Hà Nội tổng kết 20 năm hoạt động các trung tâm bồi dưỡng chính trị trên địa bàn TP

18/12/2015 - 08:14 AM

Sáng 16/12, tại hội trường Thành ủy Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm hoạt động các Trung tâm bồi dưỡng chính trị (BDCC) trên địa bàn TP theo Quyết định số 100-QĐ/TW ngày 3/6/1995 của Ban Bí thư TW Đảng (khóa VII) về thành lập Trung tâm BDCC cấp huyện. Tới dự có các đồng chí: Phạm Văn Linh-Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW; Ngô Thị Thanh Hằng-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Lê Hồng Sơn-Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Văn Phong-Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; đại diện lãnh đạo các Ban Đảng, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng UBND, các sở, ngành, MTTQ, các đoàn thể chính trị TP, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong và lãnh đạo các quận, huyện, thị xã…

Đ/c Ngô Thị Thanh Hằng-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy (giữa) trao Bằng khen cho các tập thể

Đánh giá tổng kết 20 năm hoạt động các Trung tâm BDCC trên địa bàn TP, báo cáo do đồng chí Nguyễn Thị Liên-Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy trình bày đã khẳng định: Sau 20 năm hoạt động, các Trung tâm BDCC quận, huyện, thị ủy thuộc Đảng bộ TP Hà Nội đã hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng với gần 5 triệu lượt học viên, hơn 20 nghìn lớp bồi dưỡng, đào tạo các loại được tổ chức, góp phần tích cực vào việc nâng cao trình đô lý luận, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp tổ chức thực hiện cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở; đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể, giữ vững ổn định chính trị và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của TP và địa phương. Đội ngũ cán bộ, đảng viên sau khi được bồi dưỡng, đào tạo đã tích cực vận dụng lý luận với thực tiễn, nhận thức chính trị và trình độ nghiệp vụ có bước phát triển tốt, vươn lên đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới. Kết quả hoạt động của các Trung tâm BDCC đã được Thành ủy, UBND TP và các cấp, các ngành ghi nhận…

Từ thực tiễn hoạt động cho thấy mô hình Trung tâm BDCC cấp huyện thật sự cần thiết và có tính hiệu quả cao, phù hợp với yêu cầu bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Thực tiễn đó cũng đang đặt ra một số vấn đề cần tiếp tục giải quyết để từng bước hoàn thiện về tổ chức và hoạt động của các Trung tâm BDCC theo hướng chuẩn hóa về cơ sở vật chất, về mô hình hoạt động. Tiếp tục đổi mới về phương thức hoạt động, phương thức dạy và học, về nội dung chương trình gắn với thực tiễn cơ sở, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Linh-Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW và đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã biểu dương, ghi nhận những kết quả đóng góp của các Trung tâm BDCC cấp huyện trên địa bàn TP trong suốt 20 năm qua. Khẳng định tính đúng đắn, cần thiết của Quyết định số 100-QĐ/TW ngày 3/6/1995 của Ban Bí thư TW Đảng (khóa VII) về thành lập Trung tâm BDCC cấp huyện, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: Công tác giáo dục lý luận chính trị, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng, là sự nghiệp của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị. Sự nghiệp đó đang đòi hỏi không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng nói chung, công tác giáo dục lý luận chính trị nói riêng, góp phần cùng Đảng bộ TP nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp CNH, HĐH; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Đồng chí đề nghị, trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo và Ban Tổ chức Thành ủy, các sở, ngành TP tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Thành ủy tạo cơ chế thuận lợi, thông thoáng, tháo gỡ vướng mắc cho các Trung tâm BDCC hoạt động theo hướng chuẩn hóa để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở vừa có trình độ lý luận, vừa có bản lĩnh chính trị và chuyên môn nghiệp vụ vững vàng và kỹ năng hoạt động thực tiễn, gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH Thủ đô và đất nước.

Thay mặt Ban Thường vụ Thành Ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã trao Bằng khen của Thành ủy Hà Nội  cho 8 tập thể và 7 cá nhân. Đồng chí Lê Hồng Sơn-Phó Chủ tịch UBND TP trao Bằng khen của UBND TP cho 10 tập thể và 5 cá nhân. Đồng chí Nguyễn Văn Phong-Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy trao giấy khen của Ban Tuyên giáo Thành ủy cho 11 tập thể và 12 cá nhân./.

Minh Thúy

Các tin tức khác
Danh mục tin tức liên quan
Kết quả bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2020