Đây là một sự kiện chính trị quan trọng thể hiện tính
đúng đắn, giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn, lâu dài của Trung ương về
chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng, phát
triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; khơi dậy niềm tự
hào, nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các
tầng lớp nhân dân Thủ đô trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống lịch
sử ngàn năm văn hiến, anh hùng của Thăng Long-Hà Nội.
Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc
hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có
liên quan nêu rõ: Hợp nhất vào Hà Nội toàn bộ diện tích tự nhiên là
219.341,11 ha và 2.568.007 dân số của tỉnh Hà Tây; chuyển toàn bộ huyện
Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc bao gồm diện tích tự nhiên là 14.164.35 ha và
dân số 187.255 người; chuyển toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số hiện
tại (trước thời điểm 1/8/2008) của 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà
Bình…
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, TP Hà Nội có diện tích tự nhiên
là 334.470,02 ha và dân số là 6.232.940 người, bao gồm diện tích tự
nhiên và dân số của các quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng,
Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân; các huyện: Đông
Anh, Từ Liêm, Sóc Sơn, Gia Lâm, Thanh Trì, Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng,
Hoài Đức, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh
Oai, Thường Tín, Ứng Hoà, Mê Linh; các TP Hà Đông, Sơn Tây và các xã:
Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung.
Xác định việc thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới
hành chính là một sự kiện có ý nghĩa chiến lược, làm tiền đề cho một
cuộc kiến tạo lớn của Thủ đô, trước và sau khi tiếp nhận toàn bộ tỉnh Hà
Tây, một huyện của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã của tỉnh Hoà Bình, Hà Nội đã
tiến hành một loạt những công việc đồ sộ. Trong đó, tháo bỏ những băn
khoăn, lo lắng của không ít cán bộ, đảng viên và nhân dân; tiến hành sắp
xếp lại bộ máy, ổn định tổ chức…là việc làm đầu tiên để tạo nên sức
mạnh của sự đồng thuận.
Với sự ủng hộ của Trung ương và các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo
quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính
trị, chỉ sau 5 năm (2008-2013),Thủ đô Hà Nội đã vượt qua rất nhiều khó
khăn, thử thách, xứng đáng là ‘’đầu tàu’’ của cả nước và là trung tâm
chính trị-hành chính quốc gia; trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo
dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Đáng tự hào là từ một TP chỉ rộng
152km2 với 53 nghìn dân sinh sống (sau ngày tiếp quản Thủ đô 1954), đến
nay, trải qua 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính (mà cuộc kiến tạo lớn
nhất, quy mô nhất là vào năm 2008),Thủ đô Hà Nội đã có diện mạo mới với
diện tích 3.344km2, dân số 7,3 triệu người, trở thành đô thị có diện
tích lớn nhất nước và là một trong 17 thủ đô có quy mô lớn trên thế
giới.
