Hà Nội sẵn sàng cho ngày hội lớn

22/05/2016 - 08:50 AM
(HNM) - Việc chọn lựa, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. 

Chỉ ít giờ trước khi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội đã dành cho Báo Hànộimới cuộc trao đổi xoay quanh các bước đã triển khai để tổ chức thành công ngày hội lớn.
 

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc. Ảnh: Viết Thành

Lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời

- Hôm nay 22-5, cùng với cử tri cả nước, cử tri Thủ đô sẽ cầm lá phiếu để bầu ra những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình. Xin đồng chí Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố cho biết công tác lãnh đạo, chỉ đạo để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra đúng luật, chất lượng?

- Đồng chí NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC: Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, thực hiện Chỉ thị 51-CT/TƯ của Bộ Chính trị, các văn bản hướng dẫn của Trung ương; Ban Thường vụ Thành ủy đã sớm ban hành các văn bản để tổ chức thực hiện. Ngày 15-1-2016, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU về lãnh đạo cuộc bầu cử, đồng thời quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thành phố về công tác bầu cử; chỉ đạo UBND thành phố thành lập Ủy ban Bầu cử thành phố và các tiểu ban phục vụ cho bầu cử như Tiểu ban Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền; Tiểu ban Chỉ đạo bảo đảm an ninh trật tự, trật tự ATXH; Tiểu ban Chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo…

- Đồng chí có thể cho biết cụ thể nội dung trong chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện?

- Đồng chí NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC: Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai tổ chức quán triệt các văn bản chỉ đạo về bầu cử; mời báo cáo viên Trung ương trực tiếp phổ biến những điểm mới trong Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho cán bộ chủ chốt của thành phố. Đây là bước quan trọng cho việc triển khai đến 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn về cuộc bầu cử. Cùng với đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Đảng đoàn HĐND, Ban cán sự Đảng UBND thành phố, Đảng đoàn Ủy ban MTTQ thành phố khẩn trương phối hợp, cùng các cấp ủy đảng trực thuộc có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.

Giúp cử tri lựa chọn những người xứng đáng

- Trong quá trình triển khai, vấn đề nào được TP Hà Nội đặc biệt chú trọng, thưa Chủ tịch?

- Đồng chí NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC: Công tác tuyên truyền được thành phố đặc biệt coi trọng. Ban Chỉ đạo công tác bầu cử thành phố, Ủy ban Bầu cử thành phố đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy, Tiểu ban Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, địa phương, đơn vị tổ chức hoạt động tuyên truyền phong phú, đa dạng. Cùng với đó, các phương tiện thông tin đại chúng đã bám sát các bước quy trình chuẩn bị bầu cử, phản ánh kịp thời, đa dạng các hoạt động như kiểm tra, giám sát bầu cử, hiệp thương giới thiệu người ứng cử… Thông qua các hoạt động thông tin tuyên truyền, đã giúp cho các cấp, các ngành, các địa phương, đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đồng thời cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân sôi nổi thi đua thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị hướng về ngày hội lớn. Công tác tuyên truyền, cổ động trực quan gắn liền với thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của “Năm trật tự và văn minh đô thị 2016” tạo không khí tưng bừng, rực rỡ trên toàn địa bàn thành phố.

- Cuộc bầu cử lần này được triển khai gắn với thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới được Quốc hội ban hành. Đâu là những vấn đề cần lưu ý, thưa Chủ tịch?

- Đồng chí NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC: Một trong những điểm mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương là tăng cán bộ chuyên trách; HĐND cấp xã, phường có các ban… Vì thế, việc lựa chọn đại biểu hiệp thương, lựa chọn danh sách ứng cử viên đủ tiêu chuẩn, năng lực, trình độ… được Thành ủy chỉ đạo, hướng dẫn về công tác nhân sự ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo công tác rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ để chủ động chuẩn bị nhân sự giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND (18/30 quận, huyện, thị đề nghị bổ sung quy hoạch cán bộ). Đáng lưu ý, Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc làm tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; gắn kết quả nhân sự của đại hội Đảng bộ các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ ĐBQH và đại biểu HĐND để tham gia ứng cử các chức danh chủ chốt.

