Hà Nội: chuyên gia phản biện vào dự thảo Nghị quyết về mức thu học phí

12/09/2024 - 09:49 AM

Các ý kiến phản biện đề nghị làm rõ hơn việc quy định mức thu học phí trong năm học 2024-2025 làm cơ sở cho việc chi thường xuyên của các trường, thúc đẩy các trường công lập tự chủ ra sao; so sánh mức quy định học phí của Hà Nội với một số tỉnh, thành phố lớn…


Chiều nay, 11/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP quy định mức thu học phí dối với các cơ sở giáo dục mầm non (MN), giáo dục phổ thông công lập (PTCL) tự bảo đảm chi thường xuyên; cơ sở giáo dục MN, giáo dục PTCL chất lượng cao của TP Hà Nội năm học 2024-2025.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương và Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đặng Thị Phương Hoa chủ trì Hội nghị.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì Hội nghị
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì Hội nghị

Đề xuất các quy định cụ thể

Tại đây, trình bày tóm tắt dự thảo Tờ trình của UBND TP và dự thảo Nghị quyết của HĐND TP, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho hay, đối tượng áp dụng gồm: các cơ sở giáo dục MN, giáo dục PTCL tự bảo đảm chi thường xuyên của TP Hà Nội (không bao gồm cơ sở giáo dục MN, giáo dục PTCL đang thực hiện thí điểm đặt hàng giá dịch vụ giáo dục theo quy định tại Nghị quyết 02/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND TP về giá dịch vụ giáo dục tạm thời để thực hiện thí điểm đối với các cơ sở giáo dục MN, giáo dục phổ thông sử dụng NSNN của TP Hà Nội; cơ sở giáo dục MN, giáo dục PTCL chất lượng cao) và trẻ MN, học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục này; các cơ sở giáo dục MN, giáo dục PTCL chất lượng cao của TP Hà Nội và trẻ MN, học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục này.

Về mức thu học phí, UBND TP đề xuất, đối với hình thức học trực tiếp: mức thu học phí được xây dựng trên cơ sở định mức chi phí do cơ sở giáo dục xây dựng và ban hành; nguyên tắc xây dựng mức thu học phí, định mức chi phí trên cơ sở nguyên tắc do các đơn vị đề xuất (theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP và Nghị định 97/2023/NĐ-CP). Mức thu học phí đối với hình thức học trực tuyến (online) bằng 75% mức thu học phí theo hình thức học trực tiếp (kế thừa quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐND).

Trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng, quy định áp dụng mức thu học phí theo hình thức học trực tiếp, trực tuyến như sau: kế thừa quy định tại Điều 3 Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐND, cụ thể: đối với các tháng có thời gian học cả tháng theo hình thức học trực tiếp hoặc hình thức học trực tuyến (online), các cơ sở giáo dục MN, giáo dục phổ thông áp dụng mức thu học phí của tháng đó theo mức thu đã được quy định tương ứng theo hình thức học.

Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương trình bày dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị quyết 
Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương trình bày dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị quyết 

Đối với các tháng đồng thời áp dụng cả hai hình thức học trực tiếp và trực tuyến (online), việc áp dụng mức thu học phí được quy định cụ thể: cơ sở giáo dục MN, giáo dục phổ thông căn cứ thời gian học tập của học sinh tại đơn vị để thực hiện áp dụng mức thu học phí của tháng đó, trường hợp thời gian học tập theo hình thức trực tiếp từ 14 ngày trở lên thì thực hiện thu theo hình thức học trực tiếp; trường hợp thời gian học tập theo hình thức học trực tuyến (online) từ 14 ngày trở lên thì thực hiện thu theo hình thức học trực tuyến (gồm cả số ngày nghỉ theo quy định pháp luật) và mức học phí tương ứng đã được quy định,

Tổng thời gian thu học phí (theo hình thức học trực tiếp, trực tuyến) phải bảo đảm nguyên tắc tổng số tháng thu học phí trong năm không vượt quá 9 tháng/năm.

Phát biểu tại đây, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương đề nghị các đại biểu cho ý kiến vào một số nội dung trọng tâm, như: nguyên tắc, cơ sở đề xuất mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao của TP Hà Nội; mức thu học phí dự thảo đề xuất đã phù hợp điều kiện KT-XH, bảo đảm để các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao của TP duy trì hoạt động giáo dục; đồng thời khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở giáo dục công lập thực hiện tự chủ?...