Điểm lại những thành quả đã đạt được sau 5 năm mở rộng địa giới hành
chính Thủ đô, chúng ta không khỏi vui mừng khi nhận thấy, dù trải qua
không ít những giai đoạn, hoàn cảnh khó khăn, song mức tăng trưởng kinh
tế TP luôn đạt bình quân 9,45%/năm, gấp 1,5 lần trở lên so với mức tăng
trưởng chung của cả nước và chiếm hơn 13% GDP, tổng thu ngân sách Nhà
nước. Thu nhập bình quân đầu người toàn TP năm 2012 tăng 1,33 lần so với
năm 2008, khi mới sáp nhập. Những vấn đề trọng tâm, nóng bỏng, liên
quan trực tiếp đến cuộc sống người dân, gây bức xúc trong dư luận đã
được TP tập trung chỉ đạo giải quyết. Điển hình là công tác quản lý trật
tự xây dựng, xử lý, ‘’cắt ngọn’’ nhà siêu mỏng. siêu méo và xây dựng
sai phép, không phép ở khu vực nội thành; công tác giải phóng mặt bằng
các dự án trọng điểm, kéo dài; giải quyết các vụ tranh chấp đất đai ở
khu vực nông thôn và tập trung các biện pháp đồng bộ bảo đảm TTATGT trên
toàn địa bàn TP. Bên cạnh đó, chương trình xây dựng nông thôn mới cũng
được TP tập trung chỉ đạo với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, góp
phần CNH, HĐH nông nghiệp-nông thôn và làm cho bộ mặt nông thôn Hà Nội
ngày càng khởi sắc. Trung bình mỗi năm, Hà Nội có trên 2 vạn hộ dân
thoát nghèo, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân không ngừng
được cải thiện, nhất là các vùng xa trung tâm TP. Hiện, Hà Nội đã có
70% số xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% số xã trên địa bàn có
điện lưới quốc gia; văn hoá-xã hội ngày càng phát triển…
Đánh giá về những cái ‘’được’’ sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính, Bí
thư Thành uỷ Hà nội Phạm Quang Nghị cho rằng, thành công lớn nhất chính
là sự đoàn kết, thống nhất và đồng thuận cao trong toàn Đảng bộ, chính
quyền và nhân dân Thủ đô. Đặc biệt, năm đầu tiên sau cuộc hợp nhất lịch
sử, toàn TP tập trung thực hiện 9 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ
trọng tâm và hai khâu đột phá là cải cách hành chính và công tác cán bộ,
tạo nên những chuyển biến tích cực cả về phương thức lãnh đạo, chỉ đạo
và thực hiện nhiệm vụ chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô,
được nhân dân ghi nhận. Năm 2010 cũng là năm để lại nhiều dấu ấn quan
trọng, nhiều thành tích nổi bật và ấn tượng với hàng loạt công trình
trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội; tổ chức thành công Đại
hội Đảng các cấp. Kinh tế Thủ đô nhanh chóng hồi phục và tăng trưởng khá
với mức GDP bình quân đầu người đạt khoảng 37 triệu đồng/năm. 6 tháng
đầu năm nay, trong hoàn cảnh kinh tế suy thoái chung, GDP của Hà Nội vẫn
ước tăng 7,67%, gấp 1,6 lần mức tăng chung của cả nước; thu ngân sách
ước đạt 62.635,9 tỷ đồng, đạt 38% dự toán; thu hút đầu tư nước ngoài đạt
447,4 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ…
Có thể nói, Nghị quyết 15 của Quốc hội khoá XII về mở rộng địa giới qua 5
năm đi vào cuộc sống đã thực sự mở ra cho Hà Nội nhiều cơ hội phát
triển cả về kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng, cảnh quan đô thị lẫn nguồn
nhân lực trong tương lai.Tuy nhiên, với một địa bàn rộng, đông dân, phát
triển không đồng bộ…việc mở rộng địa giới cũng đã và đang đặt ra cho TP
rất nhiều thách thức cần được giải quyết nhằm bảo đảm sự thống nhất,
đồng bộ về cơ chế, chính sách để phát triển bền vững.Trong bối cảnh ấy,
Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày
1/7/2013; Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khoá XI về định hướng xây
dựng và phát triển Thủ đô đã tạo lập nên hành lang pháp lý ổn định lâu
dài, vững chắc và xác lập cơ chế đặc thù cho Hà Nội trong cả 7 lĩnh vực:
Quy hoạch; Văn hoá-Giáo dục-Đào tạo; Khoa học-Công nghệ; Môi trường-Đất
đai; Kinh tế-Tài chính; An ninh-An toàn xã hội. Đây chính là ‘’điểm
tựa’’ vững chắc để Hà Nội giải quyết những vấn đề mang tính thời sự, đặc
thù, những khó khăn bức xúc đang đặt ra hàng ngày trong quá trình hội
nhập và phát triển đúng tầm vóc trong tương lai./.
Hà Linh