- Chủ tịch có thể trao đổi rõ hơn về tiêu chuẩn đại biểu theo những điểm mới của Luật?

- Đồng chí NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC: Đó là giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ ĐBQH và đại biểu HĐND; không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm… Đáng lưu ý, TP Hà Nội giảm hợp lý số đại biểu công tác tại cơ quan hành chính, tăng số lượng đại biểu chuyên trách; bảo đảm tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo đúng quy định của Luật Bầu cử; bổ sung tỷ lệ hợp lý đại biểu đại diện các hiệp hội, nghiệp đoàn về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

- Hà Nội là địa phương có số người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND nhiều nhất cả nước?

- Đồng chí NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC: Theo quy định, Hà Nội chọn 178 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND thành phố để bầu 105 đại biểu và 37 người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH. Ngoài ra, Hà Nội có 13 người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH được Trung ương giới thiệu về, nên danh sách ứng cử viên ĐBQH của Hà Nội gồm 50 người để cử tri lựa chọn bầu ra 30 ĐBQH.

- Công tác chọn lựa, hiệp thương chọn lựa đại biểu được bảo đảm dân chủ, khách quan như thế nào thưa Chủ tịch?

- Đồng chí NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC: Sau khi Ủy ban MTTQ các cấp tổ chức hiệp thương lần 1, 2, 3 đã lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã phối hợp với UBND cùng cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan đã tổ chức thành công hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH, người ứng cử đại biểu HĐND. Đồng thời lấy ý kiến của cử tri nơi công tác đối với người tự ứng cử ĐBQH, người tự ứng cử đại biểu HĐND, người được thôn, xóm, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND cấp xã. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử phối hợp với Ủy ban Bầu cử các cấp, UBND cấp xã tiến hành việc xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu lên đối với người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Đối với nhân sự tự ứng cử đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong việc xác minh, lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi cư trú làm cơ sở lập danh sách để MTTQ tổ chức hội nghị hiệp thương lần 3 bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng quy định, lựa chọn các ứng cử viên đủ tiêu chuẩn điều kiện theo Luật và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, thành phố.

- Chủ tịch đánh giá như thế nào về chất lượng ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp?

- Đồng chí NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC: Chất lượng ứng cử viên ĐBQH rất cao, với 16 người trình độ là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ (42,10%); 11 người trình độ thạc sĩ (28,95%). Cơ cấu thành phần cũng bảo đảm hài hòa, nữ 15 người (39,47%), tỷ lệ trẻ và ngoài Đảng đạt 7,89%; tỷ lệ dân tộc 5,26%; tỷ lệ tái cử 13,16%. Về chất lượng đại biểu ứng cử HĐND TP Hà Nội: Tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đạt 15,64%; thạc sĩ 51,96%; đại học đạt 31,84% và tỷ lệ nữ đạt cao với 36,87%; tỷ lệ trẻ 12,29%; ngoài Đảng 19,55%; tỷ lệ dân tộc, tôn giáo đều đạt 1,68%. Các ứng cử viên đủ tiêu chuẩn tham gia bầu vào HĐND cấp quận, huyện, thị xã có 1.961 người; ứng cử viên đủ tiêu chuẩn tham gia bầu vào HĐND cấp xã gồm 26.874 người, trong đó tỷ lệ nữ, tỷ lệ trẻ đạt cao.

- Công tác tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri (TXCT), vận động bầu cử, mạn đàm tiểu sử ứng cử viên đã được thực hiện như thế nào, thưa Chủ tịch?

