơ chế sản phẩm động vật đủ điều kiện do Chi cục Thú y Hà Nội thẩm định, quản lý, đến 31/7/2018 đã cung cấp mã số kiểm soát, giết mổ cho 107 cơ sở giết mổ và 119 cơ sở sơ chế sản phẩm động vật được cấp mã số kiểm tra vệ sinh để thực hiện in trên bao bì gói kín sản phẩm.
ông Dương Cao Thanh – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị.
Theo quy hoạch, đến năm 2020, TP có 11 điểm giết mổ công nghiệp, 45 điểm giết mổ thủ công nghiệp, hiện có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp đang hoạt động và được đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại, 26 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, thủ công tập trung, 35/45 điểm quy hoạch giết mổ thủ công chưa tập trung triển khai thực hiện. So với năm 2012 (thời điểm trước quy hoạch), TP đã hình thành được các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp/thủ công tập trung, số lượng các điểm hộ, giết mổ nhỏ lẻ không được kiểm soát, nằm trong dân cư đã giảm đáng kể, từ 2.500 hộ xuống còn gần 1000 hộ. Tuy nhiên, số lượng các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp/ thủ công tập trung theo quy hoạch còn ít, hoạt động chưa hiệu quả, chưa phát huy hết công suất thiết kế. Một số điểm quy hoạch, bố trí địa điểm xây dựng cơ sở giết mổ chưa phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương. Tính đến nay, TP đã phê duyệt 6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung được hưởng chính sách hỗ trợ, với tổng kinh phí trên 25 tỷ 629 triệu đồng.
Bên cạnh đó còn có những hạn chế như: Việc sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn trên địa bàn TP vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, trong đó, hệ thống cơ sở dữ liệu về thống kê, kiểm tra đánh giá các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý của các quận, huyện, xã, phường, thị trấn chưa cập nhật đầy đủ, thường xuyên. Việc triển khai giữa các địa phương còn khác nhau, ngoài huyện Thanh Trì, một số quận, huyện và đặc biệt là tuyến xã, phường chưa được quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt trong việc di dời các hộ, điểm giết mổ nhỏ lẻ vào giết mổ tại các khu giết mổ tập trung tại địa phương dẫn tới kết quả đạt thấp,
Tại buổi tiếp xúc, đại diện các đơn vị quản lý nhà nước, các hợp tác xã nông nghiệp, công ty đang trực tiếp kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm đã đưa ý kiến đóng góp gửi tới đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Trong đó, nhiều ý kiến xoay quanh công tác kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm, trách nhiệm điều hành công tác phối hợp vẫn còn chưa có đầu mối chỉ đạo. Cần tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm. Hỗ trợ vốn để các hộ kinh doanh, sản xuất mở rộng mặt bằng. Ngoài ra, các chủ công ty, doanh nghiệp, cán bộ thú y, quản lý an toàn thực phẩm các huyện cũng đưa ra một số ý kiến trong việc tham gia các chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn, thực phẩm thịt sạch khó cạnh tranh được với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường... các đại biểu kiến nghị cần tăng cường kiểm tra kiểm soát và có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với những cá nhân, những tổ chức sản xuất, kinh doanh, buôn bán, chế biến thực phẩm vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Tại huyện Thanh Trì, công ty Cổ phần Thịnh An được TP đầu tư xây dựng từ năm 2012, đang kinh doanh tại cơ sở giết mổ tập trung tại xã Vạn Phúc. Hiện nay, công suất giết mổ của Công ty Thịnh An lên đến trên 1.200 con lợn mỗi ngày, đem lại hiệu quả cao về kinh tế và xã hội, Trạm Thú y huyện và TP túc trực thường xuyên kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm của Công ty. Bà Phạm Thị Thu Huyền – Phó chủ tịch UBND Huyện Thanh Trì cho biết: TP đã bổ sung cơ chế giết mổ gia súc xã Vạn Phúc vào quy hoạch mạng lưới giết mổ của TP, hỗ trợ công ty đầu tư, nâng cấp, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo công suất xử lý nước thải hằng ngày, có chính sách hỗ trợ cơ sở đầu tư dây chuyền giết mổ ứng dụng công nghệ cao theo hướng liên kết chuỗi khép kín từ chăn nuôi – giết mổ - sơ chế để cung cấp cho thị trường những sản phẩm sạch.
Các đại biểu cử tri, các đại biểu Quốc hội và đại diện các Bộ, Sở, ban, ngành TP đánh giá cao những ý kiến đóng góp, đề xuất tâm huyết của các đại biểu và hoàn toàn sát với đời sống thực tiễn có nhiều góp ý quý báu để có những điều chỉnh kịp thời về cơ chế chính sách trong quản lý an toàn thực phẩm. Đồng thời, đoàn kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan phân công cơ quan chuyên trách quản lý về an toàn thực phẩm, thống nhất một đầu mối quản lý chung, đề xuất phân công Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là cơ quan chuyên trách về an toàn thực phẩm; tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, có thị trường tiêu thụ nhằm tăng khả năng cạnh tranh, tăng thị phần. Những ý kiến của cử tri sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp, đề nghị các cấp chức năng và các cơ quan liên quan xem xét giải quyết./.
MTTQ huyện Thanh Trì