Các chuyên gia, nhà khoa học nêu ý kiến phản biện vào dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị quyết
Các chuyên gia, nhà khoa học nêu ý kiến phản biện vào dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị quyết

Làm rõ đánh giá tác động, cơ sở thực tiễn

Tham gia phản biện vào nội dung dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị quyết, tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu tham dự đánh giá, những năm gần đây tình hình KT-XH của đất nước và Thủ đô Hà Nội đã có nhiều thay đổi tác động sâu rộng đến đời sống Nhân dân nói chung và giáo dục nói riêng; Nhà nước cũng có những văn bản QPPL mới quy định về giáo dục nói chung và học phí nói riêng. Vì vậy, việc HĐND TP xây dựng, ban hành Nghị quyết này là rất cần thiết.

Dự thảo Nghị quyết đã được soạn thảo căn cứ mức thu học phí năm học 2023-2024 để đề xuất mức học phí của năm học 2024-2025, nên bảo đảm tính kế thừa và so sánh mức học phí của 2 năm học, qua đó đánh giá được mức độ và tỷ lệ học phí giữa 2 năm học. Mức học phí này cũng được đề xuất từ các trường học, thể hiện tính dân chủ từ cơ sở.

Cùng đó, Tờ trình của cơ quan soạn thảo đã có tổng hợp tình hình thu học phí của các nhóm trường cụ thể và kết quả tuyển sinh của các trường trong năm học 2023-2024, trong đó các trường đã thu học phí đúng quy định của HĐND TP, hầu hết đều dưới mức “trần”, cho thấy quy định của TP về mức học phí được thực hiện nghiêm túc.

Tuy nhiên, góp ý vấn đề này, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam TP) Phạm Ngọc Thảo đề nghị, Tờ trình và dự thảo Nghị quyết cần đánh giá rõ hơn tác động của mức thu học phí vừa qua và năm học tới đối với hoạt động của trường, lớp và học sinh; làm rõ số tiền thu từ học phí đó có tỷ lệ cơ cấu thế nào trong tổng chi phí cho hoạt động của trường, tác động thế nào đến trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thu nhập của giáo viên, lao động hợp đồng…

Bên cạnh đó, trong Tờ trình nên làm rõ thêm về cơ sở thực tiễn để quy định mức học phí năm học 2024-2025 để thực sự mang tính thuyết phục, như do nhu cầu đầu tư trang thiết bị, do nhu cầu cải tiến dạy - học, hay do lương cơ sở tăng 30%...? Đồng thời, bám sát các quy định của Chính phủ khi quy định mức học phí phải căn cứ điều kiện KT-XH, định mức KT-XH, chương trình dạy - học, từ đó làm rõ năm học 2024-2025 các trường, lớp được quy định mức học phí cao hơn năm học trước đã có sự nâng cao chất lượng ra sao, có tương ứng với quy định mức học phí mới hay không?

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa phát biểu kết luận
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa phát biểu kết luận

PGS.TS Bùi Thị An- Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế (Ủy ban MTTQ Việt Nam TP) cho rằng, nên có đánh giá, phân tích một cách minh bạch về cơ cấu chi trên cơ sở mức thu cũ, để mọi người rõ hơn việc sử dụng các khoản thu học phí vào việc gì, thiếu ở hạng mục nào, vì sao thiếu…? Về mức đóng góp, nên có đánh giá tác động xã hội đói với những gia đình lao động bình thường, vì sau Covid-19 và sau trận bão Yagi này, không phải gia đình nào cũng lấy lại được sự cân bằng kinh tế, chưa kể một số hộ còn gặp rất nhiều khó khăn vì công việc bấp bênh, không ổn định.

Cũng theo các ý kiến phản biện, Tờ trình nên làm rõ hơn việc quy định mức thu học phí theo Nghị quyết này trong năm học 2024-2025 làm cơ sở cho việc chi thường xuyên của các trường như thế nào và thúc đẩy các cơ sở giáo dục công lập tự chủ ra sao. Ngoài ra, cần có thêm đánh giá so sánh mức quy định học phí của Hà Nội với một số tỉnh, thành phố lớn tương ứng để có thêm cơ sở xem xét, thêm tính thuyết phục…

Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đặng Thị Phương Hoa trân trọng cảm ơn những ý kiến phát biểu tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, thành viên các Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP… và đánh giá cao chất lượng soạn thảo các dự thảo Tờ trình, Nghị quyết của các cơ quan soạn thảo.

Khẳng định các ý kiến đều tán thành việc HĐND TP ban hành Nghị quyết này, bảo đảm các cơ sở pháp lý và thực tiễn, nhưng cũng góp ý một số vấn đề cụ thể, thiết thực, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ và gửi cho các cơ quan chức năng của TP, để góp phần hoàn thiện các dự thảo Tờ trình và Nghị quyết, khi ban hành bảo đảm khả thi trong thực tiễn.

Các tin tức khác
danh mục tin tức
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020