- Đồng chí NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC: Ủy ban Bầu cử đã đề nghị các cơ quan báo chí của Hà Nội; Ủy ban Bầu cử các quận, huyện, thị xã tuyên truyền công khai, minh bạch và công bằng. Ngoài tuyên truyền của các cơ quan, thì bản thân ứng cử viên cũng phải tuyên truyền, vận động cho mình theo đúng Luật thông qua TXCT. Mỗi đơn vị quận, huyện, thị xã tổ chức một buổi TXCT; có nhiều quận, huyện đã tổ chức truyền thanh trực tiếp các hội nghị TXCT để nhiều cử tri được biết, hoặc TXCT theo từng vùng, từng lĩnh vực; sau đó tổ chức mạn đàm tiểu sử các ứng cử viên tại các tổ dân phố, khu dân cư. Qua đó, để các cử tri nắm rõ tiểu sử, quá trình công tác, cơ cấu đại biểu, để chọn lựa đại biểu khi bầu chuẩn xác hơn. Công tác mạn đàm tiểu sử các ứng cử viên được Ủy ban Bầu cử các cấp chỉ đạo, thực hiện chất lượng ở từng tổ dân phố, thôn, xóm. Ủy ban Bầu cử các cấp còn in tiểu sử các ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND thành phố và gửi đến từng hộ gia đình; nhiều quận, huyện và các xã, phường cũng in tiểu sử của ứng cử viên đại biểu HĐND gửi đến các hộ gia đình. Chương trình hành động của ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND thành phố được đăng tải trên Báo Hànộimới, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội. 

Mọi khâu chuẩn bị đều đã sẵn sàng

- Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất được Hà Nội triển khai như thế nào để bảo đảm cho thành công cuộc bầu cử, thưa Chủ tịch?

- Đồng chí NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC: Hà Nội đã nghiêm túc triển khai công tác bầu cử sớm so với cả nước, đúng quy trình, quy định, tiến độ, thời gian theo Luật. Các điều kiện cơ sở vật chất được thành phố coi trọng và chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị bảo đảm trang trọng, tiết kiệm. Với số lượng khu vực bỏ phiếu rất lớn: 4.875 khu vực, việc chuẩn bị phải chủ động, sớm. Nhiều quận, huyện đã đầu tư đồng bộ hòm phiếu, khẩu hiệu trang trí, lập đơn vị bỏ phiếu mẫu để tạo sự đồng đều, đúng Luật. Đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị từ nhân sự, tuyên truyền, niêm yết danh sách cử tri, TXCT vận động bầu cử, mạn đàm tiểu sử ứng cử viên, đến tập huấn cho các tổ bầu cử, trang trí 4.875 khu vực bỏ phiếu trên địa bàn Thủ đô đã hoàn tất. Ngoài tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát các địa phương triển khai công tác bầu cử, Ủy ban Bầu cử của thành phố còn phân công thành viên phụ trách địa bàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo xử lý các vấn đề phát sinh kịp thời. Công tác an ninh, trật tự an toàn xã hội được coi trọng, bảo đảm tuyệt đối an toàn trước, trong và sau ngày bầu cử, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ. Tiểu ban chỉ đạo thông tin, tuyên truyền và các cơ quan thông tin đại chúng thành phố, các đoàn thể, tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động, tổ chức tuyên truyền, cổ động sâu rộng trong nhân dân; sử dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền, tạo không khí toàn dân phấn khởi trong, sau ngày bầu cử.

- Những công việc gì cần lưu ý sau ngày bầu cử thưa Chủ tịch?

- Đồng chí NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC: Tiểu ban Chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các bộ phận chức năng thực hiện tốt việc tiếp công dân, tiếp nhận các đơn thư của công dân nói chung, đơn thư khiếu nại, tố cáo về bầu cử nói riêng theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện tốt các khâu, sẽ là tiền đề quan trọng góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử. Chuẩn bị thật tốt các điều kiện phục vụ cho kỳ họp thứ nhất của HĐND các cấp.

- Xin cảm ơn Chủ tịch về những nội dung trao đổi!
Việt Tuấn thực hiện
Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020