Đồng chí Trương Tấn Sang làm việc với TP Hà Nội về tình hình thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW

28/06/2011 - 12:00 AM
Đồng chí Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi làm việc

Thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, TP Hà Nội đã phát huy tính chủ động, sáng tạo, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và đã mang lại những kết quả rõ rệt. Cụ thể, kinh tế Thủ đô luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân tăng trưởng GDP 5 năm (2006-2010) đạt 10,73%. Trong đó ngành dịch vụ tăng 10,35%, công nghiệp - xây dựng tăng 12,78%, nông nghiệp tăng 2,62%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 40,8% lên 41,6%; tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 52,3% lên 52,5%; tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 6,9% xuống còn 5,9%.

Thu ngân sách trên địa bàn đạt kết quả tốt, liên tục vượt dự toán được giao hàng năm, tốc độ tăng thu bình quân hàng năm đạt 25,3%. Năm 2010, lần đầu tiên TP đạt mức thu ngân sách trên 100 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 20% của cả nước và trên 50% toàn vùng đồng bằng sông Hồng. Các lĩnh vực sản xuất của Hà Nội tiếp tục phát triển mạnh. Ngành công nghiệp Thủ đô phát triển theo hướng có chọn lọc. TP đã lựa chọn, công nhận và hỗ trợ 53 sản phẩm công nghiệp chủ lực của 47 doanh nghiệp. Các sản phẩm này đã đóng góp trên 30% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành và chiếm 10% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn. Ngành xây dựng có mức tăng trưởng cao và liên tục. Sau 5 năm TP đã xây mới được trên 11 triệu m2 nhà ở, xây 66 chợ, đang triển khai xây dựng 47 cụm công nghiệp, 56 cụm công nghiệp làng nghề với tổng diện tích 3.164 ha, thu hút 2.361 dự án đầu tư…

Văn hóa - xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường được TP quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực, TP xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu, các di tích lịch sử văn hóa được mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô quan tâm. Bên cạnh đó, an sinh xã hội trên địa bàn được đảm bảo, TP đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 12,5% xuống còn 4,5%, trong 5 năm tạo khoảng 113.000 việc làm mới, đào tạo nghề cho 140.000 người. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm và là địa phương đứng đầu cả nước trong lĩnh vực này. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo có những bước phát triển toàn diện, TP đã cơ bản xóa phòng học tạm, phòng học cấp 4, xây dựng và nâng tỷ lệ trường chuẩn quốc gia lên 25%. An ninh trật tự trên địa bàn TP được đảm bảo ổn định, công tác quốc phòng và quân sự địa phương được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của TP trong tình hình mới.

Đặc biệt, với vai trò là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa, Hà Nội đã tăng cường hợp tác với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng trên tất cả các lĩnh vực như quy hoạch, xây dựng, kế hoạch và đầu tư, xử lý ô nhiễm môi trường... TP Hà Nội và 2 tỉnh Hà Nam, Hải Dương tổ chức gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về công nghiệp, tăng cường các hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Hà Nội ra các tỉnh trong vùng với 790 dự án, tổng số vốn 38.000 tỷ đồng…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Tấn Sang đánh giá cao những kết quả mà TP Hà Nội đã đạt được trong thời gian vừa qua, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, thúc đẩy tăng trưởng chung của các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng, vị trí, vai trò của Hà Nội ngày một tăng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, đồng chí cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của TP Hà Nội trong việc thực hiện Nghị quyết 54, đó là mặc dù phát triển đô thị nhanh nhưng chưa đạt được mục tiêu là xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; kết cấu hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập, công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị còn bộc lộ một số yếu kém; chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh trong quá trình phát triển, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp….

Trên cơ sở đó, đồng chí Trương Tấn Sang lưu ý TP Hà Nội cần ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng giao thông, phải là địa phương đi đầu trong thực hiện mục tiêu từ nay đến 2015 tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Để làm được điều đó, Hà Nội cần phải xác định rõ nguồn lực, các hình thức thu hút nguồn lực đầu tư và khi đã có nguồn lực thì phải thực hiện đúng mục tiêu đã đề ra, trên cơ sở tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các nguồn lực đó. Đồng chí Trương Tấn Sang cũng lưu ý, bên cạnh hệ thống pháp luật mang tính phổ biến chung thì Hà Nội cần có các cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy những tiềm năng, lợi thế cho Hà Nội phát triển. Bên cạnh đó phải tháo gỡ những tồn tại trong sự phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương. Đồng chí Trương Tấn Sang cũng yêu cầu TP Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế hợp tác để thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng.

(Nguồn: Cổng giao tiếp điện tử) 



Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020