Cuộc vận động nhằm
phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc,
xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng
Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Là cuộc vận động có tính chiến lược, lâu dài, nhằm phát huy nội lực nền kinh tế đất nước, thành phố đã triển
khai nhiều giải pháp đồng bộ. Việc thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động
được thành lập ở 29 quận, huyện, thị xã để chỉ đạo sâu sát việc triển
khai thực hiện. Trên cơ sở đó, thành phố tổ chức triển khai các chương
trình hội chợ, phiên chợ, triển lãm… đưa các sản phẩm tiêu biểu của các
doanh nghiệp trong nước đến với mọi người dân trên địa bàn Thủ đô. Đồng
thời tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp với các giải pháp cơ bản: Cân
bằng tỷ giá, với cơ chế và chính sách phù hợp giảm thiểu chi phí sản
xuất, lưu thông hàng hóa, để doanh nghiệp tập trung sản xuất ra hàng hóa
đảm bảo đúng yêu cầu với giá thành cạnh tranh. Xây dựng bản đồ hệ thống
phân phối trên địa bàn phù hợp với điều kiện mở cửa hệ thống bán lẻ,
giúp hàng hóa Việt Nam có thể bám rễ vững chắc tại thị trường nội địa;
Xây dựng các phương án cho các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng được
vay vốn ưu đãi; xây dựng phương án hoạt động thống nhất, tránh tình
trạng tổ chức riêng lẻ của các địa phương; Triển khai đồng bộ trong quá
trình xây dựng và thực thi cơ chế, chính sách, từ việc kiểm soát hàng
nhập khẩu, phát triển thị trường trong nước đến việc kiểm tra, kiểm soát
thị trường để bảo vệ cho hàng hoá và thị trường nội địa; Nâng cao chất
lượng, số lượng hàng hóa thuộc các ngành sản xuất công nghiệp chủ chốt
như công nghiệp, thương mại dịch vụ, chinh phục người Việt Nam ưu tiên
dùng hàng Việt Nam bằng chính chất lượng sản phẩm của mình…
Trong tháng 8 vừa qua, tại Hội thảo chính sách trợ
giúp phát triển doanh nghiệp lần thứ 3, Hà Nội xin ý kiến các Bộ, ngành
Trung ương nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa,
Quỹ bảo lãnh tín dụng với mục đích nâng cao năng lực cạnh tranh cho các
doanh nghiệp. Vốn của quỹ dự kiến được huy động từ nhiều nguồn khác nhau
như ngân sách Nhà nước, viện trợ, tài trợ của các tổ chức trong và
ngoài nước. Hà Nội cũng sẽ công bố công khai quỹ đất để thực hiện đầu tư
xây dựng các khu, cụm công nghiệp, làng nghề cho các doanh nghiệp có
nhu cầu thuê làm mặt bằng sản xuất kinh doanh hoặc di dời ra khỏi nội
thành, nội thị để đảm bảo cảnh quan môi trường và phù hợp với quy hoạch.
Đây là giải pháp lâu dài để các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn
Thành phố phát triển bền vững.
Với việc triển khai chặt chẽ, hiệu quả, Cuộc vận động
đã nhận được sự ủng hộ tích cực của người tiêu dùng Hà Nội. Thông qua
các chương trình “Phiên chợ hàng Việt”, “Tháng Khuyến mại 2010”, hội
chợ, triển lãm… các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp,
khu đô thị... đã giúp cho người tiêu dùng tiếp cận trực tiếp với thương
hiệu, doanh nghiệp Việt, có đủ thông tin để so sánh, đánh giá, tránh
hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu; đồng thời nhận thức đúng đắn hơn khả
năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng của
sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Chính sức mua của nhân dân là động
lực quan trọng thúc đẩy thị trường nội địa hoạt động tích cực và sôi
nổi, hiệu quả hơn. Những chuyển biến tích cực trên thể hiện nét đẹp văn
hóa tiêu dùng của người Thủ đô.
Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng làm nên thành công
cuộc vận động là trách nhiệm của các doanh nghiệp. Để người Việt ưu tiên
dùng hàng Việt, trước tiên các doanh nghiệp phải cung cấp đủ lượng hàng
hóa, với giá cả và chất lượng đảm bảo. Nghĩa là bản thân các doanh
nghiệp phải nâng cao trách nhiệm trong sản xuất hàng hóa, phải tự đổi
mới toàn diện mới thu hút được người tiêu dùng. Cuộc vận động kêu gọi
người tiêu dùng chọn hàng nội là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp văn hóa
tiêu dùng của người Hà Nội nói riêng và người dân nước Việt nói chung.
