Đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn Thành phố Hà Nội

12/12/2024 - 02:29 PM
 Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư (18/11) là “Ngày hội” của toàn dân với nhiều nội dung và hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu dân cư. Những thành tựu đạt được của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư cho thấy vai trò, ý nghĩa trong việc nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, về lịch sử vẻ vang và vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương cũng như trên cả nước. 
 
Thực tiễn tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở Thành phố Hà Nội những năm qua
 
Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp Thành phố Hà Nội đã phối hợp với chính quyền tổ chức thành công và có hiệu quả “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” tại các khu dân cư. Thông qua Ngày hội, truyền thống đoàn kết của dân tộc được phát huy, khơi dậy các phong trào thi đua ái quốc, góp phần tăng cường và phát huy tinh thần làm chủ của Nhân dân, không ngừng củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.
 
Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, có văn bản báo cáo Thường trực Thành ủy và công văn mời các đồng chí lãnh đạo Trung ương và Ban Thường vụ Thành uỷ, Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội về dự Ngày hội tại các khu dân cư, thăm tặng quà các hộ gia đình chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn,... động viên các tầng lớp nhân dân tích cực phấn đấu xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, phát triển toàn diện.
 
Đồng thời, hướng dẫn Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư có kế hoạch mời các đồng chí lãnh đạo địa phương, cán bộ các cấp cư trú trên địa bàn về dự Ngày hội cùng Nhân dân tại cộng đồng; hỗ trợ kinh phí cho một số khu dân cư và tặng quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tại “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”.
 
 Tổng Bí thư Tô Lâm đến dự và chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với Nhân dân
liên địa bàn dân cư phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội, tháng 11/2024. ẢNH: QUANG VINH

 
Năm 2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục đổi mới công tác tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm thiết thực, ý nghĩa và phù hợp với điều kiện thực tế từng địa bàn cơ sở để Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thật sự là Ngày hội của toàn dân.
 
Để việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 bảo đảm chất lượng, ý nghĩa, thiết thực, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị lãnh đạo, tạo điều kiện tổ chức tốt Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 tại các địa phương. Đồng thời, chỉ đạo tuyên truyền, khuyến khích đảng viên, cán bộ, công chức tham dự Ngày hội để cùng chung vui, qua đó nắm tình hình, thăm hỏi, động viên, khích lệ tinh thần Nhân dân trên địa bàn. Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân Thành phố, lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp chuẩn bị các điều kiện phục vụ tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa phương; chỉ đạo các đồng chí lãnh đạo sở, ban, ngành tham gia các hoạt động Ngày hội với Nhân dân.
 
Ban Tuyên giáo Thành ủy được giao nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân Thủ đô về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ý nghĩa của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; lịch sử vẻ vang và sự đóng góp to lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
 
Công tác tuyên truyền trước, trong và sau Ngày hội
 
Hàng năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Thành phố đến cơ sở và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đều tích cực tổ chức tuyên truyền sâu rộng trước, trong và sau “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Nội dung tuyên truyền trọng tâm là  mục đích, ý nghĩa của “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư;  truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; kết quả xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của đất nước; các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc phát động, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”), các thành tựu kinh tế - xã hội của Thành phố và cơ sở trong quá trình thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Thành phố.
 
Biểu dương các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu thực hiện các phong trào, các cuộc vận động của địa phương. Hoạt động của các đồng chí Lãnh đạo Trung ương, Thành phố và địa phương tham dự “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” với các tầng lớp nhân dân ở khu dân cư.
 
Thông qua tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các phong trào, các cuộc vận động của địa phương.
 
Sau Ngày hội, tích cực tuyên truyền về kết quả tổ chức Ngày hội ở khu dân cư, các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn dân cư.
 
Tổ chức các hoạt động trong Ngày hội
 
Về phần lễ: Đa số các khu dân cư đã thực hiện theo đúng nội dung, chương trình hướng dẫn của Trung ương, Thành phố đề ra: Tuyên truyền về lịch sử, truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, gắn với lịch sử truyền thống đất nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với nhiệm vụ chính trị và công cuộc đổi mới ở địa phương.
 
Đánh giá kết quả một năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nêu bật những kết quả đạt được và phân tích nguyên nhân, hạn chế, tồn tại, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong năm tới; tặng quà cho các hộ chính sách và hộ nghèo; biểu dương, khen thưởng các gia đình văn hóa tiêu biểu,  tổ chức ký giao ước thi đua giữ vững danh hiệu của khu dân cư; phát động thi đua thực hiện tốt các nội dung Cuộc vận động.
 
