KTĐT - Ngày 3, 4/10, Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 6 Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (UB T.Ư MTTQ) Việt Nam khóa VIII đã góp ý vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết đã đi sâu vào tình hình phát triển của đất nước trong 5 năm qua, cùng với những thành tựu nổi bật, là cả những những hạn chế, yếu kém cũng được chỉ rõ.
Cần làm rõ vấn đề xây dựng Đảng
Quan tâm đến vấn đề xây dựng Đảng, Nguyên Chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt cho rằng, Dự thảo văn kiện cần làm rõ vấn đề xây dựng Đảng, những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 5 năm tới. Cùng với đó, cần làm rõ tinh thần kiểm điểm của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư với việc triển khai nhiệm vụ trong nhiệm kỳ qua. Nội dung kiểm điểm cần đưa vào báo cáo của Đại hội để toàn dân được biết Đảng đang lãnh đạo như thế nào.Các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 6 Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII góp ý vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng. |
Đại hội Đảng 5 năm một lần, nên Đảng cần chú trọng sự kiểm điểm đúng và chưa đúng, được và chưa được, như vậy sẽ thể hiện được tinh thần phê và tự phê của Đảng. Bởi sự thật là không chỉ toàn dân ta mà cả thế giới cũng đang rất quan tâm. Cần chú trọng nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đảng cần coi trọng thực sự vấn đề giám sát và phản biện xã hội. “Không có dân thì làm sao chống được tham nhũng, hạn chế được sự suy thoái trong Đảng? Vì vậy, chúng ta cần coi trọng sự vào cuộc của người dân, cần phải khen thưởng thỏa đáng những người dân dũng cảm trong chống tham nhũng và suy thoái, thực sự coi trọng và phát huy vai trò của người dân” - ông Phạm Thế Duyệt góp ý.
Ông Phạm Thế Duyệt đề nghị, nên có kênh để Nhân dân đóng góp ý kiến, thể hiện chính kiến về công tác nhân sự, chỉ có như vậy chúng ta mới có đội ngũ cán bộ đủ tâm, đủ tầm, có trình độ được Nhân dân tin tưởng, mong muốn. Vai trò của Mặt trận đại diện cho Nhân dân đối với công tác nhân sự là rất quan trọng, không nên chỉ thể hiện ở việc hiệp thương bầu đại biểu Quốc hội của Mặt trận sau đại hội, mà cần thể hiện ý kiến trước Đại hội. “Sau 30 năm đổi mới, Đại hội lần này nên có dấu ấn để khẳng định với Nhân dân tin tưởng bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để chứng minh với Nhân dân, với thế giới rằng, Đảng ta không chỉ có vai trò lãnh đạo trong lịch sử, mà trong giai đoạn đổi mới, Đảng đã thể hiện được vai trò, dấu ấn của mình. Cần khẳng định được việc tới đây chúng ta sẽ xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, hội nhập quốc tế. Dân ta vẫn mong muốn và tin Đảng ta sẽ có những đổi mới mạnh mẽ”- ông Phạm Thế Duyệt mong muốn.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết
Một trong những nội dung quan trọng và tập trung nhấn mạnh là vấn đề đại đoàn kết: Đại đoàn kết trong Đảng, đại đoàn kết trong dân. Theo nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, đại đoàn kết là vấn đề chiến lược, Nghị quyết Đại hội 10, 11 của Đảng đề nghị: Dự thảo văn kiện cần bổ sung lại cho rõ trên cơ sở quán triệt Cương lĩnh của Đảng; việc tăng cường đại đoàn kết, trước hết, Đảng phải là hạt nhân lãnh đạo. Muốn có đoàn kết trong toàn dân thì trong Đảng phải đoàn kết, nêu gương đoàn kết. Nếu trong Đảng không đoàn kết thì sẽ có những phân tâm trong xã hội. Chúng ta kêu gọi đoàn kết nhưng có một bộ phận không nhỏ suy thoái biến chất. Vì vậy phải giải quyết hài hòa lợi ích của người dân để việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết, không chỉ động viên nghĩa vụ một chiều mà phải đem lại lợi ích, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa xã hội (UB T.Ư MTTQ Việt Nam) Nguyễn Túc nhấn mạnh, việc đưa vấn đề dân chủ xã hội chủ nghĩa vào tiêu đề và chủ đề Đại hội thể hiện vấn đề dân chủ đã được T.Ư Đảng nhận thức ngày càng đúng hơn cũng như thể hiện đúng Hiến pháp năm 2013. Cùng với đó vấn đề đại đoàn kết dân tộc chưa thực sự vững chắc và đứng trước những thách thức không thể xem thường. Ông Nguyễn Túc góp ý: Đảng cần làm cho cả hệ thống chính trị, trước hết là các cấp ủy Đảng và người đứng đầu cấp ủy quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất. Củng cố tăng cường đoàn kết hiện nay không thể chung chung mà phải gắn chặt với việc đảm bảo các lợi ích của Nhân dân. “Trong giai đoạn hiện nay, các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có tác dụng trực tiếp và quyết định đến kết quả xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, Mặt trận các tổ chức chính trị xã hội phải thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội để các chủ trương chính sách sát cuộc sống, đáp ứng lợi ích của Nhân dân” - ông Túc nhấn mạnh.Dự thảo xác định 4 nguy cơ trước đây vẫn còn, đời sống Nhân dân vẫn còn khó khăn, oan sai chưa hết. Lý do là hệ thống chính trị của chúng ta chậm đổi mới. Do đó, Đại hội lần này cần định ra được hướng đổi mới hệ thống chính trị, vì nếu không nhìn nhận, đặt đúng vấn đề đổi mới hệ thống chính trị thì những tồn tại sẽ còn, 4 nguy cơ vẫn chưa thể giải quyết. Đại hội cần xác định rõ những gì có thể đổi mới được về hệ thống chính trị thì triển khai, còn những gì chưa rõ thì đưa ra định hướng để tiếp tục nghiên cứu cho nhiệm kỳ sau. Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Hoàng Thám |
Trần Hà