Song, người tiêu dùng chọn hàng nội, khi hàng nội có chất lượng và giá
cả tương đương hàng ngoại, chỉ như vậy mới tạo nên sự phát triển bền
vững trong cơ chế thị trường. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu doanh nghiệp
Việt Nam đặt chất lượng lên hàng đầu, cam kết vệ sinh an toàn thực phẩm,
giữ uy tín với khách hàng, xây dựng thương hiệu vững mạnh... thì tự
thân người tiêu dùng cũng sẽ cổ vũ cho thị trường nội địa, bởi trong mỗi
người dân đều chất chứa lòng tự tôn dân tộc, cùng đất nước thực hiện
công cuộc đổi mới.
Thời gian qua, chất lượng hàng Việt Nam được chú
trọng nhiều hơn, số doanh nghiệp có hàng Việt Nam chất lượng cao ngày
càng tăng. Hàng Việt Nam sản xuất trong nước ở nhiều ngành dần khẳng
định được thương hiệu với lợi thế giá cả, chất lượng ổn định và mẫu mã
tốt, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến; quần áo,
da giày, dụng cụ gia dụng, đồ dùng gia đình, đồ dùng học tập, văn phòng
phẩm, hàng nhựa, vật liệu xây dựng…Cuối tháng 10/2010, thành phố ra
Quyết định công nhận 35 sản phẩm của 30 doanh nghiệp là sản phẩm “Hàng
Việt Nam được người tiêu dùng Thủ đô yêu thích” lần thứ I. Đây là những
ghi nhận của thành phố, của người dân Thủ đô trước những nỗ lực của các
doanh nghiệp. Những thành công quan trọng bước đầu sẽ là nền tảng vững
chắc để các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh trên thị trường
trong nước và hướng ra quốc tế.
Với vị trí Thủ đô, những chuyển biến tích cực trong
văn hóa tiêu dùng của người Hà Nội còn có sức lan tỏa tới các địa phương
trên cả nước, góp phần quan trọng phát triển bền vững nền kinh tế đất
nước.
MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Sau
hơn 1 năm triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng
Việt Nam” trên địa bàn thành phố đạt được một số kết quả quan trọng như
sau:
1. Ngày 22/10/2010, UBND Thành phố ký Quyết định công nhận 35 sản phẩm
của 30 doanh nghiệp là “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng Thủ đô yêu
thích” lần thứ I.
2. Tổ chức 27 “Phiên chợ hàng Việt” tại các huyện ngoại thành, thu hút
hơn 20 doanh nghiệp tham gia, với khoảng gần 1.000 mặt hàng; tổ chức hơn
10 hội chợ triển lãm thương mại với 3.395 gian hàng, thu hút trên 3.000
lượt doanh nghiệp tham gia và 25 vạn lượt khách tham quan.
3. Hỗ trợ, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tổ chức 48 hội chợ
triển lãm thương mại với 8.695 gian hàng, thu hút 6.666 lượt doanh
nghiệp tham gia và 75,4 vạn lượt khách tham quan; doanh thu bán hàng đạt
86,7 tỷ đồng.
4. Tổ chức “Tháng Khuyến mại Hà Nội 2010” từ ngày 1/11 đến ngày
31/11/2010, thu hút 256 doanh nghiệp tham gia với trên 1.100 điểm khuyến
mại; mức giảm giá từ 20% – 50% đối với ít nhất 20% mặt hàng.
5. Triển khai bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu tới 13 doanh nghiệp. Từ
ngày 1/7/2010, các doanh nghiệp đã tổ chức 388 điểm bán hàng với giá cả
và chất lượng đảm bảo.
6. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc tiêu thụ hàng giả, hàng nhái.
Tính đến tháng 11 năm 2010, kiểm tra 5.760 vụ; xử lý: 5.446 vụ, đạt
97,2% kế hoạch năm; tổng số tiền thu phạt 36.934.040.000 đồng, đạt
142,1% kế hoạch năm.