Về phần hội: Hầu hết các khu dân cư đã chuẩn bị khá công phu, tổ chức biểu diễn văn hóa văn nghệ ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, quê hương, đất nước do chính Nhân dân trên địa bàn biểu diễn; tổ chức các trò chơi dân gian mang đậm tính dân tộc, như: kéo co, trống hội, thi thổi cơm, bịt mắt đập niêu, bắt trạch trong chum và tổ chức thi đấu thể thao cầu lông, bóng bàn, biểu diễn võ thuật, thái cực quyền của Câu lạc bộ Người cao tuổi  được tiến hành từ hôm trước, thu hút được đông đảo Nhân dân tham gia, tạo không khí, vui tươi, sôi nổi cho Ngày hội.
 
Trước giờ khai mạc Ngày hội, Nhân dân còn tổ chức múa lân, trống hội, thổi kèn, hát chèo, biểu diễn cồng chiêng,... Trong dịp này, nhiều địa phương còn tổ chức “Bữa cơm Đại đoàn kết” với sự tham gia của đông đảo các hộ dân trong khu dân cư. Qua đó, đã tạo sự gắn bó, đoàn kết trong Nhân dân với tinh thần đổi mới. Trong những năm qua, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo, với hình thức phần lễ tổ chức tại khu dân cư hoặc liên khu dân cư, còn phần hội tổ chức ở liên khu dân cư hoặc cấp xã.
 
Theo tổng hợp báo cáo, hàng năm 100% các khu dân cư trên địa bàn Thành phố tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Trong đó, có trên 96% khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội; trên 53% khu dân cư tổ chức bữa cơm đại đoàn kết. Với những hoạt động thiết thực, sinh động, phong phú và nhiều ý nghĩa, “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” đã thu hút ngày càng đông các tầng lớp nhân dân tham gia, làm cho Ngày hội có sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ, góp phần động viên Nhân dân phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, là biểu hiện sinh động của lòng dân, gắn bó tình làng, nghĩa xóm. Mỗi người dân khi tham gia Ngày hội đã ý thức được sự gắn bó giữa cá nhân và cộng đồng, nhất là các cán bộ, đảng viên, công chức với khu dân cư mà mình sinh sống, qua đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và phát triển, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
 
Giải pháp đổi mới nội dung, phương thức tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc
 
Thứ nhất, việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” cần phát huy sự sáng tạo của mỗi khu dân cư, tùy theo đặc điểm của từng nơi để tổ chức cho phù hợp. Mỗi năm cần lựa chọn được một chủ đề thích hợp, khuyến khích các khu dân cư tổ chức Ngày hội theo hình thức liên khu dân cư nhằm tạo điều kiện trao đổi, học tập lẫn nhau, tạo sự gắn bó, đoàn kết giữa các khu dân cư.
 
Thứ hai, về nội dung, các hoạt động phần lễ và phần hội đảm bảo yêu cầu chung là vui tươi, phấn khởi, trang nghiêm, trang trọng, hiệu quả không phô trương, hình thức. Trong đó phần lễ cần ngắn gọn, đầy đủ các nghi lễ theo hướng dẫn. Phần hội nên được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú để mọi người trong khu dân cư có điều kiện tham gia, khuyến khích các hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian mang tính truyền thống của địa phương; chú ý phát huy vai trò, thế mạnh của các tổ chức thành viên, các tổ chức, cá nhân sinh sống tại địa bàn dân cư. Căn cứ vào tình hình cụ thể, các địa phương tổ chức “Bữa cơm Đại đoàn kết” tại khu dân cư cho phù hợp.
 
Thứ ba, hàng năm, chủ động xây dựng kế hoạch liên tịch với chính quyền để tạo sự phối hợp đồng bộ chặt chẽ, đảm bảo các điều kiện cho khu dân cư tổ chức Ngày hội tốt hơn. Chủ động mời các đồng chí lãnh đạo các cấp dự Ngày hội, quan tâm tới những địa bàn còn khó khăn, tôn giáo, dân tộc để  kịp thời động viên bà con và tạo không khó vui tươi trong Ngày hội.
 
Thứ tư, Mặt trận Tổ quốc các cấp tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ Mặt trận, nhất là trưởng Ban Công tác Mặt trận về tổ chức Ngày hội, nâng cao hiệu quả hiệp thương, phân công phối hợp với các tổ chức thành viên trong tổ chức Ngày hội.
 
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư hàng năm đã, đang và sẽ ngày càng mở rộng và không ngừng được phát huy phong phú và đa dạng cả về hình thức tổ chức lẫn nội dung. Trách nhiệm của mỗi người dân là cần tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết tại địa phương, từ đó tạo nên nguồn sức mạnh chung, to lớn của cả cộng đồng, tạo động lực mạnh mẽ để sớm thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
 
NGUYỄN SỸ TRƯỜNG -  Phó Chủ tịch Thường trực
 
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội
Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020