Đa số ý kiến đồng tình với nội dung của dự thảo và
cho rằng Tổ biên soạn đã cố gắng đầu tư nghiên cứu xây dựng dự thảo có
bố cục ngắn gọn, chia thành 13 phần với 43 tiểu mục
nên dễ nắm bắt. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng phần đánh giá nguyên
nhân, kết quả và cả những mặt hạn chế trong dự thảo đưa ra vẫn thiếu
những con số định
tính, định lượng cụ thể. Đại biểu Phạm Ngọc Thảo - nguyên Phó Chủ tịch
MTTQ TP đề nghị, dự thảo cần có đánh giá về hiệu quả công tác đầu tư, về
việc một số cơ chế, chính sách TP đã ban hành chưa thực sự phù hợp với
thực tiễn như trong quản lý giao thông, quản lý đô thị, công tác vận
động quần chúng... Đại biểu Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ
Việt Nam yêu cầu cần đánh giá sâu hơn về những tồn tại trong quy hoạch,
quản lý đô thị, công tác bảo vệ môi trường. Cùng chung nhận định trên,
đại biểu Phạm Thị Loan,
Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp trẻ Thủ đô cho rằng, ngoài việc định lượng
rõ những việc đã làm, TP nên xây dựng phương hướng, mục tiêu chiến lược
và các mục tiêu ngắn hạn cùng các biện pháp thực hiện cụ thể để dễ nắm
bắt khi thực hiện.
Một số đại biểu băn khoăn về tính khả khi của mục
tiêu đến năm 2015, Hà Nội cơ bản trở thành Thủ đô công nghiệp theo hướng
hiện đại, nhất là trong điều kiện Hà Nội đã được mở rộng như hiện nay.
Nhất trí với cơ cấu kinh tế - dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp theo
hướng bền vững như dự thảo đã nêu, có ý kiến đề xuất trong những năm
tới, Hà Nội nên tăng tỷ trọng dịch vụ từ 52% lên 58-60%, hạ thấp tỷ lệ
công nghiệp xuống, đồng thời chú trọng phát triển kinh tế tri thức, ứng
dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đẩy mạnh việc luân chuyển, bổ
nhiệm cán bộ có thời hạn.
Nhiều ý kiến đề nghị ngay từ nhiệm vụ, phương hướng
chung phát triển Thủ đô, dự thảo cần đề cập tới các tiêu chí cụ thể về
cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đại biểu
Đinh Hạnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, dự thảo cần nhấn mạnh
hơn nữa yếu tố con người, vì con người là nhân tố trung tâm, quyết định
mọi sự phát triển. Nhấn mạnh yếu tố con người, đại diện Thành hội Phật
giáo Hà Nội đề nghị TP nên chú trọng quan tâm tới đời sống tinh thần của
người dân. Trong bộ máy tổ chức, hành chính cần quan tâm tới chính sách
cán bộ, xây dựng cán bộ, đảng viên ở khu vực đồng bào theo đạo, dân tộc
thiểu số.
Quan tâm tới sự phát triển của Thủ đô trong tương
lai, 14 ý kiến tại hội nghị còn đề cập các nội dung cải cách hành chính,
công tác đối ngoại nhân dân; công tác phòng, chống tham nhũng, xây dựng
các thiết chế văn hóa...
Thay mặt lãnh đạo TP, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị
đã cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ của các
đại biểu. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, nhiệm kỳ qua, bên cạnh những kết
quả đã đạt được, TP cũng gặp nhiều khó khăn, thử thách. TP mong muốn qua
các cuộc góp ý sẽ tiếp thu được nhiều điều bổ ích, nghiêm túc đánh giá,
kiểm điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ qua và đề ra được các
phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá trong
những năm tiếp theo. Việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào văn kiện đại
hội Đảng bộ TP là sự thể hiện thái độ cầu thị, lắng nghe, tiếp thu của
Thành ủy để phát huy tối đa trí tuệ dân chủ trong Đảng, trong xã hội.
Với tinh thần đó, đồng chí tin rằng Đảng bộ TP Hà Nội sẽ xây dựng được
bản báo cáo thể hiện ý chí, quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và
nhân dân Thủ đô.
Theo báo Hànộimới